ClockThứ Năm, 10/11/2016 05:26

Hòa thượng Thích Chơn Thiện - người sống như người đã viết!

TTH - Dù biết bệnh của Hòa thượng Thích Chơn Thiện là khó qua khỏi, nhưng đệ tử và người thân vẫn không khỏi bàng hoàng khi biết tin người viên tịch tại Huế, hôm 8/11/2016, trụ thế 75 năm.

Hòa thượng Thích Chơn Thiện viên tịch

Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII, XIII, XIV; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam; Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN; Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; Trú trì Tổ đình Tường Vân, TP.Huế; Viện chủ thiền viện Vạn Hạnh, TP.Hồ Chí Minh.

Hòa thượng Thích Chơn Thiện. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Cách đây chừng hai tháng, nhân ngày giỗ đầu của một người bạn, mấy anh em chúng tôi lên Tổ đình Tường Vân niệm hương, nhân thể viếng thăm người. Trong thư phòng thân thuộc, lần đầu tiên chúng tôi nghe hòa thượng Thích Chơn Thiên than mệt; nghĩ là vì tuổi cao nhuốm bệnh khi thời tiết giao mùa; nào ngờ, sau đó không lâu hòa thượng nhập viện.

Dù không được khỏe nhưng hòa thượng vẫn hào hứng về chủ đề mà mình đã và đang viết “Tư tưởng Việt Nam: Nhân bản thực tại luận”, dự định cuối năm nay sẽ in thành sách.

Cũng với tình cảm như thế, trước đây, sau khi xuất bản cuốn “ Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pàli”-Luận án Tiến sĩ Phật học Đại học Delhi- Ấn Độ 1996, Hòa thượng đều ghi tặng chúng tôi. Dù không phải là Phật tử, nhưng sau khi đọc tác phẩm “Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pàli”, tôi đặc biệt chú ý phần Hòa thượng phân tích về Giáo lý Duyên khởi của Đức Phật và Năm Thủ uẩn như là nền tảng hình thành lý thuyết Nhân tính, để qua đó giới thiệu “cái nhìn mới mẻ về mọi sự vật hiện hữu, rằng con người, không phải là một thực thể bất biến, không thể tách rời khỏi xã hội và môi sinh, không thể tồn tại, hiện hữu ngoài xã hội”.

Xuất phát từ quan điểm này, Hòa thượng Thích Chơn Thiện đề nghị xã hội có một cái nhìn mới về văn hóa, giáo dục; đồng thời nêu một số  khủng hoảng mà con người đang đối diện, trong đó có khủng hoảng môi sinh-vấn đề nóng bỏng mà nhân loại đang quan tâm. Và để bảo vệ môi sinh, theo Hòa thượng Thích Chơn Thiện, xã hội cần giáo dục con người nhận thức mối liên hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên; giải thích hiểm họa do ô nhiễm môi sinh gây ra; chỉ rõ rằng ham muốn của con người về lợi lộc và uy quyền có thể gây ra khổ đau cho con người; gợi ý những gì phải làm cho việc bảo vệ môi sinh.

Ngoài các công trình nghiên cứu, dịch thuật Phật học được dùng làm sách giáo khoa trong các Trường, Viện và Học viện Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Chơn Thiện còn viết nhiều sách về văn hóa dân tộc; sau khi trở thành Đại biểu Quốc hội, hòa thượng còn là tác giả của nhiều bài được Báo Đại biểu Nhân dân chọn đăng, sau đó tập hợp in thành sách có tựa đề “Trí tuệ & chân thành” .

 Hòa thượng - Đại biểu Quốc hội Thích Chơn Thiện tâm sự: “mình luống tuổi rồi, không đăng đàn ở nghị trường được thì nên giải bày những điều mình suy nghĩ về Tổ quốc, về Nhân dân trên tờ báo của Quốc Hội”.

Trong gần chục bài biên khảo mà Hòa thượng đồng ý cho chúng tôi sử dụng, ngay bài đầu tiên: Truyền thuyết biến hóa: “Truyền thống con Rồng, cháu Tiên”, Hòa thượng bình luận khá độc đáo:

“Câu chuyện về hôn nhân lịch sử này còn làm nổi bật một triết học, tư tưởng Việt Nam (có từ thời Bách Việt), tương tự với Dịch học từ thời Phục Hy xa xưa của Trung Nguyên (Trung Hoa xưa).

Việt Nam không nói triết lý bằng các ký hiệu và ngôn ngữ khô khan, mà nói bằng sự sống - hay nói khác đi là sống triết lý - bằng ngôn ngữ đời thường: Âu Cơ và 50 người con là biểu tượng của yếu tố âm (âm tính) lên trấn giữ mạn núi là biểu tượng của dương tính, đây là ý nghĩa “âm ở trong dương”(âm trung chi dương); Lạc Long Quân và 50 con trấn giữ mạn biển là biểu tượng của “dương ở trongÂm” (dương trung chi âm).

Đây là ý nghĩa vận hành sinh hóa của vạn vật, hợp với vận hành của thế giới tự nhiên: thuận với nó thì sinh tồn, nghịch với nó thì tan rã: âm, dương kết hợp để sinh hóa.

Về mặt đạo đức hành xử, Âu Cơ là biểu tượng của các hành động hiền thiện, là nét đẹp của văn hóa; về triết lý hành động, Lạc Long Quân là yếu tố bất biến mà biến hóa: đây là ý nghĩa “tùy duyên mà bất biến”, hay nói như Hồ Chủ Tịch chủ trương “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Tất cả thuộc thực tại lịch sử như thực, chỉ có con người sinh hóa quyết định lấy số phận của mình, của dân tộc mình, không có sự can thiệp của một đấng siêu nhiên nào (rất khác với Ấn Độ giáo và các quốc gia ở Trung Đông và phương Tây).

Đề cập về Hồ Chí Minh (1890 - 1969) - nhà yêu nước vĩ đại, nhà văn hóa lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất thế kỷ XX của Việt Nam, theo “cảm nhận của riêng mình”, Hòa thượng viết: “Năm 1926, 36 tuổi, đang ở hải ngoại, Người đã vạch ra 12 điều của một mẫu mực cách mạng đặc sắc, trong đó điểm thứ nhất và thứ hai nói rằng: “Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại”; “Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm Tổ quốc trên hết ở mọi nơi và mọi lúc”. Đấy là cuộc cách mạng của Việt Nam, và là của chung các dân tộc bị trị. Tư tưởng của Người kết nối dân tộc và nhân loại. Đó là tư tưởng nhân bản, nhân đạo ở cao đỉnh. Đó là tư tưởng ở đầu nguồn sáng tạo. Hệ quả của tư tưởng sáng tạo này là sự trỗi dậy mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam dẫn đến chiến thắng Pháp - Điện Biên Phủ - năm 1954, chiến thắng Mỹ năm 1972, và chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm1975, thống nhất đất nước.Đó là sức mạnh của tư tưởng Hồ Chí Minh: Yêu người, yêu nước, yêu hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là cốt lõi của tư tưởng Việt Nam cận đại và hiện đại”. Có phải linh tính mách bảo không mà sau khi trích bài “Thị đệ tử” (bảo các đồ đệ) của Thiền sư Vạn Hạnh, Hòa thượng Thích Chơn Thiện để lại lời bình như một lời nhắn nhủ:

“ Dòng sống là dòng chảy vô thường: có rồi không, được rồi mất, thịnh rồi suy. Các đệ tử cần giác tỉnh mà yêu đạo và yêu đời, làm các Phật sự, lòng hãy dừng dao động, sợ hãi. Cái nhìn đời như thế này là cái nhìn oai dũng của sư tử nhìn muôn thú. Trí tuệ thay!”

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô... “Thân như bóng chớp có rồi không,.. Vẫn biết là vậy, nhưng tôi không cầm được nước mắt.

Xin vĩnh biệt Hòa thượng, một vị chân tu, đạo cao, đức trọng và luôn sống khoan hòa.

Người sống như người đã viết.

Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thăm các cơ sở phật giáo

Chiều 9/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đến thăm, chúc mừng các vị hòa thượng, trụ trì tại một số cơ sở Phật giáo trên địa bàn thành phố Huế. Cùng đi còn có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thăm các cơ sở phật giáo
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thăm, chúc tết các chức sắc tôn giáo

Chiều 23/1, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thăm, chúc tết Hòa thượng Thích Đức Thanh, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh tại chùa Bảo Quốc; Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tại chùa Thiên Minh và Hòa thượng Thích Huệ Phước, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tại chùa Từ Lâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thăm, chúc tết các chức sắc tôn giáo
Hòa thượng Thích Đức Phương viên tịch

Tin từ Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG)Việt Nam tỉnh cho biết, Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh - GHPG Việt Nam, Giáo phẩm chứng minh Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh đã qua đời vào lúc 14 giờ ngày 1/7 tại chùa Lam Sơn (đường Điện Biên Phủ, TP. Huế).

Hòa thượng Thích Đức Phương viên tịch
Return to top