ClockThứ Ba, 18/04/2017 13:16

Hộ kinh doanh cá thể “ngại lên”doanh nghiệp

TTH - Nhiều hộ kinh doanh cá thể có doanh thu mỗi năm cả tỷ đồng, song chỉ nộp thuế theo mức khoán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/tháng và “ngại” lên doanh nghiệp (DN). Đây là thực trạng chung lâu nay dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước.

Hộ cá thể kinh doanh vải ở chợ Đông Ba nộp thuế theo mức khoán

Để được hưởng thuế khoán

Với mức doanh thu khoảng 3,6 tỷ đồng/năm, mỗi tháng Nhà hàng Thái Sơn thuộc DN tư nhân Sơn Nguyệt (66 Hai Bà Trưng, TP. Huế) nộp hơn 15 triệu đồng thuế giá trị gia tăng (GTGT). Cuối năm, sau khi thực hiện các thủ tục hoàn thuế, DN này đóng thêm 200 triệu đồng thuế thu nhập DN.

Giám đốc DN tư nhân Sơn Nguyệt, ông Nguyễn Nam Sơn chia sẻ: “Trước đây khi mới kinh doanh dịch vụ ăn uống, do quy mô nhỏ nên ngại lên DN. Sau khi có nguồn khách ổn định, doanh thu cao nên đăng ký lên DN để thực hiện nộp thuế theo Luật DN, được hoàn các khoản thuế GTGT, thuế thu nhập DN và vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn hộ cá thể”.

Cũng theo ông Sơn, nếu thành lập DN, cơ sở sẽ huy động sự tham gia góp vốn của các tổ chức hoặc cá nhân, được ngành thuế khấu hao tài sản khi đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh nên sẽ giảm áp lực về tài chính.

Khác với suy nghĩ của DN Thái Sơn, hiện trên địa bàn TP. Huế có hàng trăm nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô lớn, doanh thu cao, song lại “ngại lên” DN vì lo sợ nộp thuế cao cũng như hoàn tất các thủ tục quyết toán thuế.

Hoạt động tại phường Thủy Xuân, TP.Huế gần 10 năm, Nhà hàng Hòa Hạnh luôn có số lượng khách đông với doanh thu khoảng 150 triệu đồng/tháng. Có những tháng cao điểm như tháng 9, 10 và 11, lượng khách đông nên doanh thu cao hơn. Với mức khoán đối với hộ cá thể, hiện mỗi tháng cơ sở nộp 3,6 triệu đồng tiền thuế.

Khi được hỏi về việc đăng ký thành lập DN, chủ nhà hàng, bà Trần Thị Hạnh lý giải: “Nếu lên DN, cơ sở phải có thêm nhân viên kế toán hạch toán sổ sách hoặc thuê dịch vụ kế toán bên ngoài, phải mua bảo hiểm cho người lao động, tốn phí kê khai thuế điện tử, mở tài khoản ngân hàng...Trong khi đó, nộp thuế khoán khá đơn giản, mỗi quý nộp một lần là xong”.

Tương tự, tại các tuyến đường Tố Hữu, Trường Chinh, Lê Quang Đạo hay các khu quy hoạch Cồn Bàng, Bàu Vá, hàng loạt nhà hàng, quán nhậu bình dân có số lượng khách đông, doanh thu lớn và số lượng lao động trên 10 người; đây là các tiêu chí nằm trong quy định phải lên DN. Song,  nhiều cơ sở vẫn không đăng ký lên DN.

Khác với dịch vụ ăn uống, mức thuế khoán đối với hộ thương nghiệp, bao gồm hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa chỉ đóng mức thuế khoán 1,5%, trong đó thuế GTGT 1% và thuế TNCN 0,5% trên giá trị doanh thu do cơ sở kê khai và các đội thuế khảo sát. Do đó, hiện có khá nhiều cơ sở kinh doanh quy mô lớn, doanh thu cao song chỉ dừng lại hộ cá thể và không mặn mà lên DN.

Ông Nguyễn Hiếu, chủ cửa hàng tạp hóa ở đường Phan Bội Châu đề xuất: “Ngoài giải pháp vận động của ngành thuế như lâu nay, muốn hộ cá thể đăng ký thành lập DN để hoạt động theo luật, cần phải có hệ thống kế toán dành cho các DN siêu nhỏ nhằm giải quyết các thủ tục liên quan, giúp DN giảm chi phí và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến quyết toán thuế và hạch toán sổ sách”.

Thất thu ngân sách    

Quản lý thu thuế hộ cá thể tại 6 phường: Thủy Xuân, Thủy Biều, Phường Đúc, Vĩnh Ninh, Phước Vĩnh và Trường An, Đội Thuế liên phường số 2, Chi cục Thuế TP. Huế quản lý 1.500 hộ cá thể. Mỗi năm, cán bộ thuế đi phát tờ khai cho các hộ cá thể, sau đó tiến hành khảo sát doanh thu để xác định mức thu phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Trong đó, đối với hộ thương nghiệp có mức khoán từ 200.000đ- 5 triệu đồng/hộ/tháng; hộ kinh doanh dịch vụ cà phê, ăn uống từ 3- 5 triệu đồng/hộ/tháng.

Hiện, trên địa bàn TP. Huế có 1.800 DN và 6.300 hộ cá thể. Qua khảo sát hoạt động kinh doanh và áp dụng tiêu chí thành lập DN, có trên 500 hộ cá thể đủ điều kiện lên DN; thất thu thuế mỗi năm khoảng vài tỷ đồng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Huế, ông Trần Phước Ngọc ước tính.

Đội trưởng Đội Thuế liên phường số 2, ông Trần Văn Quang thông tin: “Dù đã nhiều lần truyên truyền các lợi ích khi thành lập DN, qua đó vận động, hướng dẫn các thủ tục hành chính để các hộ cá thể quy mô lớn thành lập DN, song do tâm lý e ngại, lo sợ các thủ tục quyết toán thuế, tốn kém các chi phí thuê nhân viên kế toán, hạch toán sổ sách nên mỗi năm, chỉ có từ 5-10 hộ cá thể do đội quản lý đăng ký thành lập DN.”

Theo Luật DN, hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN. Tuy nhiên, quy định này chưa được phát huy trong thực tế khi có nhiều yếu tố tác động như kiểm tra giám sát việc sử dụng lao động còn hạn chế, biến động lao động, ý thức của chủ cơ sở… “Do không có chế tài xử phạt mà chủ yếu áp dụng hình thức tuyên truyền, vận động nên hiện có khá nhiều cơ sở kinh doanh quy mô lớn, có trên 10 lao động “né” lên DN”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Huế, ông Trần Phước Ngọc thông tin.

Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Huế, ông Nguyễn Cư cho rằng: “Do các hộ kinh doanh nộp thuế khoán cũng có hóa đơn bán hàng như DN nên công tác vận động, tuyên truyền thành lập DN gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, với tâm lý e ngại vì lên DN phải tốn phí kê khai thuế điện tử, thuê nhân viên kế toán, đóng bảo hiểm cho nhân viên; trong khi ngành thuế chưa có chế tài xử phạt nên nhiều hộ cá thể cương quyết không thành lập DN. Sắp tới, chi cục sẽ tổ chức kiểm tra, khảo sát doanh thu của các hộ cá thể, nếu hộ nào có doanh thu cao, quy mô hoạt động lớn thì sẽ vận động thành lập DN”.

Theo ông Cư, hiện ngành thuế tỉnh đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người nộp thuế, trong đó thủ tục quyết toán thuế dành cho DN bao gồm báo cáo hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, nộp tờ khai quyết toán, thủ tục quyết toán thuế TNCN và thu nhập DN… 

Bài, ảnh: Thanh Hương

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top