ClockThứ Tư, 01/09/2021 14:07

Hoàng Anh Tuấn & niềm đam mê với đồ da handmade

TTH - Từ niềm đam mê, Hoàng Anh Tuấn từ bỏ công việc thiết kế đồ họa ổn định để theo đuổi đồ da handmade.

Sống “xanh” cùng chất tẩy rửa handmadeMuôn kiểu khẩu trang handmade của các nước để chống dịch COVID-19

Hoàng Anh Tuấn tỉ mỉ với công đoạn chạm khắc trên da

Khởi nghiệp với đồ da handmade

Không gian trưng bày của chương trình “Sự tử tế” được tổ chức tại Huế vào tháng 10/2020 là lần đầu tiên tôi biết đến sản phẩm làm bằng da của Up Leather. Những chiếc ví da, túi xách, ba lô, dây nịt, vòng đeo tay, dây đeo đồng hồ, bao da máy ảnh… đẹp và tinh tế được thiết kế, chế tác từ chất liệu da cao cấp khiến nhiều người phải trầm trồ khen ngợi. Ngạc nhiên hơn khi chúng được làm hoàn toàn thủ công từ đôi tay của đôi vợ chồng trẻ Hoàng Anh Tuấn (số 1 kiệt 123 đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế).

Từ niềm đam mê chơi máy ảnh phim, Tuấn mày mò tự làm cho mình những chiếc dây đeo, bao máy ảnh bằng da. Thấy anh làm đẹp, những người cùng sở thích cũng đặt hàng. Từ ý muốn ban đầu làm cho mình sử dụng, bước ngoặt để Tuấn quyết định gắn bó với đồ da handmade là trải nghiệm sau chuyến đi Nhật. Năm 2015, Tuấn có cơ hội đi Nhật và được tham gia chương trình trải nghiệm tại một công ty sản xuất đồ da. Điều bất ngờ là những sản phẩm anh làm ra được công ty này đánh giá cao và mua lại. Họ cũng mời Tuấn sang Nhật tiếp tục làm việc.

Hoàng Anh Tuấn nhớ lại: “Về nước, tôi băn khoăn nghĩ, những sản phẩm mình làm ra được người Nhật đánh giá cao, tại sao không phát triển ngành da ở chính mảnh đất có nhiều nghề truyền thống, nhiều người thợ tài hoa như Huế? Suy nghĩ đó thúc đẩy tôi từ bỏ công việc thiết kế đồ họa ổn định để khởi nghiệp với đồ da handmade. Vượt qua nhiều thử thách, tôi kiên trì xây dựng thương hiệu “Up Leather” trên đất Huế”.

Tất cả các sản phẩm của Up Leather đều làm bằng da thật được nhập từ Ý, Pháp, Nhật nên ban đầu, Tuấn gặp khó khăn khi tìm mua nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu da thật ở Huế không có, anh phải đặt hàng từ các thành phố lớn và cả ở nước ngoài. Không được trực tiếp kiểm tra nguyên liệu nên Tuấn đành chấp nhận rủi ro, đặt hàng nhiều chỗ rồi chọn ra những nơi uy tín. Việc đầu tư cho nguyên liệu, trang thiết bị làm da cũng cần chi phí lớn. Ngoài những thiết bị, dụng cụ phải đặt mua ở nước ngoài, một số công cụ Tuấn phải mày mò tự chế tác.

Chiếc ví được chạm khắc hoa lá tinh tế

Cá tính riêng trên từng sản phẩm

Tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa, Trường cao đẳng Sư phạm Huế, Tuấn tự thiết kế toàn bộ sản phẩm, thế nhưng, không phải cứ vẽ đẹp sẽ thành sản phẩm hoàn hảo, khi anh hoàn toàn không có kinh nghiệm may vá. Để làm nên những sản phẩm đẹp, đường may sắc sảo…, Tuấn phải tính toán cẩn thận từng đường kim mũi chỉ, vừa làm vừa mày mò. Anh cũng chưa tiếp xúc nhiều với đồ da. Việc phân biệt da thật, da đẹp, nắm rõ đặc tính của từng loại da cũng là quá trình dài đối với một người mới như Tuấn, cần tích lũy kinh nghiệm qua thực tế.

Tuấn chia sẻ: “Để làm nên những sản phẩm đồ da đẹp, chất lượng, cần chọn được nguyên liệu tốt. Kết cấu sản phẩm cũng được tính toán theo nhu cầu sử dụng của từng khách hàng để đảm bảo độ bền cho sản phẩm. Nhuộm da cũng phải hòa màu tốt để tạo gam màu tự nhiên. Kỹ thuật của người thợ cần đảm bảo sản phẩm làm ra vừa đáp ứng được công năng vừa đảm bảo thẩm mỹ, lại tạo được phong cách, cá tính riêng của người sử dụng”.

Mỗi sản phẩm được Tuấn làm hoàn toàn bằng thủ công nên rất công phu, tỉ mỉ. Anh tự thiết kế, nhuộm da, lạng da, cắt, may, chạm khắc… Tuấn nhấn mạnh dấu ấn cá nhân của người sử dụng trên mỗi sản phẩm. Tất cả sản phẩm của Up Leather đều là độc bản. Ngoài thiết kế mang tính duy nhất, sản phẩm được thiết kế theo sở thích cá nhân, công năng phù hợp với nhu cầu sử dụng của mỗi khách hàng. Để tăng tính thẩm mỹ cho mỗi chiếc ví da, túi xách, anh còn chạm khắc hình những con vật, hoa văn, hoa lá, tên tuổi… Công đoạn này mất khá nhiều thời gian và công phu.

Sản phẩm của Up Leather được khách hàng yêu thích, tin tưởng. Qua giới thiệu của những người đã từng sử dụng sản phẩm, Tuấn có lượng khách nhất định và khẳng định được thương hiệu trên thị trường đồ da handmade tại Huế. Nhiều khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả ở nước ngoài trở thành khách quen của Tuấn. Bác sĩ Nguyễn Đắc Nguyên (Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế), một khách hàng quen của Tuấn chia sẻ: “Tôi sử dụng sản phẩm của Up Leather 6 năm nay với khá nhiều dây đồng hồ, túi da, ví và thấy chất lượng sản phẩm rất tốt. Một chiếc dây đồng hồ tôi mang đến 6 năm vẫn bền. Giá trị của đồ da nằm ở chỗ được làm thủ công, chất lượng da tốt, sản phẩm độc bản và sản phẩm của Tuấn đã đáp ứng được điều đó”.

Sản phẩm của Up Leather làm thủ công nên không thể sản xuất hàng loạt, trong khi đó, đơn hàng khá nhiều, Tuấn làm không xuể. Anh cũng đã tuyển thêm thợ nhưng cứ đào tạo xong, thợ lại bỏ giữa chừng vì không phải ai cũng có thể kiên trì với công việc này. Để theo đuổi đam mê, Tuấn phải từ bỏ những cơ hội việc làm ổn định và nhiều thú vui khác để suốt ngày tỉ mỉ may vá. Tuy vậy, với Tuấn, đồ da đầy sức hấp dẫn. Anh thường hình dung hình dáng sản phẩm trước khi bắt tay vào làm và niềm vui của khách khi sử dụng sản phẩm là động lực để anh theo đuổi đam mê.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

Yêu thích và đam mê thổi sáo từ những ngày còn bé, chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên (sinh năm 1999) đã miệt mài gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này của dân tộc hơn 5 năm nay. Tiếng sáo du dương, bay bổng của Thiên đã để lại nhiều dấu ấn ngọt ngào trong cảm xúc người nghe.

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống
Vui đến trường với bao vở handmade

Vào đầu năm học mới, thay vì sử dụng bao tập nilon hay giấy bao mua sẵn, nhiều bạn học sinh đã tự tay thiết kế bao vở theo phong cách cá nhân một cách độc đáo.

Vui đến trường với bao vở handmade
Hoa len tặng mẹ

Nhiều bạn trẻ dành tình cảm đến những người thương yêu dịp 20/10 bằng món quà hoa đan len độc đáo:

Hoa len tặng mẹ
Chia sẻ niềm đam mê cổ vật trực tuyến

Tìm tới cổ vật không chỉ là một thú chơi, những người trẻ còn thông qua đó để hiểu hơn giá trị văn hóa lịch sử. Những món cổ vật với chất liệu, kỹ thuật chế tác khác nhau trải qua hàng trăm, nghìn năm “hớp hồn” những người trẻ như một cuộc du hành tìm về xa xưa.

Chia sẻ niềm đam mê cổ vật trực tuyến

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top