ClockThứ Ba, 22/10/2019 10:56

Hoa cỏ tranh

TTH - Chiều cuối ngày ở Đại Nội, những tia nắng nhẹ như tơ trời chậm rãi lướt qua bãi cỏ xanh, chiếu xiên một vạt nắng vào cuối trường lang dài, dùng dằng như muốn nói lời chia tay một ngày có mặt ở không gian này.

Nghệ thuật trang trí cung Diên Thọ

Du khách tranh thủ chụp ảnh cỏ tranh ở Đại Nội. Ảnh: TH

Khách tham quan chỉ còn vài nhóm nhỏ đang cố thu hết những ánh chiều Đại Nội vào những chiếc smartphone, còn tôi thì đứng ngẩn ngơ trước những vạt hoa cỏ tranh đang rung rinh trong nắng chiều.

Chẳng hiểu sao trước bức tranh hoa cỏ tranh trong bóng chiều Đại Nội, tôi bỗng nghĩ về những bà hoàng quyền uy, những cung tần mỹ nữ đã từng sống ở nơi này. Những người đẹp ấy được thế gian biết đến như là những con người hạnh phúc, quyền uy, quần là áo lượt, ăn sung mặc sướng; như là suốt cuộc đời họ chỉ có niềm vui mà không có nỗi buồn.

Ngồi trên bậc cấp điện chính của cung Diên Thọ nhìn ra sân rộng, tôi nhìn màu lá xanh thẫm và gốc cây sần sùi của hai cây vải già trước sân, đoán chắc hai cây vải này đã trở thành chứng nhân bao buồn vui ở cung này, từ chủ nhân là các bà thái hậu cho đến người hầu kẻ hạ. Dưới triều Nguyễn cung điện này chỉ dành riêng cho các bà thái hậu - tức là mẹ vua. Đây được xem như là giang sơn riêng của các bà thái hậu, mọi sinh hoạt ở đây nhất nhất đều tuân theo ý chỉ của thái hậu. Hoàng cung này được đặt tên theo từng chủ nhân.

Trong thời gian mẹ vua Gia Long ở, cung có tên là Trường Thọ. Thời mẹ vua Minh Mạng ở, tên cung là Từ Thọ. Thời mẹ vua Tự Đức ở, cung có tên Gia Thọ. Thời mẹ vua Thành Thái ở, cung có tên là Linh Thọ. Cuối cùng khi mẹ đích của vua Khải Định ở thì cung này có tên là Diên Thọ. Cung Diên Thọ tồn tại cho đến khi nhà Nguyễn cáo chung nên được dùng gọi tên cho đến bây giờ.

Còn nhớ trong lời kể chuyện của bà Lê Thị Dinh - người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn - hiện bây giờ vẫn còn sống - thì bà đã ở cung Diên Thọ này trong nhiều năm để hầu hạ Thái hậu Từ Cung- mẹ vua Bảo Đại. Cuộc sống ở nội cung của những người có thân phận thấp như bà Lê Thị Dinh là “luôn đi nhẹ, nói khẽ, làm việc luôn tay, luôn chân, hết làm bánh thì đến làm mứt, không có thời gian mà buồn”, nhưng bà Lê Thị Dinh chỉ là cung nữ, là người trang điểm cho Thái hậu Từ Cung, bà là con cháu hoàng tộc nên không phải ở mãi trong cung mà thỉnh thoảng được về thăm nhà. Với các phi tần, mỹ nữ của vua thì chuyện về thăm nhà là rất khó.

Cỏ tranh là loại cây có sức sống dẻo dai, bền bỉ, hoa bay theo gió để nảy mầm ở những vùng đất mới, chẳng hiểu sao ở trong Đại Nội lại có nhiều cỏ tranh đến vậy. Thả những bước chân chậm rãi trên con đường lát gạch quanh co rợp bóng cây xanh trong trời chiều đang dần hết nắng, tôi đi băng ngang qua nhà hát Duyệt Thị Đường, những bông hoa cỏ tranh rung rinh như vẫy tay chào.

Xin chào nhé hoa cỏ tranh, rồi sau này, những cung điện phế tích này được phục xây lại, không biết khách tham quan có còn được gặp hoa có tranh trong màu nắng chiều Đại Nội nữa hay không, nhưng cái cảm xúc như là thấu hiểu, như là cảm thông, như là chia sẻ với những thân phận phụ nữ hoàng gia của tôi chiều ấy là có thật. Đó là sự chông chênh, cô đơn khi chiều xuống, nhớ nhà, thương cha nhớ mẹ; đó là cảm xúc tù túng khi mắt nhìn chỉ bắt gặp những cánh cổng như tầng, như lớp, hết cổng này đến cổng khác đã nhốt kín cuộc đời của bao người đẹp trong ánh hào quang lộng lẫy của ngai vàng, của cung điện mà tâm hồn thì tê tái, hắt hiu.

Hoa cỏ tranh chiều Đại Nội, bức tranh không lời bình mà có sức gợi cảm thật mạnh mẽ.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bernard chọn quán cà phê trong Đại Nội để ngồi viết sách

Trong không gian Viện Pháp Huế, số 1 Lê Hồng Phong, nhà văn viễn tưởng nổi tiếng người Pháp Bernard Werber đã có buổi giao lưu, trò chuyện cùng khán giả cố đô và giới thiệu hai tác phẩm tâm đắc của ông: “Bộ Ba Kiến" và "Chiếc hộp Pandora".

Bernard chọn quán cà phê trong Đại Nội để ngồi viết sách
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế

Sáng 2/2 (23 tháng chạp âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ dựng nêu (Thướng Tiêu) tại Triệu Miếu, Thế Miếu.

Lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế
Vùng đất của rồng

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam (1804), chọn Huế làm Kinh đô của vương triều Nguyễn, mà không dời đô về Thăng Long, vốn là “thượng đô muôn đời của Đại Việt”.

Vùng đất của rồng
Return to top