ClockThứ Tư, 13/04/2016 10:13

Hóa chất nhuộm màu: Cần là có

TTH - Sau khi thông tin các mẫu măng tồn dư chất vàng ô có khả năng gây ung thư cao xuất hiện trên thị trường, người tiêu dùng hoang mang lo lắng nên nhu cầu sử dụng măng giảm nhiều. Tuy nhiên, thực tế để chiều lòng khách, các tiểu thương vẫn lén lút cung cấp và pha trộn để tạo màu trong thực phẩm khiến người tiêu dùng lo lắng.

Mối lo vàng ô

Nhiều người băn khoăn khi mua gà, vịt bán sẵn ở chợ

Phớt lờ… độc hại

Có mặt tại chợ Đông Ba vào sáng 12/4, nhiều lô hàng kinh doanh măng tươi, măng khô có phần vắng khách hơn khi các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về chất vàng ô xuất hiện ở các mẫu măng tại chợ đầu mối Phú Hậu. Người mua cẩn thận hơn khi lựa chọn các loại măng có màu sáng, vàng nhạt và quay lưng với măng có màu vàng đậm. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, các hộ kinh doanh đánh lừa người tiêu dùng bằng cách không ngâm măng trực tiếp vào nước như trước đây mà vớt ra rổ, để ráo và bán. “Việc măng ngâm hóa chất từ lâu đã xuất hiện ở các tỉnh, TP khác, song sau khi nghe trên địa bàn tỉnh xuất hiện các mẫu mang có ngâm hóa chất, tôi chẳng dám mua măng ở chợ mà chỉ mua măng mụt còn vỏ bọc về rồi luộc để chế biến. Cứ cái đà này thì thứ gì cũng độc, cảm giác lo sợ khi phải đi chợ và lựa chọn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ biết trông chờ vào cơ quan chức năng”, bà Nguyễn Thị Cam trú ở kiệt 37 Ấu Triệu lo lắng.

Ghé một số quán cơm bình dân nằm trên địa bàn TP Huế, trong số gần 10 món ăn bày bán cho khách thì không thể thiếu hai món được chế biến từ măng, đó là măng xào và canh măng khô. Mặc dù thông tin măng được ngâm chất vàng ô gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng, song vì đây là nguyên liệu dễ chế biến, có giá rẻ và rất được khách hàng chấp nhận nên đa số các chủ quán cơm vẫn thản nhiên sử dụng hằng ngày. “Chỉ cần 1kg măng tươi giá 30.000đ cộng thêm ít lòng mề gà hoặc gân bò là có thể chế biến thành một nồi măng xào hấp dẫn. Khách ở đây toàn là sinh viên và thợ hồ, cần ăn no, giá rẻ nên món măng xào là hợp gu mọi người”, chị Lài, chủ quán cơm ở đường Hồ Đắc Di (phường An Cựu) nói.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Sở Y tế) Nguyễn Ngọc Diễn cho rằng, chất vàng ô là một trong những chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Song, khi đã qua chế biến thành các món ăn, pha trộn với nhiều loại gia vị chỉ tồn dư hàm lượng thấp nên rất khó phân biệt.

Chất tạo màu mua ở chợ Đông Ba. (Ảnh cắt từ clip)

Tràn lan hóa chất nhuộm màu

Cũng tại chợ Đông Ba, việc bán các chất vàng ô vẫn diễn ra một cách công khai. Đi vào các gian hàng bên trong chợ, hỏi mua các chất phẩm màu ướp cho thịt nướng sao để miếng thịt “thẩm mỹ” hơn như có màu vàng hoặc đỏ, nhiều người bên trong chợ chỉ tay về phía các cửa hàng bán gia vị. Tại một cửa hàng bán gia vị, khi được hỏi có bán chất ướp để có màu vàng đậm không, một tiểu thương liền nói ngay là có. Khá cảnh giác, tiểu thương này quan sát xung quanh trước khi lấy cho chúng tôi xem loại phẩm vàng. Tất cả được gói kĩ trong một túi ni lông màu đen, không có nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng.

Theo quan sát, gói phẩm mà tiểu thương đưa ra khoảng chừng 2 lạng, có màu vàng nghệ. “Màu ni có thể làm màu mứt, bánh. Ngoài ra màu chi cũng có. Hàng ni là hàng ăn, độc mà chết à”, tiểu thương này vừa bán gói phẩm này với giá 50.000 đồng vừa lý giải. Tuy nhiên, khi hỏi xuất xứ của loại phẩm này thì người bán im lặng, không biết. Sau đó dặn dò: “Mỗi lần nướng thịt thì lấy ít thôi chớ làm chi cho nhiều”.

Chúng tôi đi sâu vào bên trong khu kinh doanh hàng gia vị để tìm hiểu thêm. Khá bất ngờ khi tiếp cận một ki ốt mà người bán giới thiệu rằng có rất nhiều loại phẩm, nhiều màu với dạng nước hoặc bột. “Em lấy màu vàng hay đỏ, khô hay nước?”, người này vừa hỏi, vừa giới thiệu. Và tất cả các sản phẩm này khi được đưa ra giới thiệu chào hàng đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Ở dạng nước, các loại phẩm này được chứa đựng trong từng chai nhỏ bằng nhựa như chai thuốc nhỏ mắt. Trong khi đó, dạng bột màu được đựng trong ống. Cả hai loại phẩm này có giá dao động từ 10.000 – 15.000 đồng. “Hai ống bột này nhuộm được hơn 1kg thịt, bỏ vào từ từ thôi. Nhiều là đỏ ra dễ sợ lắm”, tiểu thương này nói.

“Kinh phí cấp trên cấp cho việc lấy mẫu đột xuất chỉ có 20 triệu đồng/năm nên không thể mẫu gì cũng lấy để gửi đi phân tích. Hơn nữa, do trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm phân tích mẫu nên phải chuyển vào TP Đà Nẵng và phải mất 1 tuần mới có kết quả. Hiện, chi cục đang lẫy mẫu măng gửi vào TP Đà Nẵng phân tích, đồng thời thành lập đoàn thanh, kiểm tra các loại thực phẩm lưu thông trên thị trường để có hướng xử lý”, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản - Lê Văn Bình giải thích.

Liên quan đến các loại hóa chất tạo màu, trong đó có chất vàng ô bày bán tràn lan tại các chợ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Nguyễn Duy Thành. Ông Thành khẳng định, tất cả những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác không ghi đầy đủ tên nhà sản xuất, tên sản phẩm và hạn sử dụng, đăng ký chất lượng… đều vi phạm pháp luật và sẽ bị tịch thu, xử lý nếu phát hiện. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên lâu nay chi cục không thể tổ chức kiểm tra, kiểm soát tất cả các mặt hàng lưu thông trên địa bàn mà chỉ kiểm tra đột xuất khi xuất hiện các thông tin liên quan đến thực phẩm độc, không đảm bảo chất lượng…

Bài, ảnh: Thanh Hương - Thành Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo lượng máu phục vụ điều trị và cấp cứu ngày tết

Chiều 10/2 (Mùng 1 Tết), Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế cho biết, Trung tâm Huyết học truyền máu của đơn vị đảm bảo cung cấp đầy đủ máu và chế phẩm máu điều trị và cấp cứu ngày tết cho 11 cơ sở thuộc 4 tỉnh thành ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Đảm bảo lượng máu phục vụ điều trị và cấp cứu ngày tết
Chuyên nghiệp hóa mọi khâu ứng phó sự cố hóa chất

Tại Hội nghị tổng kết diễn tập ứng phó sự cố hóa chất (UPSCHC) tỉnh năm 2022 diễn ra sáng 1/12 tại Sở Công thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập Phan Quý Phương lưu ý: Ngành công nghiệp hóa chất của Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, gắn liền với sự phát triển của ngành hóa chất luôn tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Chuyên nghiệp hóa mọi khâu ứng phó sự cố hóa chất
Diễn tập sẵn sàng ứng phó sự cố hóa chất

Ngày 12/10, Ban chỉ đạo phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh tỉnh chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh tỉnh năm 2022 tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam – Chi nhánh Đông lạnh Thừa Thiên Huế (Công ty).

Diễn tập sẵn sàng ứng phó sự cố hóa chất
Hoạt động điện lực không có Giấy phép bị phạt tới 200 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Hoạt động điện lực không có Giấy phép bị phạt tới 200 triệu đồng
Return to top