ClockThứ Năm, 22/11/2012 14:26

Hoài niệm phương nam

TTH - Cách nay đúng 126 năm, tức vào năm đầu niên hiệu Đồng Khánh 1886, Nghi Thiên Chương hoàng hậu Phạm Thị Hằng, thường được biết đến là thái hậu Từ Dũ đã chi 2.000 quan tiền và trích một khoảnh đất của làng Thuỵ Lôi (Phú Xuân cũ), nay thuộc phường Kim Long, thành phố Huế để làm Nam Châu hội quán, nơi tổ chức các cuộc gặp mặt, hội họp, tế tự vào những dịp lễ tiết hằng năm của những người vốn gốc Nam bộ cùng gia đình cư trú trong các phủ đệ, tư gia ở rải rác khắp kinh đô Huế bấy giờ.

Mười tám năm sau đó, vào năm Thành Thái thứ 16 (1904), quý bậc trưởng lão thuộc dòng họ Phạm Đăng gốc ở Gò Công, Phạm Hữu gốc Bến Lức, Long An cùng các dòng họ khác quê từ Quảng Nam trở vào đã cộng đồng xin thành lập một ngôi làng có tên Nam Trung. Theo gợi ý của thái hậu Từ Dũ, cũng là một người gốc gác Nam bộ, họ đã tìm được cho làng Nam Trung một khoảnh đất rộng khoảng 100 mẫu thuộc tổng Sư Lỗ, nay là thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang.

Tôi đã nhiều lần đi qua vùng đất bạch sa, nơi vùng quê bên phá Tam Giang này. Tên gọi hiện tại là thôn Nam Châu, nhưng ngôi làng kỳ lạ kia vẫn được nhiều người biết đến với cái tên Nam Trung, gợi nhớ về gốc gác những bậc tiền nhân một thời dựng làng lập ấp xứ Thần kinh. Đó cũng là một ngôi làng mà rất nhiều con cháu của làng đều “ngụ cư” ở Kinh đô và chưa hề biết đến tại đất làng, bởi vì sinh hoạt cộng đồng đều tập trung ở Nam Châu hội quán và việc ăn ở thì đã có tư thất dinh thự rải rác ở nhiều nơi.

Chuyện rằng, bấy giờ ông Phạm Kế Tiết người gốc Long An khi về hưu được sắc phong Hàn Lâm viện thị độc, Phụng thành đại phu, đứng ra nhận nhiệm vụ trực tiếp khẩn hoang, buổi đầu chỉ trên dưới 50 người, trong đó có những cư dân ở vùng lân cận. Năm tháng trôi qua, quan hệ giữa người làng với đất làng cũng dần nhạt phai. Những cư dân bám trụ ở Nam Châu hôm nay thực sự hoà nhập với dân cư những xóm làng nơi xứ cát Phú Đa. Thế nhưng trong họ vẫn in sâu về một hoài niệm Nam Trung ngày nào. Cách nay hơn 10 năm, một đình làng đã được xây dựng trên đất Nam Trung. Trong các dịp cúng tế hàng năm, tích xưa luôn được ghi lại, như một nét son tự hào dành cho nhiều thế hệ con dân trong làng.

Cái tên Nam Trung mang nhiều hoài niệm. Nó không chỉ có nghĩa là những người phía Nam ra phục vụ triều đình rồi định cư luôn ở miền Trung mà còn biểu hiện tấm lòng và nghĩa khí trung thành đối với triều đình Huế của con cháu những tài danh như Võ Tánh, Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng… từng được sử sách lưu truyền. Câu chuyện về làng Nam Trung thêm một lần nữa cho thấy tình cảm làng xã sâu nặng trong tâm thức người dân Việt Nam. Không gian văn hoá làng xã trở thành điểm tựa tinh thần, nơi thoả mãn nhu cầu văn hoá tình cảm của những tâm hồn Việt.

Là đất mới phên dậu, một thời là thủ phủ xứ Đàng Trong và là kinh đô của nước Việt thống nhất, Huế được xem là nơi tụ hội. Lịch sử từng nói nhiều về những bộ phận dân cư xứ Huế có nguồn gốc từ Thanh Nghệ hay ở Đàng Ngoài và cũng nhắc tới những đợt dời cư từ Nam bộ ra Huế, quy tụ rất nhiều văn thần, võ tướng, sĩ tốt trong đoàn quân của vua Gia Long ra Phú Xuân đánh bại Tây Sơn và được bổ sung sau đó với những quan viên, ngoại tích làm việc tại triều đình và nội cung.

Xứ Huế có những tên làng gợi nhớ một thời Chăm pa. Ở vùng đất xứ Thần kinh cũng bắt gặp nhiều tên làng trùng với Bắc bộ và Bắc Trung bộ, dấu tích của hành trình Nam tiến. Còn với Nam Trung, đó lại là một hành trình ngược lại. Nó như một sự bổ sung, làm phong phú thêm những giá trị lớn lao và đặc sắc về làng Huế, vùng đất đế đô xưa.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top