ClockThứ Sáu, 20/05/2016 14:28

Họa sĩ Lê Khánh Thông và những bức tranh đồng bào A lưới thời chống Mỹ

TTH - Với những người tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Trị Thiên Huế, cái tên họa sĩ Lê Khánh Thông hết sức thân thuộc. Ông là đồng đội chiến đấu cùng các nhạc sĩ Trần Hoàn, Thuận Yến, Văn Dung; các nhà thơ Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao, Trần Phương Trà; các nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà; các nhà báo Ngô Kha, Lê Khánh Căn…

Họa sĩ Lê Khánh Thông

Ông sinh năm 1943 ở Hà Tĩnh, học mỹ thuật (sinh viên đồ họa) tai Hà Nội khóa 1959-1963. Năm 1963, với tấm bằng loại ưu, ông được giữ lại công tác ở Khu triển lãm Trung ương thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin. Hai năm sau, Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định chọn một số văn nghệ sĩ vào Nam công tác đặc biệt, trong đó có ông. Nhiệm vụ của ông lúc đó là họa sĩ cho báo Cờ Giải phóng Huế, nhưng tranh thủ trên đường hành quân, ông vừa vẽ tranh ký họa vừa tham gia làm báo. Thời đó ông chủ yếu vẽ tranh cổ động ở vùng địch tạm chiếm tại Huế để tuyên truyền vận động Nhân dân đấu tranh, rồi đến các đơn vị chiến đấu viết bài về những tấm gương chiến sĩ... Năm 1969, Đại hội Văn nghệ Trị Thiên Huế được tổ chức tại Chiến khu Thừa Thiên, ông được bầu vào Ban chấp hành Chi hội Văn nghệ giải phóng Trị Thiên Huế.

Sau ngày Huế giải phóng, ông ra Bắc tiếp tục học đại học mỹ thuật và sau đó dạy mỹ thuật tại Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1992 ông vào công tác ở tỉnh Bình Dương, nghỉ hưu năm 2004. Từ đó ông vẽ tranh nhiều hơn. Hàng năm, ông đều tham dự các cuộc triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam khu vực miền Đông Nam bộ tổ chức, triển lãm tại Hà Nội và các cuộc triển lãm do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức, có một số tác phẩm đoạt giải cao.

Chân dung A Mế Cu Đê

Mới đây, ông chọn một số ký họa và tranh in thành tập “Họa sĩ Lê Khánh Thông”. Trong đó, có những bức ký họa tư liệu về đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới tham gia cách mạng hết sức quý. Ông cho biết: “Tôi rất mừng vì hồi đó chiến trường ác liệt, có lúc tưởng như phải thủ tiêu những đứa con tinh thần của mình để giữ bí mật cho đơn vị nhưng may mắn là tôi vẫn cất giấu được. Giờ mới có tư liệu cho cuốn sách này”.

Tập sách gồm ký họa chân dung của những người con cách mạng, hình ảnh nữ sinh Huế luôn có mặt trong đấu tranh chính trị với địch, là người công nhân vô tuyến hay nữ cán bộ vùng địch tạm chiếm, tranh phong cảnh về cảnh làng quê bình yên, về cuộc họp bí mật, gia đình Bác Hồ, ngành nghề truyền thống… Nhưng có lẽ những ký họa về đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới tham gia cách mạng là hết sức quý về mặt tư liệu.

Nhà ở căn cứ

Có 12 bức ký họa chân dung và sinh hoạt của đồng bào dân tộc Ka Tu tham gia cách mạng. Trong đó thật bất ngờ có chân dung của đồng chí Quỳnh Trên (màu nước, vẽ năm 1971), Chủ tịch Quận 4, sau này là Bí thư Huyện ủy A Lưới; anh Hồ Thời (thuốc nước, vẽ năm 1971), lúc đó 15 tuổi, dùng súng trường bắn rơi máy bay AD6 Mỹ, sau này là Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới; A Mế Cu Đê (bút sắt, 1972), người có công cách mạng; Cu Tuôl (bút dạ, 1971), dũng sĩ diệt Mỹ; Kăn Prit (màu nước, 1971), cán bộ phụ nữ Quận 4; O văn công dân tộc Ka Tu (bút sắt, 1972); Cu Axở (màu nước, 1971), chiến sĩ quân y viện Quận 4; Kăn Pêr (màu nước, 1971), cá nhân xuất sắc nhất trong sản xuất, đóng góp cho cách mạng… Nhiều bức tranh vẽ các hoạt động trong kháng chiến: Bà con dân tộc Ka Tu trong Đại hội miền Tây (bút sắt, 1971), Bản Kà Đồng giải phóng (màu nước, 1971), Không cho địch vào cửa rừng (bút dạ, 1972), Nhà ở căn cứ (thuốc nước, 1972)…

Các bức tranh tuy đã cũ song nét bút phóng túng, bay bổng với nhiều chất liệu khác nhau đã phản ánh sinh động chân dung con người và vùng đất quê hương A Lưới anh hùng.

Những bức tranh ấy thật sự là những tư liệu quý cho A Lưới trong hành trình tìm lại quá khứ cách mạng hào hùng.

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

TIN MỚI

Return to top