ClockChủ Nhật, 30/08/2015 10:18

Hoàng Đức Trạch - nhân sĩ trí thức có tấm lòng yêu nước

TTH - Với niềm tôn kính, tự hào, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Công nghiệp và Tiết kiệm Năng lượng - Sở Công thương say sưa khi nói về ông ngoại mình - nhân sĩ yêu nước Hoàng Đức Trạch (1891 - 1952)...

Ông Lê Thanh Tâm tự hào: “Mẹ tôi kể rằng, trước Cách mạng Tháng tám, nghe theo lời dạy của cha mình là ông Hoàng Đức Trạch, bà đã chèo thuyền từ đầm Cầu Hai (Phú Lộc) lên Huế để tiếp tế lương thực cho phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo”.

Ông Lê Thanh Tâm kể về những kỷ niệm của ông ngoại mình

Năm 18 tuổi, ông bắt đầu tham gia phong trào đấu tranh giảm thuế, khất sưu do ông Đỗ Quỳnh, người làng Phú Thái, Phú Vang đề xướng. Năm 1911 – 1912, ông cùng với các nhà yêu nước khác ở Thừa Thiên – Thuận Hóa tham gia phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu chủ xướng. Cũng trong thời gian này, ông hưởng ứng phong trào của vua Duy Tân. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 đã tập hợp nhiều tầng lớp Nhân dân trong nước đấu tranh với bọn đế quốc, phong kiến. Điều này đã thôi thúc ông bắt đầu có xu hướng cách mạng dân chủ Nhân dân, lấy quyền lợi của nông dân làm mục tiêu đấu tranh. 

Theo PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế: “Trong phong trào vận động dân chủ (1936 – 1939), Đảng Cộng sản Đông Dương đã vận động cụ Hoàng Đức Trạch ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và cụ đã trúng cử với số phiếu cao nhất. Cụ đã mang chủ trương của Đảng để đấu tranh cho lợi ích Nhân dân của toàn xứ Trung Kỳ. Gia đình cụ Hoàng Đức Trạch là cơ sở tin cậy để đón tiếp cụ Phan Bội Châu về Bàn Môn, xã Lộc An (Phú Lộc) tổ chức diễn thuyết tại quê nhà; là nơi tập trung các thanh niên trong vùng để phổ biến báo Thực Nghiệm, báo Tiếng Dân và nhiều sách báo tiến bộ khác”.

Ông Hoàng Đức Trạch cùng các nghị viên tiến bộ trong Viện Dân biểu Trung Kỳ đã sử dụng diễn đàn công khai, lên án sự bất công của dự án tăng thuế của chính quyền thực dân, bênh vực lợi ích của Nhân dân. Ngày 10/9/1938, tại Huế, Viện Dân biểu Trung Kỳ khai mạc hội nghị thường niên. Có 400 đại biểu các giới gồm: Công nhân, nông dân, tiểu thương, phụ nữ, thanh niên kéo đến viện để bày tỏ nguyện vọng, sau đó đi biểu tình qua các đường phố, hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Mặt trận Dân chủ”, “Dân biểu liên hiệp lại”, “Chống dự án tăng thuế điền thổ và thuế thân”...

Phong trào đấu tranh sôi nổi của các tầng lớp Nhân dân là chỗ dựa, động viên cổ vũ các dân biểu tiến bộ giữ vững quan điểm, bác bỏ dự án tăng thuế. Kết quả, ngày 16/9/1938, toàn thể nghị viên trong Viện Dân biểu Trung Kỳ nhất trí bác bỏ dự án tăng thuế thân, tăng thuế điền thổ của chính quyền thực dân phong kiến.

Là nhân sĩ trí thức có tấm lòng yêu nước, thương dân, Hoàng Đức Trạch đã đứng về phía Nhân dân, đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ quyền lợi cho dân. Điều đáng quý, đáng trân trọng là ông đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, phú quý để lựa chọn con đường cách mạng, chấp nhận gian khổ, theo kháng chiến đến hơi thở cuối cùng. Từ một trí thức phong kiến áo dài, khăn đóng, ông đã trở thành vị Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh, tham gia chính quyền trong những năm 1946 – 1952 đầy chông gai, thử thách.

Ông Hoàng Thanh, một người con của làng Bàn Môn, xã Lộc An xúc động: “Người dân Bàn Môn luôn biết ơn ông, người đã có công lớn với quê hương. Đúng như lời nhận xét của người bạn đã từng công tác với ông ở chiến khu Dương Hòa là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh lúc bấy giờ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Anh: “Cụ Hoàng Đức Trạch đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng và sự nghiệp kháng chiến cứu nước ở Thừa Thiên Huế”.

Năm 1952, ông Hoàng Đức Trạch bị bệnh nặng, từ trần tại Phú Vang. Ghi nhận những công lao đóng góp của ông, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã công nhận ông là liệt sĩ. Điều đáng nói, 13 người con của ông đều tham gia kháng chiến, trong đó, có 3 con là liệt sĩ. Tại huyện Phú Lộc, một trong những con đường đẹp nhất được lấy tên ông để đặt tên đường. Điểm đầu nối từ đường Bạch Mã mới kéo dài đến cầu Khe Thị, xã Lộc Trì. Đó là một trong những biểu tượng, thể hiện tấm lòng của người dân Phú Lộc nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung. 

Bài, ảnh: Phong Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

Sáng 25/4, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp công dân tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Cùng dự buổi tiếp công dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn
Return to top