ClockThứ Tư, 13/07/2016 14:20

Hoa hậu “dính” scandal, vì sao BTC không thể tước vương miện?

Scandal gần đây của Hoa hậu Kỳ Duyên đã thêm một lần nữa dấy lên câu hỏi vì sao Hoa hậu ở Việt Nam chưa bị tước vương miện khi có quá nhiều lùm xùm. Câu hỏi lớn này đã được Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam và Nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra những kiến giải.

Quy định lỏng lẻo nên nhiều lùm xùm?

Những tranh cãi nảy lửa liên quan đến clip Hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc trên phố gần đây đã đẩy những lùm xùm của Hoa hậu Việt Nam 2014 đi xa hơn những lần trước. Lần này, nhiều người phản ứng kịch liệt tới mức đòi Ban tổ chức (BTC) Hoa hậu Việt Nam 2014 phải tước bằng được vương miện của Hoa hậu Kỳ Duyên. Đối với họ, hành động này của Kỳ Duyên kèm với những scandal tai tiếng kể từ khi đăng quang đến nay khiến cho người đẹp này không xứng đáng là đại diện nhan sắc của một quốc gia.

Bản thân ông Lê Xuân Sơn - TBT báo Tiền Phong, Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam 2014 cũng nhìn nhận rằng, hình ảnh Kỳ Duyên ngồi phì phèo điếu thuốc là hình ảnh không đẹp, ảnh hưởng tới hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Kỳ Duyên đang là đương kim Hoa hậu Việt Nam nên việc phì phèo điếu thuốc trên tay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hình ảnh của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Ông Sơn cũng khẳng định, sự việc lần này là Kỳ Duyên đã không giữ được hình ảnh đẹp của mình và BTC đã có động thái nhắc nhở Kỳ Duyên không nên lặp lại những hành động tương tự.

Hình ảnh Kỳ Duyên hút thuốc lá gây bão gần đây. Ảnh: TL.

Thực tế, ở Việt Nam nói, hầu hết các người đẹp sau khi đăng quang Hoa hậu, Hoa khôi, Á hậu… đều vướng phải những lùm xùm ồn ã. Kể cả những người đẹp bước ra từ những cuộc thi sắc đẹp danh giá như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa khôi Áo dài…

Câu hỏi đặt ra là phải chăng do quy chế các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam còn lỏng lẻo và quy định ràng buộc thí sinh của Hoa hậu Việt Nam lại chỉ áp dụng trong cuộc thi nên sau khi rời khỏi cuộc thi các người đẹp có danh hiệu thường vướng phải những lùm xùm? Về điều này ông Lê Xuân Sơn cho rằng, ngay cả các Hoa hậu tầm cỡ quốc tế cũng vướng phải những lùm xùm sau khi đăng quang bởi lĩnh vực nhan sắc là lĩnh vực nhạy cảm.

“Có những việc đối với người bình thường có thể là bình thường nhưng đối với người có danh hiệu lại nhạy cảm. Ở ta thì các khâu tổ chức chưa chuyên nghiệp. Từ các nhà tổ chức cho đến các thí sinh, từ khi mới bước vào cuộc thi cho đến khi đã rời cuộc thi… cũng thiếu tính chuyên nghiệp nên mới xảy ra nhiều lùm xùm như vậy”, ông Sơn nói. Vì lẽ đó mà trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, BTC sẽ đề ra những quy chế hoạt động sau khi đăng quang của các người đẹp có danh hiệu để tránh làm xấu hình ảnh của cuộc thi và các thí sinh sẽ phải ký cam kết này.

Chưa có tiền lệ tước vương miện Hoa hậu

Nhiều ý kiến cho rằng, ở nước ngoài, khi một người đẹp có danh hiệu vướng phải những scandal tai tiếng hoặc có quá nhiều lùm xùm cũng sẽ bị BTC cuộc thi xem xét đến chuyện tước vương miện. Vì lẽ đó mà các cuộc thi nhan sắc ở nước ngoài, nhất là những cuộc thi tầm cỡ như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Quốc tế… đều tổ chức rất nghiêm túc và các người đẹp có danh hiệu bước ra từ cuộc thi nhan sắc này rất ý thức trong việc giữ gìn hình ảnh. Tuy vậy, một số trường hợp khi có những lùm xùm nghiêm trọng cũng đã bị tước vương miện theo đúng quy chế của cuộc thi.

Ở Việt Nam, cuộc thi nhan sắc có lịch sử lâu đời và có tiếng vang nhất là Hoa hậu Việt Nam chưa hề có tiền lệ tước vương miện Hoa hậu kể cả Hoa hậu có nhiều lùm xùm như Kỳ Duyên. Vì sao vậy?

Ông Lê Xuân Sơn thừa nhận rằng, ở nước ngoài, việc tước vương miện Hoa hậu của một cuộc thi nhan sắc khi người đó đó có những lùm xùm hoặc những scandal tai tiếng được thực hiện rất nghiêm túc nhưng ở Việt Nam điều đó chưa bao giờ xảy ra.

“Việc tước vương miện Hoa hậu được quy định rõ trong quy chế của Bộ VH, TT&DL nên thể lệ của Hoa hậu Việt Nam cũng phải dựa trên quy chế đó. Tôi được biết, các cuộc thi Hoa hậu ở nước ta, khi xảy ra các sự cố đều có những trao đổi rất tích cực giữa BTC với cơ quan quản lí. Và khi xét các yếu tố thì chưa có ai bị xét vương miện cả. Tuy nhiên, tôi nghĩ để các cuộc thi thực sự nghiêm túc, đối với các Hoa hậu - người đẹp mà mắc những lỗi nặng, vi phạm quy chế của Bộ VH,TT&DL đã quy định thì cần phải tước để làm gương.

Phạm Hương cũng từng vướng phải không ít những lùm xùm sau khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ. Ảnh: TL.

Liên quan đến vấn đề này, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, các Hoa hậu của Việt Nam thường vướng những scandal ầm ĩ nhưng không thể tước vương miện được bởi phải scandal của họ phải được xem xét về mức độ. Mức độ nào là sẽ bị tước vương miện, mức độ nào chỉ nhắc nhở, mức độ nào là có thể tha thứ… để các bạn có cơ hội sửa chữ. Cho đến bây giờ chúng ta chưa có trường hợp nào bị tước vương miện sau khi đăng quang nghĩa là các scandal đó chưa quá nghiêm trọng.

“Hoa hậu cũng là một con người mà con người là một cái gì đó rất phức tạp. Cá nhân tôi nghĩ rằng, dư luận nên công bằng, nhất là khi dư luận xuất hiện trên rất nhiều phương tiện. Chúng ta tôn trọng ý kiến trên mạng nhưng cũng hết sức chủ động, tự tin khi đánh giá vấn đề chứ để hiệu ứng đám đông cuốn theo.

Những vấn đề nêu ra có thể đúng nhưng chúng ta cũng phải cân nhắc. Lỗi đáng phải tước vương miện mới tước chứ không phải nói tước là tước một cách đơn giản”, Trưởng BGK Hoa hậu Việt Nam 2016 nói.

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, scandal bây giờ có rất nhiều dạng nhưng ai là người đánh giá cuối cùng lại chưa có. Vì thế, ông Dương Trung Quốc đề xuất, các cuộc thi nhan sắc nên đặt nặng hơn nữa chuyện theo dõi hậu Hoa hậu sau cuộc thi.

“Ban tổ chức cuộc thi phải có quá trình theo dõi, có trách nhiệm định hướng cho Hoa hậu. Hoa hậu Việt Nam là một cuộc thi có bề dày lịch sử nhưng chúng ta vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp trong chuyện hậu Hoa hậu. Đây là một gợi ý để cho các đơn vị tổ chức phải quan tâm đến những việc sau khi kết thúc cuộc thi, phải có cơ chế phù hợp và mang tính chuyên nghiệp hơn”, ông Quốc chia sẻ thêm.

Ông Lê Xuân Sơn cho rằng, ở Việt Nam, hầu hết các đơn vị tổ chức các cuộc thi về Hoa hậu, Người đẹp… đều không chuyên về những vấn đề theo dõi người đẹp có danh hiệu sau cuộc thi. Bên cạnh đó, việc xây dựng một quy chế riêng của cuộc thi cũng chưa được chuyên nghiệp.

Riêng với Hoa hậu Việt Nam, cứ mỗi một cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là BTC lại “set up” (thành lập) lại từ đầu vì thế nên kinh nghiệm không thể bằng kinh nghiệm của các BTC các cuộc thi trên thế giới.

Thế giới có một tổ chức chỉ chuyên tổ chức các cuộc thi nhan sắc và sau đó là quản lý thí sinh. Hiện nay chúng tôi chưa làm được điều này nhưng tương lai sẽ hướng đến tổ chức chuyên nghiệp như thế. Báo Tiền Phong từng nghiên cứu để thành lập một công ty tổ chức và quản lý người đẹp nhưng chưa thành công. Có thể thời gian sắp tới sẽ thành công.

Chúng tôi cũng đã xây dựng quy chế có những quy chế nội bộ dựa trên quy chế của Bộ VH,TT&DL. Những quy định nội bộ này chi tiết và một số chỗ nghiêm khắc hơn nhưng hiện nay mới chỉ có ý nghĩa quản lí nội bộ trong cuộc thi. Việc đặt vấn đề xây dựng một quy chế thực sự chặt chẽ để quản lý thí sinh trong và sau khi rời cuộc thi là điều rất hợp lý”, ông Sơn nói thêm.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiểu quy chế, xu hướng ngành học năm 2024

Mặc dù quy chế tuyển sinh 2024 vẫn giữ ổn định nhưng có một số điểm thí sinh cần nắm vững để tăng cơ hội ứng tuyển. Bên cạnh đó, hiểu về xu thế ngành học giúp thí sinh lựa chọn ngành, trường phù hợp.

Hiểu quy chế, xu hướng ngành học năm 2024
Return to top