ClockThứ Bảy, 13/10/2018 07:00

Hỗ trợ doanh nghiệp theo từng dự án đầu tư

TTH - Để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến Huế, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Đình Khánh đã trao đổi, chia sẻ những thông tin liên quan đến vấn đề này.

“Trước hết vẫn là sự nỗ lực của doanh nghiệp”Hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệRào cản từ công nghiệp hỗ trợ

Ông Lê Đình Khánh. Ảnh: Hữu Phúc

Ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp, kế hoạch mà Sở KH&ĐT đang thực hiện để thu hút DN đến Huế đầu tư?

Hỗ trợ DN luôn là mục tiêu xuyên suốt và lâu dài của tỉnh. Không phải bây giờ mà lúc nào chúng tôi cũng có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ DN đến Huế tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như các DN trong tỉnh triển khai dự án (DA). Gần đây, công tác hỗ trợ DN còn được chú trọng hơn bằng các kế hoạch, giải pháp cụ thể. Ngoài các hỗ trợ chung theo quy định của Nhà nước, ngành đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ riêng theo từng DA, từng giai đoạn cụ thể, với tinh thần giải quyết sớm nhất những vướng mắc để DN triển khai DA.

Điều đó đã đem lại kết quả?

Có khá nhiều DA nhờ sự kết nối, liên thông, linh động của chúng tôi đã triển khai đúng và sớm hơn thời hạn cam kết. Có thể kể đến như tổ hợp siêu thị, khách sạn của Vingroup ở đường Hùng Vương, DA năng lượng mặt trời, các DA ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao…

Thế nhưng, tình trạng chậm tiến độ, DA treo vẫn còn, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Có khá nhiều nguyên nhân, bao gồm cả chủ quan và khách quan. Về chủ quan có thể là do DN thiếu năng lực tài chính hoặc một vài lý do tiêu cực khác như muốn “xí phần”, chiếm đất… Tất nhiên những DA như thế này sau khi rà soát chúng tôi đều tham mưu UBND tỉnh thu hồi và thực tế đã thu hồi khá nhiều DA, trong đó có nhiều DA ở các khu đất vàng để giao cho nhà đầu tư khác có năng lực, uy tín hơn.

Sau tổ hợp Trung tâm thương mại và Khách sạn 5 sao Hùng Vương, Vingroup đang tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm một số dự án khác. Ảnh: Tâm Huệ

Đối với các DA vì nguyên nhân khách quan như vướng công tác giải phóng mặt bằng hoặc chờ DA khác thi công như DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế nhằm tạo sự kết nối, đồng bộ thì chúng tôi đều có đốc thúc, phối hợp với các cơ quan khác để giúp DN gỡ khó để sớm triển khai DA.

Ông vừa nói đến vướng mắc ở công tác giải phóng mặt bằng khiến DA triển khai chậm. Dường như đây là “căn bệnh trầm kha” chung của cả nước. Sở có những giải pháp gì mới để tham mưu và cùng gỡ với các địa phương, ban ngành?

Chúng tôi luôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Huế và các huyện, thị xã để đốc thúc, tìm nguyên nhân, đề xuất giải pháp tốt nhất, có lợi nhất cho DN để thực hiện. Cách mà chúng tôi đã và đang triển khai là rút ngắn nhất và triển khai song song các bước chứ không đợi song khâu này mới triển khai khâu khác sẽ kéo dài thời gian, làm chậm quá trình triển khai DA của DN. Thực tế đã chứng minh, cách làm này giúp DN triển khai DA thuận lợi hơn.

Có ý kiến cho rằng, các hỗ trợ chủ yếu dành cho các DN lớn. Các DN nhỏ và siêu nhỏ gần như bị bỏ quên. Ông nghĩ sao về điều này?

Chúng tôi luôn xây dựng phương án hỗ trợ chung cho các DN không kể lớn nhỏ. Như hỗ trợ về công tác giải phóng mặt bằng, chúng tôi rất chú trọng đến các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những hỗ trợ khác khi DN có yêu cầu và nhất là các DN lớn, chiến lược bằng các tổ giúp việc. Riêng ở văn phòng sở luôn có đội ngũ cán bộ, chuyên viên đủ năng lực, trình độ, giỏi giao tiếp bằng tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác luôn sẵn sàng để hỗ trợ DN khi cần.

Dù thế thì bức tranh chung về kêu gọi đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư nước ngoài FDI chưa thật sự khởi sắc, khi gần đây chưa có thêm nhiều nhà đầu tư mới?

Năm ngoái, chúng tôi vừa kỷ niệm 30 năm kể từ khi có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Huế. Rõ ràng lĩnh vực đầu tư nước ngoài chưa thực sự thu hút được nhiều DN, với 93 DA, tổng vốn đăng ký khoảng hơn 2,4 tỷ USD tính đến thời điểm cuối năm ngoái. Song đây là lĩnh vực đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho tỉnh, khi Nhà máy bia Huda có số đóng góp cho ngân sách chiếm hơn 1/3 tổng nguồn thu trên địa bàn.

Lĩnh vực dệt may dù chưa đóng góp nhiều cho ngân sách nhưng góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 500 triệu USD/năm và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Chỉ riêng hai nhà máy may Scavi và HBI đã giải quyết hơn 15.000 lao động địa phương.

Còn các DA mới thì sao, thưa ông?

Đối với lĩnh vực FDI năm nay có DA khá lớn đang triển khai ở lĩnh vực sản xuất chế biến sâu các sản phẩm từ cát như sản xuất màn hình tivi, pin điện thoại… để cung cấp cho các nhà máy trong nước và xuất khẩu. Đây là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký trên 20 triệu euro giai đoạn 1 hứa hẹn sẽ làm thay đổi nguồn thu ngân sách trong một vài năm tới.

Trải nghiệm dịch vụ mới ở Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Laguna Lăng Cô. Ảnh: T. Ninh

Cùng với DA này, sau khi nhà đầu tư Bayan Tree được chấp thuận chủ trương nâng tổng vốn đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Laguna lên 2 tỷ USD, với lĩnh vực đầu tư casino và chuỗi khách sạn, nhà hàng, biệt thự sang trọng đã nâng tổng vốn đầu tư lĩnh vực FDI toàn tỉnh lên hơn 3,6 tỷ USD.

Các DA ở các lĩnh vực khác như năng lượng mặt trời, nông nghiệp công nghệ cao… cũng đã và đang triển khai là tín hiệu tốt cho nguồn thu ngân sách trong vài năm tới.

Về lâu dài, công tác thu hút nhà đầu tư chiến lược được tỉnh triển khai như thế nào để DN không chỉ một mà còn có nhiều DA và “kéo” thêm được DN khác về Huế?

Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn, chiến lược luôn là nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức khá nhiều hội nghị để mời các DN đến Huế đầu tư. Lãnh đạo tỉnh cũng đến rất nhiều nước để xúc tiến đầu tư. Theo đó, đã mời gọi rất nhiều nhà đầu tư lớn như Samsung (Hàn Quốc), Mishubishi (Nhật Bản), LG (Hàn Quốc), Amata (Thái Lan)… Các DN này đều đã đến Huế để khảo sát. Hy vọng họ sẽ đến đầu tư trong nay mai.

Còn các DN lớn trong nước ...?

Chúng tôi cũng mời gọi rất nhiều DN lớn trong nước Vingroup, FLC,… Hiện một số tập đoàn đã triển khai DA và họ còn nghiên cứu để đầu tư các DA tiếp theo. Tuy nhiên, kêu gọi đầu tư và triển khai DA là cả một quá trình chứ không phải là hôm nay kêu gọi ngày mai DN đầu tư, thế nên kết quả kêu gọi đầu tư cũng không thể nóng vội trong thời gian ngắn.

Theo ông, ngoài chính quyền, các ban ngành liên quan, tỉnh còn có cơ chế chính sách nào khác để khuyến khích kêu gọi đầu tư cho Huế?

Gần đây, tỉnh ban hành cơ chế khá linh động để hỗ trợ những cá nhân, tổ chức mời gọi được DN đến đầu tư cho Huế để khuyến khích việc kêu gọi đầu tư. Cách làm này đã giúp Huế có thêm một số nhà đầu tư mới, dù chưa nhiều song điều đó đã phần nào phản ánh được sự quan tâm, kỳ vọng của tỉnh đối với lĩnh vực kêu gọi đầu tư nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Xin cảm ơn ông!

Tâm Huệ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng

TIN MỚI

Return to top