ClockThứ Năm, 05/05/2016 15:00

Hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết thực, tránh hô hào khẩu hiệu

Theo chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp "chết" nhiều 4 tháng qua là đáng lo ngại, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, tránh hô hào khẩu hiệu.

4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc hoàn tất thủ tục giải thể tiếp tục tăng mạnh. Đại diện Bộ KHĐT cho rằng, việc doanh nghiệp “chết” như vậy là bình thường, còn nhiều chuyên gia cho rằng, cần phân tích cụ thể từng trường hợp để có đánh giá đúng đắn và có giải pháp phù hợp.

Doanh nghiệp “sống” nhiều hơn “chết” thì không đáng lo

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2016, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 46.052 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 19.444 doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông, khi nào doanh nghiệp mới thành lập còn cao hơn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì lúc đó ta thấy nền kinh tế vẫn ổn (Ảnh minh họa: KT)

Đáng lưu ý, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 9.450 doanh nghiệp, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 15.685 doanh nghiệp, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm 92,5% trên tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. So sánh với cùng kỳ của năm 2015 thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ tăng 24,5%.   

Cũng theo Bộ KHĐT, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 4 tháng đầu năm 2016 là 3.759 doanh nghiệp, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Số ngành có số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 4 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: nghệ thuật, vui chơi và giải trí; thông tin và truyền thông; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác; kinh doanh bất động sản;.... Một số ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; kinh doanh bất động sản; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản...

Về con số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho rằng, nội hàm con số 40% doanh nghiệp chết, không nên hiểu là ngay năm nay “chết”, hay quý I “chết”. Cần theo dõi doanh nghiệp ra đời, đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau, nhưng khi nào doanh nghiệp mới thành lập còn cao hơn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì lúc đó ta thấy nền kinh tế vẫn ổn, cần bình tĩnh, con số đó không phản ánh tuyệt đối về sức khỏe nền kinh tế. Không phải mọi doanh nghiệp ra khỏi thị trường đều là doanh nghiệp chết, không phải là doanh nghiệp yếu. Đây là xu thế bình thường trên thế giới.

Hỗ trợ cần thiết thực

Cùng quan điểm này, theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói về doanh nghiệp giải thể cần phân biệt có doanh nghiệp khó khăn, phải giải thể thật, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp không biết lượng sức mình nên dẫn đến tình trạng phá sản, giải thể nên là câu chuyện bình thường. “Trong cơ chế thị trường có doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp mới giải thể cũng là bình thường. Chúng ta đừng áy náy nhiều về các doanh nghiệp giải thể”- ông Võ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Võ cũng khuyến nghị, “các nhà quản lý phải biết dự báo, xem cái gì sẽ xảy ra. Hiện nay, doanh nghiệp trong nước thua lỗ là dấu hiệu cần xem xét. Cần phân tích cụ thể từng trường hợp về nguyên nhân để xử lý”.

Cái khó nhất của doanh nghiệp tư nhân hiện nay, theo GS Võ, là thiếu nguồn vốn để đầu tư. Ông Võ cho rằng, ở nước ta, vốn vay trung hạn và dài hạn với lãi suất thấp cho doanh nghiệp chưa có. Hệ thống ngân hàng chưa đảm bảo vốn cho doanh nghiệp và doanh nghiệp chưa được tiếp cận vốn một cách công bằng.

“Cái mà chúng ta đang lỡ cỡ hiện nay từ quản lý ngân hàng, thị trường vốn, tài chính, đất đai, tài nguyên vẫn “dở dăng, dở đèn”, nửa bao cấp, nửa thị trường thì những bất lợi nhất của bao cấp và cả những bất lợi nhất của thị trường đều cùng xuất hiện”- ông Võ đánh giá.

Còn chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ lo ngại: Tình hình rất khó khăn, trong quý 1/2016, số doanh nghiệp mới tăng thêm so với doanh nghiệp giải thể chỉ hơn khoảng 3%. Về nguyên nhân, do môi trường kinh doanh chưa thực sự được tháo cởi như mong muốn (chủ yếu là thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, đất đai, thuế…); đồng thời do thị trường kinh tế thế giới chưa phục hồi trở lại, còn chập chờn, trong khi thị trường trong nước đang trong quá trình hội nhập, nên ngày càng cạnh tranh khó hơn.

Vì thế, theo ông Lưu Bích Hồ, “cần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn một cách thiết thực hơn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cơ quan quản lý, tổ chức ngành hàng, hiệp hội, những giới liên quan cần chung tay hỗ trợ doanh nghiệp. Cần thiết thực từ thể chế đến hành động hỗ trợ cụ thể chứ không thể hô hào, khẩu hiệu”.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
Return to top