ClockThứ Ba, 02/06/2020 06:00

Hoa đã nở vùng đập Quao

TTH - Một thời, nhắc đến các xã gò đồi huyện Phong Điền là nhắc đến những khó khăn, đói nghèo, nhưng “gió đã xoay chiều” khi hệ thống thủy lợi được đầu tư, nhất là sự xuất hiện đập Quao (hồ Hòa Mỹ), vùng đất khó khăn ngày nào nay đã sang trang.

Hồ Quao khô cạn, hàng trăm ha lúa thiếu nước

Đập Quao cung cấp nước tưới cho cây trồng của các xã vùng gò đồi Phong Điền

Vùng đất khô cằn

Giữa cái nắng chói chang của ngày hè, người dân ba xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn tất bật đón nước từ hồ Hòa Mỹ phục vụ gieo sạ vụ hè thu. Nhớ lại thời mới lên phát triển kinh tế, nhiều người không khỏi rùng mình.

Xuôi dòng ký ức, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, Nguyễn Hữu Chung đưa chúng tôi về những ngày đầu vận động người dân các vùng bãi ngang Ngũ Điền… lên đây lập nghiệp. Mặc dù tài nguyên đất rừng rộng lớn nhưng kể từ 1995 trở về trước, chưa một xã nào của vùng gò đồi khai thác được tiềm năng. Những vườn tạp, rừng keo, đồi chè cằn cỗi, năng suất thấp khiến bà con luẩn quẩn trong vòng xoáy đói nghèo. Riêng Phong Mỹ, hệ thống kênh mương chưa được kiên cố, không đủ nguồn nước tưới, nhiều cánh đồng gần như bị bỏ hoang. Phát triển cây lúa hay hoa màu với Phong Mỹ ngày ấy là một giấc mơ.

Bà Nguyễn Thị Hạnh cùng gia đình lên phát triển kinh tế mới ở Phong Mỹ từ những năm 1980. Trong trí nhớ của bà và những người cùng thời lên đây lập nghiệp, vùng đất này được ví von “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, chỉ nhờ nguồn nước suối đầu nguồn sông Ô Lâu nên đất đai cằn cỗi, vào mùa nắng hầu như không cây nào sống nổi. Vốn là con nhà nông nên sau khi lên đây lập nghiệp, bà Hạnh mang theo hy vọng đưa giống lúa nước lên canh tác trên vùng đất mới thế nhưng năm lần bảy lượt lúa đều chết cháy, bà cũng thử nhiều giống lúa rẫy nhưng rồi chẳng ăn thua nên chỉ bấu víu trồng mỗi cây ăn quả.

Khó khăn ấy dần qua khi hệ thống thủy lợi hồ Hòa Mỹ được đầu tư dẫn nước về tận cánh đồng. Người dân bắt đầu cải tạo đất, trồng lúa, hoa màu. Các gia đình đã có lương thực và nguồn thu nên không còn lo đói mỗi kỳ giáp hạt như trước.

 Nay đã “đơm hoa”

Ngày nay đi khắp vùng cao Phong Điền, hình ảnh những ruộng lúa cháy vàng, bụi bay mù mịt không còn, thay vào đó là màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng quanh năm xanh tốt. Các loại rau màu bắp, đậu lạc… được nông dân xen canh quanh năm. Các xã vùng gò đồi của Phong Điền nhờ đó cũng bắt đầu trở mình với nhiều loại cây trồng giá trị gắn với hình thành sản phẩm chủ lực địa phương.

Nhắc lại những hình ảnh nghèo đói, khó khăn triền miên, nhiều người cứ ngỡ như một giấc mơ. Lão nông Vũ Hồng Sơn, xã Phong Mỹ bộc bạch: “Nhờ có nước đập Quao, nên quê mình mới đổi khác như bây giờ”.

Không chỉ phát triển lúa nước, dọc hồ Hòa Mỹ, cây ăn trái, cây dược liệu dưới tán rừng phát triển mạnh. Những giống bưởi da xanh, thanh trà từ đó cũng nức tiếng xa gần. Và mới đây, với sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh, người dân Phong Mỹ bắt tay đầu tư trồng cây ba kích dưới tán rừng dọc hồ Hòa Mỹ mở ra triển vọng mới. 

“Việc trồng cây ba kích nói riêng và cây dược liệu nói chung là hướng đi mà Phong Mỹ được kỳ vọng giúp nông dân xây dựng chuỗi liên kết bền vững”, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ thông tin

Cũng chính trên đập Quao, những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao cũng bắt đầu hình thành.

Để hiểu hơn cuộc sống của những người dân vùng hồ, cán bộ địa chính xã dẫn chúng tôi đi “mục sở thị”. Chưa đầy 10 phút chạy xe máy từ trung tâm xã, chúng tôi có mặt dưới chân con đập Quao. Mặt hồ mênh mông, nước xanh biếc dần hiện ra trước mắt.

Từ đập chính, 4 con thuyền câu lênh đênh trên mặt nước gõ từng nhịp nhẹ nhàng vào mạn thuyền phá tan không gian tĩnh lặng của mặt hồ. Sau những mẻ lưới, cá được đưa về điểm tập kết để sáng sớm hôm sau thương lái đến thu mua.

“Trước đây, dưới lòng hồ là những khe suối với những đám ruộng bỏ hoang. Cuộc sống của bà con hồi ấy còn khó khăn lắm, bây giờ mênh mông nước, đi lại thuận tiện, vận chuyển hàng hóa cũng thuận tiện, chưa nói đến nuôi, đánh bắt cá, tôm trên hồ cũng mang lại nguồn thu không nhỏ”, vừa nói ông Sơn đưa chúng tôi xuống chiếc thuyền nhỏ theo nhóm người thả lưới thu hoạch cá.

 Theo ông Sơn, hồ Hòa Mỹ có khá nhiều loại cá mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với phát triển cá tự nhiên, gia đình cũng bắt đầu thả nuôi nhiều loại cá ở lòng hồ thu nhập mỗi năm 200-300 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động.

Tiếp nước cho đập Quao

Sau 25 năm vận hành, hiện đập Quao đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Quá trình vận hành hiện trạng hồ chỉ cấp nước thực tế cho gần 600ha lúa của 3 xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn. Sự chênh lệch về diện tích tưới tính toán chủ yếu do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mùa khô kéo dài, mưa bổ sung mùa khô ít, hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh để thất thoát nước tưới lớn.

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH NNMTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh thông tin, khả năng dự trữ nguồn nước của hồ hiện chỉ cấp đủ cho 570 ha lúa vụ đông xuân. Riêng vụ hè thu có trên 100 ha diện tích cuối tuyến kênh tưới (vùng Phong Sơn) vào cuối vụ phải chuyển qua chế độ tưới chống hạn mới đủ đáp ứng. Năm 2019 diện tích thực tế gieo cấy là 570ha và có đến 548,3ha bị ảnh hưởng do hạn, đơn vị quản lý vận hành đã cho triển khai các biện pháp tích cực để chống hạn như tưới vét hồ, lắp đặt bơm dầu, tuy nhiên cũng chỉ cứu được cho gần 214ha.

“Để đảm bảo nguồn nước cấp, hồ Hòa Mỹ cần được nâng cấp tăng dung tích hữu ích của hồ lên 1,6 triệu m3, đảm bảo cấp nước chống hạn cho diện tích 335 ha lúa hè thu thuộc vùng tưới hiện có, bổ sung nguồn cho hồ đập Trại cấp cho 61 ha lúa 2 vụ thuộc hạ lưu đập Trại thuộc xã Phong Sơn”, ông Đính chia sẻ.

Được xây dựng ở địa phận xã Phong Mỹ, trên lưu vực phụ của thượng nguồn sông Ô Lâu, hồ chứa nước Hòa Mỹ được khởi động xây dựng từ năm 1990 và đến năm 1995 mới đi vào hoạt động. Hồ này có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 2.250ha (trong đó 600ha lúa 2 vụ, phần còn lại là màu và cây công nghiệp) với dung tích chứa gần 10 triệu m³.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền

Từ khi mô hình camera giám sát an ninh trật tự (ANTT) được triển khai ở Phong Điền đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền
Return to top