ClockThứ Năm, 07/01/2016 14:32

Họa sĩ Tạ Tỵ: Từ lập thể đến phi hình thể

TTH.VN - Xem tranh của Tạ Tỵ như thưởng thức loại rượu cao độ, đôi khi người uống phải chau mày do vị cay, nồng tác động vào hệ thần kinh.

Ảnh: Internet

Họa sĩ Tạ Tỵ sinh ngày 3/5/1921 (khai sinh năm 1922) ở Hà Nội, mất ngày 24/8/2004 ở TP Hồ Chí Minh. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1943 ngành sơn mài. Giai đoạn đầu ông có vẽ sơn mài (hoa đăng, tĩnh vật...) cùng thời kỳ với những họa sĩ tên tuổi, như: Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm,... Sau này, ông tự nghiên cứu sơn dầu. Tạ Tỵ là người tiên phong trong hội họa lập thể, trừu tượng ở Việt Nam. Ngoài ra, ông còn làm thơ, viết văn, viết kịch và kí họa chân dung văn nghệ sĩ.

 

Yếu tố cấu thành tác phẩm hội họa của Tạ Tỵ là những mảng màu mạnh, màu sắc cứ như ngẫu nhiên loang ra, đan kết, hòa vào nhau tạo nên cõi hỗn mang trong sự sáng tạo của vũ trụ, cái đẹp thuần khiết đó chưa được gán nhãn mác hay một tên gọi nào tương xứng. Đơn giản vì nó giữ ánh mắt người xem dừng lại, khiến cái đầu người xem phải suy ngẫm. Đó là thứ hội họa của trí tuệ, chỉ những nghệ sĩ thượng hạng mới dám thể hiện. Xem tranh của Tạ Tỵ như thưởng thức loại rượu cao độ, đôi khi người uống phải chau mày do vị cay, nồng tác động vào hệ thần kinh. Nhưng kẻ sành rượu và tinh ý sẽ nhận ra vị ngọt ở cuối lưỡi, phảng phất mùi hương của lúa mạch và nho tím ở những cánh đồng hoang dã cùng những giọt nước tinh khiết từ dải thiên hà. Sự sáng tạo của họa sĩ Tạ Tỵ có thể liệt kê các thời đoạn sau.

Lập thể

Khi nói đến hội họa của Tạ Tỵ không thể không nhắc đến lập thể. Ông được mệnh danh là người vẽ tranh lập thể đầu tiên ở Việt Nam từ cuối thập niên bốn mươi. Hình thể xuất hiện nhiều trong tranh lập thể của Tạ Tỵ là tam giác. Những đường nét mạnh tạo ra các góc cạnh gây sự chú ý nơi người yêu nghệ thuật. Giai đoạn này, màu sắc trong tranh của ông tách bạch từng mảng rõ rệt, ông thường dùng màu đen để tạo điểm nhấn cho các tác phẩm. Điều này đã tạo trường liên tưởng dẫn đưa đến thế giới của nỗi buồn khi xem tác phẩm của ông.

Cơn bão sắc màu trừu tượng

Quan sát tranh của họa sĩ Tạ Tỵ như thấy ở đó đang hình thành những cơn bão của màu sắc, trong các tác phẩm của ông như có sự chuyển động ở tầng đối lưu ẩn mình phía đằng sau mỗi bức tranh, khiến cho không gian trong tác phẩm của ông liên tục chuyển động, biến dạng, tâm của vòng xoáy chuyển động đó là khoảng tối u trầm, sắc lạnh tạo nên sức mạnh của cơn bão và độ bí ẩn của thời gian. Hội họa trừu tượng của Tạ Tỵ vượt thoát mọi khái niệm về biểu tượng và hình thể, ở đó chỉ còn niềm rung cảm của trí tuệ khi ông thể nhập vào cảnh giới phi hình thể. Cảnh giới mà sự vật chưa được thành hình, chưa đặt tên hoặc biến chuyển liên tục như dòng tâm biến hiện trong mỗi cá thể; đang cõng trên mình nghiệp lực khởi nguyên từ sự cuốn hút, trộn lẩn trong vòng xoáy của tinh và huyết của trắng và đỏ, của bóng tối và ánh sáng. Nơi đó sự sáng tạo lóe lên một ngọn lửa của niềm hoang phúc, mang chút hơi  ấm cho khu vườn tâm cô quạnh, lạnh giá trôi giữa dòng đời.

Kí họa chân dung

Những gương mặt văn nghệ sĩ được ông kí họa rất xuất thần, có chân dung lộ thần, có chân dung ẩn thần, có người ấn tượng ở những nếp nhăn, người ở gọng kính, người ở một con mắt, người ở cái bĩu môi, có người được thể hiện chỉ ở mái tóc, người ở bộ lông mày, người ở chòm râu,... nhưng hầu hết vừng trán của các nghệ sĩ được ông thể hiện cao và rộng. Có thể kể ra một số tên tuổi được ông kí họa chân dung, như: Nguyễn Văn Vĩnh, Khái Hưng, Sơn Nam, Lê Văn Siêu, Lãng Nhân, Hàn Mặc Tử, Võ Hồng, Phạm Duy, Vũ Hoàng Chương, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tuân, Du Tử Lê,...

Tranh thiếu nữ

Một số tác phẩm của ông biểu lộ sự phồn thực khi vẽ phái nữ như tác phẩm “Hai thiếu nữ”, “Đôi bạn”. Ngoài ra, ông còn vẽ thiếu nữ theo phong cách lập thể, nhưng rất mềm mại với nỗi sầu muộn đọng trên gương mặt người con gái.

Trong quyển sách “Đi vào cõi tạo hình” in năm 2015 của họa sĩ Đinh Cường có bài viết về họa sĩ Tạ Tỵ; qua họa sĩ Đinh Cường, được biết tác phẩm hội họa của Tạ Tỵ có treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tranh của ông cũng được các nhà sưu tập ngoại quốc tìm kiếm và được đấu giá ở nước ngoài, giá tranh của họa sĩ Tạ Tỵ càng ngày càng tăng cao. Họa sĩ Tạ Tỵ đã sống và cống hiến trọn một đời văn nghệ, ông là một nghệ sĩ thực thụ, một trong những người tiên phong và khai phóng cho nền hội họa Việt Nam, hành trình sáng tạo của ông khởi đi từ lập thể đến trừu tượng phi hình thể.

                                   Huế, 12/2015

Bài, ảnh: LÊ HUỲNH LÂM
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top