ClockThứ Hai, 30/03/2020 05:45

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn

TTH - Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ được xem là giải pháp tích cực mà các ngân hàng (NH) đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khủng hoảng do dịch COVID-19.

Người nộp thuế cần chủ độngDoanh nghiệp tìm cách vượt khóKêu gọi đăng ký gói kích cầu để giúp du lịch Huế vượt khó

Hỗ trợ khách hàng

Theo Hiệp hội DN tỉnh, tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN trong quý I sụt giảm nghiêm trọng. Các DN ngoài giảm doanh thu còn phải tăng chi phí phòng dịch như: đầu tư kinh phí cho các biện pháp diệt khuẩn, mua thiết bị đo thân nhiệt, hỗ trợ khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn cho người lao động và khách hàng… Doanh thu giảm từ 20-50%, dự báo nếu dịch kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn, sẽ sụt giảm trên 50% hoặc có nguy cơ phá sản.

“Khó khăn của DN ảnh hưởng không nhỏ đến các NH. Việc đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN đang được các NH hướng tới. Giảm bớt gánh nặng cho DN cũng là tự cứu mình”, giám đốc một NH trên địa bàn bày tỏ.

Ngay từ những ngày đầu dịch xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh tổ chức họp khẩn,  yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Theo đó, NHNN chi nhánh tỉnh yêu cầu các TCTD trên địa bàn định kỳ 15 ngày báo cáo kết quả hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; giám sát kịp thời phát hiện TCTD chưa triển khai nghiêm túc các chính sách hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tạ Hiền, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh thông tin, NHNN chi nhánh tỉnh đã nhận được thông tin phản hồi từ Hiệp hội Du lịch tỉnh. Theo đó, có 8 DN có văn bản đề xuất các TCTD hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong vay vốn. NHNN chi nhánh tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các TCTD có liên quan xem xét xử lý và báo cáo kết quả chậm nhất ngày 30/3/2020 và sẽ phản hồi kết quả xử lý của các TCTD cho DN.

Lãnh đạo VietinBank chi nhánh Thừa Thiên Huế cho hay: Vietinbank đã cụ thể hóa các nội dung liên quan đến việc cho vay mới và thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23/01/2020 đến 31/3/2020. VietinBank dành 15.000 tỷ đồng và 150 triệu USD để triển khai chương trình thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngắn hạn với lãi suất cho vay5% đối với VNĐ và 2,8% đối với USD; riêng phân khúc khách hàng bán lẻ, VietinBank có chương trình ưu đãi lãi suất 6%/năm kể từ 5/3/2020.

Số liệu từ NHNN chi nhánh tỉnh, đến 15/3/2020 đã có 47 DN, 5 cá nhân, hộ gia đình được các TCTD trên địa bàn cho vay mới để khôi phục sản xuất với số tiền hơn 460 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5 – 1%/năm so với mặt bằng chung. Hiện dư nợ của các khách hàng này là 1.604 tỷ đồng; 3 DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu là 109,9 tỷ đồng; 3 DN được miễn, giảm lãi với dư nợ được miễn, giảm lãi là 96,2 tỷ đồng. Nhiều DN, cá nhân bị ảnh hưởng do dịch đang được các TCTD trên địa bàn xem xét hoặc đang trình Hội sở chính xem xét hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Tạ Hiền, để tiếp cận với các chính sách trên, các DN chủ động xác định mức độ thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra (doanh thu, thu nhập giảm như thế nào...), khẩn trương làm việc và có văn bản gửi các TCTD, có đề xuất cụ thể về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Đồng thời, DN gửi văn bản về NHNN chi nhánh tỉnh để theo dõi, giám sát. Cơ quan thanh tra, giám sát NH sẽ theo dõi quá trình thực hiện của các TCTD trong việc triển khai các chỉ đạo của NHNN và xử lý các đề xuất, kiến nghị của DN.

Bên cạnh được hưởng các chính sách như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, các DN có phương án khôi phục SXKD khả thi và đáp ứng các điều kiện của TCTD sẽ được xem xét cho vay mới với lãi suất ưu đãi (thấp hơn 0,5-1%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay thông thường) thuộc các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19 mà các TCTD đang triển khai.

Các DN đã được hỗ trợ trong thời gian này tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (dệt may) với 23 DN, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống 10 DN, ngành xây dựng 7 DN, ngành bán buôn, bán lẻ; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 7 DN, ngành vận tải kho bãi 4 DN và ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí 1 DN.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàn Quốc sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển

Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC), Hàn Quốc sẽ mở rộng các hoạt động của hội đồng hợp tác tài chính quốc tế của quốc gia này nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc mở rộng ra nước ngoài của các doanh nghiệp địa phương, cũng như giúp phát triển lĩnh vực tài chính của các quốc gia khác.

Hàn Quốc sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển

TIN MỚI

Return to top