ClockThứ Hai, 30/01/2012 14:04

Hỗ trợ ngư dân đi biển

TTH - Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vài năm trở lại đây, bà con ngư dân ở đầm phá và ven biển được hỗ trợ máy ICom, máy trực canh, pháo cứu sinh, vay vốn ưu đãi... Đây là động lực giúp bà con ngư dân có điều kiện vươn ra khơi xa bám biển dài ngày.

Đến cảng cá Thuận An vào một ngày trung tuần tháng 1/2012, những ngày này thời tiết lạnh buốt nhưng chúng tôi đã chứng kiến tàu thuyền cập cảng với niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt của các thuyền viên. Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Ngô Đức Toan, ở xã Phú Thuận (Phú Vang) vui mừng: “Được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, năm qua gia đình tui vay hơn 200 triệu đồng đầu tư trang thiết bị, cải hoán máy, có điều kiện bám biển dài ngày và vươn ra khơi xa. Bình quân, mỗi chuyến đi biển 15 ngày, sản lượng mang lại 15 tấn cá các loại; trừ mọi chi phí cho lãi từ 120-150 triệu đồng, lãi cao gấp đôi so với trước”. Chia tay với tàu ông Toan, chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Hùng, chủ tàu đánh bắt xa bờ TTH 96699 cho biết: “Năm 1998, tui mua lại tàu của dự án đánh bắt xa bờ, do khó khăn nên gia đình không sắm được máy ICom. Năm 2010, được Nhà nước trang bị cho một chiếc máy ICom, liên lạc từ 90-100 hải lý. Mùa mưa bão này, tui rất yên tâm khi tham gia khai thác thủy sản trên biển và góp sức mình vào việc bảo vệ biên cương Tổ quốc”.

Ông Hoàng Ngọc Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, “Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân trên biển, với tầm nhìn xa về chiến lược biển của Chính phủ, bằng nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, từ đầu năm 2010 đến nay, Chi cục Khai thác&Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã hỗ trợ 6 bộ ICom, 84 máy trực canh, 10 phao cứu sinh, khoảng 30 áo phao cho bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở ven biển và đầm phá. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với UBND tỉnh để tiếp tục hỗ trợ bà con ngư dân máy trực canh và ICom, nhằm tạo điều kiện giúp bà con yên tâm bám biển”.
 

Ngư dân được Nhà nước hỗ trợ phao cứu sinh

 
Năm 2010, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư xây dựng mô hình thí điểm nghề lưới rê hỗn hợp ở hộ ông Ngô Đức Sử (Phú Thuận) để khai thác nghề cá đáy với kinh phí 224 triệu đồng; trong đó Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia hỗ trợ 112 triệu đồng. Sau thời gian áp dụng mô hình này, gia đình ông Sử đánh bắt thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi chuyến đi biển bình quân một tuần đánh bắt được 50 tấn cá các loại, lãi ròng trên 100 triệu đồng. Hiện nay, nghề lưới rê hỗn hợp đã được đông đảo bà con ngư dân ở các địa phương, như: Phú Thuận, thị trấn Thuận An, xã Phú Hải... ứng dụng, sản lượng mang lại cao.
 
Anh Võ Giang, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Hậu cần nghề cá, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: “Theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg các tổ chức cá nhân và hộ gia đình khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa được hỗ trợ chi phí nhiên liệu, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên; hỗ trợ 100% tiền mua máy bộ đàm tầm xa sóng HF có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) phục vụ việc xác định vị trí tàu cá trên biển.... Điều kiện được hỗ trợ, tàu có công suất từ 90CV trở lên; tàu phải đảm bảo về kết cấu võ máy, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật; ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản từng chuyến biển với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ngư dân có nguyện vọng đăng ký tham gia hoạt động tại vùng biển quy định.... Thời gian qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy tỉnh đã phổ biến quyết định này đến bà con ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ, theo đó, có 65 chiếc tàu đủ điều kiện hỗ trợ. Hiện, công tác hỗ trợ chưa triển khai được do việc đầu tư xây dựng trạm bờ để xác định vị trí tàu cá trên biển chưa hoàn tất (do vùng biển của Thừa Thiên Huế không có cơ quan đóng trên biển để xác định vị trí) nên việc xác định vị trí tàu cá phải bằng công nghệ định vị vệ tinh.
 
Nghề đánh bắt xa bờ vô cùng khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vì vậy, bên cạnh những hỗ trợ của nhà nước cho các ngư dân khó khăn, bà con ngư dân tham gia đánh bắt trên biển cần trang bị đầy đủ máy ICom, phao cứu sinh... để có những chuyến biển an toàn.

 Bài, ảnh: Thanh Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top