ClockThứ Năm, 21/12/2017 13:46

Họa sĩ Đình Phương: Từ truyền thần đến sơn dầu

TTH - Xuất phát từ vẽ truyền thần, nhưng họa sĩ Đình Phương đã tạo ra cho mình chất riêng trong sáng tạo hội họa.

Tĩnh vật 1

Trần Đình Phương có niềm đam mê vẽ từ khi mới mười tuổi. Mỗi kỳ nghỉ hè, cậu học trò nhỏ theo cha là ông Trần Đình Thọ đến phòng vẽ Ngọc Duy trên đường Phan Đăng Lưu, Huế. Phòng vẽ Ngọc Duy được thành lập từ năm 1945, tên Ngọc Duy là do ghép chữ lót của hai ông họa sĩ Đặng Ngọc Lựu và Duy Hinh, nghệ sĩ Đặng Ngọc Lựu là người làm chủ phòng vẽ này.

Ông Trần Đình Thọ là người làm công chính tại phòng vẽ và ông ký tên Văn Thọ khi hoàn thành một bức chân dung. Cho đến năm 1984 ông Thọ qua đời, Đình Phương tiếp tục công việc tại phòng vẽ Ngọc Duy. Năm 1986 sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh tự đứng tên mở riêng phòng vẽ Đình Phương. Đến thời máy ảnh kỹ thuật số ra đời, phòng vẽ truyền thần ngày một vắng khách, anh chuyển hẳn về nhà trên đường Nhật Lệ vừa nghiên cứu sơn dầu vừa vẽ truyền thần khi có khách đặt hàng.

Trần Đình Phương đã vẽ một số chân dung theo phong cách truyền thần, cả vẽ chì và sơn dầu đều được khách hàng hài lòng. Trong số chân dung đó có bức vẽ nữ sĩ Hoàng Thị Kim Cúc, người thơ của thi sĩ  Hàn Mặc Tử. Bức này đang được làm ảnh thờ của bà Kim Cúc tại ngôi nhà ở Vĩ Dạ. Một số bức anh vẽ bằng sơn dầu do khách du lịch nước ngoài đặt hàng. Những lúc bạn bè yêu cầu anh cũng thể hiện gương mặt và tâm trạng của bạn ngay chính thời điểm đó. Thời gian sau này, anh sáng tác tranh sơn dầu, nhưng quán tính của phong cách vẽ truyền thần vẫn thể hiện nhiều trong các tác phẩm sơn dầu của Đình Phương.

Vẽ người

Tác phẩm “Mẹ con” chìm trong màu nền màu đất là hai khuôn mặt rạng ngời từ anh mắt đến bờ môi. Tác phẩm “Thiếu phụ và hoa sen” như muốn gợi nhắc về sự tinh khiết của tâm hồn người nữ. Còn “Tuổi mộng mơ” là cả một không gian nóng bởi sắc đỏ và cam, nhưng hình thể thiếu nữ trong tà áo trắng đang mỉm cười và đôi guốc mộc bên cạnh giúp người xem liên tưởng đến sự trong sáng của tuổi hoa niên.

Tĩnh vật

Một loạt tranh tĩnh vật của Đình Phương được thể hiện ấn tượng, như “Ngọn đèn dầu”, “Bình vỡ, bướm và hoa”, “Khói thuốc và con thằn lằn”... Những tĩnh vật trong tranh của Phương không mới nhưng cách thể hiện cũng như sắp xếp đã tạo nhiều ngạc nhiên cho người xem. Ví như trên mảnh vỡ chiếc bình không có con bướm đậu thì cái tĩnh trong không gian đó rất tầm thường, nhưng Phương đã cho một con bướm như đại diện cho cái động cũng phải dừng lại trong tác phẩm của mình để khiến cái tĩnh có phần sinh động, cũng như ngọn khói bay lên từ điều thuốc đang cháy trong một không gian tĩnh lặng hay một giọt nước đang rơi xuống cạnh ngọn đèn dầu. Tất cả sự vật trong cái tĩnh như đang tiềm ẩn cái động. Đó chính là yếu tố làm nên sự khác biệt trong tranh tĩnh vật của Đình Phương.

Phong cảnh

Tôi vẫn đợi một thể loại tranh phong cảnh Huế theo trường phái ấn tượng, nhưng xem ra đến bây giờ vẫn chưa xuất hiện. Hay có thể do yêu cầu tôi quá cao. Với họa sĩ Đình Phương, tranh phong cảnh anh thể hiện vẫn còn cái chất mộc mạc, thật thà của từng nét cọ, từng vệt màu. Đôi khi, cảnh vật đang trong xanh, nhưng tâm của người nghệ sĩ theo cái điệu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì cũng nên gửi cái cảm xúc đang hiện hữu trong tâm hồn mình vào tác phẩm.

Siêu thực, trừu tượng

Hành trình sáng tạo đi từ hiện thực đến siêu thực và trừu tượng là tất yếu. Họa sĩ nào cũng muốn khám phá và tìm ra cho mình một con đường, nhưng xem ra để có được lối đi riêng đòi hỏi nỗ lực, dấn thân và cả sự đánh đổi những gì đang có trong cuộc sống này của người nghệ sĩ. Một số bức siêu thực của Đình Phương đã dẫn đưa người xem đi về phía hồng hoang với hình ảnh mặt trời hồng, dây kẽm gai, chuồn chuồn, chim sẻ như trong bức “Trên ngọn tình sầu” hay “Mặt trời và dây kẽm gai” và  “Nhà thờ Phủ Cam”. Một số bức trừu tượng có bút pháp và màu sắc táo bạo khiến người xem phải cần đến hướng dẫn viên diễn giải tranh.

Hoàng Diệp Lạc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vua Hàm Nghi, hoạ sĩ thực thụ ở xứ trời Tây

Dù chưa có ai gọi ông là họa sĩ, người đời chỉ nhắc đến ông là một vị vua bị lưu đày nhưng với những tác phẩm để lại và thái độ lao động nghệ thuật, vua Hàm Nghi xứng đáng để tôn vinh ông là một họa sĩ.

Vua Hàm Nghi, hoạ sĩ thực thụ ở xứ trời Tây
“Khu vườn” của các nữ họa sĩ

Với nhiều chất liệu phong phú, như: sơn dầu, acrylic, sơn mài, đồ họa, trúc chỉ, lụa, tổng hợp, giấy, in kẽm… mỗi bức tranh thể hiện một loài hoa với dáng vẻ khác nhau.

“Khu vườn” của các nữ họa sĩ
Return to top