ClockThứ Năm, 25/04/2019 10:17

Hỏa Chăm - Căn cứ lõm trong kháng chiến

TTH - Hỏa Chăm là địa danh thân thuộc không chỉ đối với cán bộ, đảng viên của xã Phong Bình mà còn là nơi chốn đi về của nhiều cán bộ, đảng viên các xã vùng sâu ở huyện Phong Điền trong những năm kháng chiến.

Thủy Thanh - vùng đất anh hùng

Trong những năm chiến tranh, bà Nguyễn Thị Nghệ (hiện trú tại 32 Ngô Quyền, Huế) là Huyện ủy viên Phong Điền. Năm 1970, sau khi ông Nguyễn Phương Nguyên (Đàn), Huyện ủy viên, Đội trưởng Đội công tác 2 xã vùng biển Phong Thạnh - Phong Phú (nay là vùng Ngũ Điền) hy sinh, Huyện ủy Phong Điền đã cử  bà (khi đó chỉ mới 23 tuổi) lặn lội về rú Hỏa Chăm nằm cuối rìa làng Phò Trạch ẩn nấp.

Đêm đêm, từ Hỏa Chăm, bà Nghệ tìm về thôn Phú Lộc nương nhờ cơ sở của xã Phong Chương để tìm cách liên lạc với các mẹ, các chị từ làng Tân Hội ở bên kia phá Tam Giang (nay thuộc xã Điền Lộc) hàng ngày thường  mang cá khô, ruốc, nước mắm sang Phong Chương bán; nhờ đó kết nối, nắm bắt tình hình và tìm cách về với quê nhà gây dựng phong trào.

"Mặc dù đối mặt với nhiều hiểm nguy và gian khổ, nhất là cái nắng nóng như thiêu như đốt giữa ngày hè, nhưng nhờ có cán bộ, Nhân dân địa phương che chở và sức chịu đựng của tuổi thanh xuân nên tôi may mắn được sống sót", bà Nghệ nhớ lại.

Ngoài bà Nghệ, từ năm 1972, Huyện ủy Phong Điền đã cử ông Hoàng Hồng, Bí thư Chi bộ xã Phong Phú về Hỏa Chăm để tìm cách móc nối, liên lạc, gây dựng phong trào.

Hỏa Chăm nằm lọt thỏm giữa vùng rú Lá (làng Phò Trạch) thuộc phía đông bắc của xã Phong Bình có diện tích rộng gần 80 ha, bốn bề có các loài cây hoang dã bao phủ. Với vị trí đó, Hỏa Chăm được chọn làm căn cứ lõm và trở thành trạm trung chuyển cho các xã vùng sâu của huyện Phong Điền trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo hồi ức của cố Bí thư Huyện ủy Phong Điền Lê Sáu, sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch tập trung đánh phá ác liệt vùng Hòa - Bình - Chương, phần lớn cán bộ cách mạng hy sinh. Chỉ tính từ năm 1968-1971, riêng xã Phong Bình đã có trên 100 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Thời điểm đó, ngoài Trung đội Địa phương quân (có khi lên đến đại đội) đóng ở Phân chi khu quân sự Phong Bình, ở các thôn như: Vĩnh An, Siêu Quần, Vân Trình…địch đều bố trí từ 1 tiểu đội hoặc trung đội canh giữ. Trước tình hình này, đầu năm 1972, sau khi ta quyết định mở chiến dịch Trị Thiên,Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chỉ đạo phải tìm cách đưa cán bộ trở lại đồng bằng.

Bí thư Đảng ủy xã Phong Bình Nguyễn Hoài Tâm cùng các đồng chí Hoàng Phước Trường, Xã đội trưởng; Trần Đức Lệ (cán bộ an ninh) và Trần Thanh Đấu (du kích) trở về trong bối cảnh đó. Chừng một tháng sau, 2 đồng chí Trường và Lệ hy sinh, nên cấp trên lần lượt tăng cường các đồng chí Lê Phước Vân (binh vận), Hoàng Phước Sum (an ninh), Trần Văn Mễ (du kích), Hoàng Thị Hường, Nguyễn Bê,Trần Đức Thí, Ngô Thị Quýt, Lê Thị Lay, Trần Văn Chút, Lê Phước Ngàn, Phạm Bá Cựu về căn cứ lõm Hỏa Chăm bám trụ.

Để tạo những căn hầm bí mật ở Hỏa Chăm, theo cựu Xã đội trưởng Trần Thanh Đấu “sau khi đào, chúng tôi đưa cát về một nơi, xa hầm chừng 10-15m rồi dùng thủ pháo hoặc đạn pháo 105 ly cho nổ tung, vừa xóa dấu vết vừa dùng số cát bị hất tung che phủ hầm”.

Huyện đội trưởng Võ Nguyên Quảng và đồng chí Lê Văn Hải mỗi khi về chỉ đạo vùng sâu đều tập kết tại đây. Thời đó, ở Hỏa Chăm có 2 cây bứa già, mọc khá cao, trở thành nơi quan sát, cảnh giới của các chiến sĩ cách mạng.

Biết cách mạng đã về, nhiều cơ sở hoạt động hợp pháp ở các thôn của Phong Bình không ngại hiểm nguy đã  giúp đỡ, chở che, tiếp tế lương thực và cung cấp tình  hình hoạt động của địch…

Đứng chân được ở Hỏa Chăm, khi Quảng Trị trải qua  “Mùa hè đỏ lửa”, Xã đội trưởng Phong Bình Trần Thanh Đấu đã cử du kích Trần Văn Mễ ra Quảng Trị đón bộ đội và xe tăng vào giải phóng liên xã: Hòa-Bình-Chương của huyện Phong Điền. Trên đường rút lui, du kích Trần Văn Mễ hy sinh.

Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết. Nhờ bám trụ ở Hỏa Chăm, ngoài tổ chức cắm cờ cách mạng, Phong Bình còn tổ chức đánh địch lấn chiếm. Tiêu biểu là Xã đội trưởng Trần Thanh Đấu bắn gục chiếc M113 ở dốc Hỏa Chăm, du kích diệt ác ôn và sau đó phối hợp với bộ đội địa phương đánh địch ở làng Phò Trạch và tấn công Phân chi khu quân sự Phong Bình, làm cho đối phương hoang mang lo sợ, tạo điều kiện để phát triển phong trào cách mạng, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Với vai trò quan trọng trong những năm chiến tranh, các cán bộ từng bám trụ ở vùng sâu Phong Điền trong những năm chống Mỹ cứu nước mong muốn căn cứ lõm Hỏa Chăm được quan tâm lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cách mạng, thành địa chỉ đỏ  giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

 Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vì sao ông Lê Hữu Tòng chưa được tặng Huân chương Độc lập?

Vào dịp Quốc khánh năm nay, tôi có dịp chuyện trò với ông Lê Hữu Tòng, nguyên Quyền Huyện đội trưởng Hương Thủy - người mà tôi đã thực hiện một loạt bài giới thiệu về những chiến công, thành tích của ông và được Báo Thừa Thiên Huế đăng tải.

Vì sao ông Lê Hữu Tòng chưa được tặng Huân chương Độc lập
Hào hùng "Giai điệu Tổ quốc"

Tối 29/4, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Giai điệu Tổ quốc".

Hào hùng Giai điệu Tổ quốc
Vang vọng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Ngày 18 - 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, đề ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và thông qua Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến do Người soạn thảo.

Vang vọng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến
Return to top