ClockThứ Ba, 30/06/2015 10:29

Hoàng Sa – Trường Sa - Chủ quyền của Việt Nam

TTH - Tiếp theo cuốn “Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc thế kỷ XIX”, lần này Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với NXB Đà Nẵng cho ra mắt bạn đọc cuốn sách mới “Hoàng Sa – Trường Sa Chủ quyền của Việt Nam” do PGS. TS Đỗ Bang chủ biên.
 

Cuốn sách là kết quả “sưu tầm tư liệu và nghiên cứu khoa học kiên trì và công phu của giới sử học mà phần lớn là hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thực hiện trong nhiều năm qua. Phần lớn đã được công bố trên Tạp chí Huế - Xưa và Nay, các tạp chí nghiên cứu lịch sử, lịch sử quân sự… Một số bài viết đã được các tác giả công bố trong các hội thảo quốc gia và quốc tế, trong đó có nhiều chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này như GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, TS Nguyễn Nhã…”.

Sách dày 366 trang, chứa đựng một dung lượng lớn gồm 20 công trình khoa học của 18 tác giả, trong đó chủ yếu là các tác giả đang sinh sống và hoạt động sử học ở Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Đó cũng là cơ duyên để NXB Đà Nẵng chủ động làm “bà đỡ” mát tay cho việc ra đời của “đứa con tinh thần” mang một hàm lượng khoa học đáng tin cậy và ý nghĩa thực tiễn sống động này.
Cuốn sách mang một hàm lượng khoa học đáng tin cậy ở chỗ, tuy cách tiếp cận và nghiên cứu từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau (trong nước và nước ngoài, có cả tư liệu của Trung Quốc), nhưng phương pháp luận sử học là nhất quán (thận trọng, nghiêm túc, đối chiếu, so sánh, nổi bật là sưu tập những bản đồ cổ về chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa của triều Nguyễn và các tập bản đồ quốc tế, trong đó có bản đồ của Trung Quốc và các nước trong khu vực nhưng chưa bao giờ xuất hiện quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa trên lãnh thổ của họ), “là những bằng chứng hùng hồn khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong suốt thời gian tồn tại của triều Nguyễn”. Triều Nguyễn là triều đại kế tục xuất sắc việc thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa bằng giải pháp quân sự, hành chính, kinh tế, thuế khóa, xã hội và tâm linh của Nhà nước trước đó đã được các chúa Nguyễn và vương triều Tây Sơn từng bước xác lập. Tiếp nối triều Nguyễn là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam thời Pháp thuộc. Đó là cơ sở lịch sử và pháp lý để chính quyền Sài Gòn sau năm 1954 tiếp tục thực thi chủ quyền cho đến năm 1974, thời điểm Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng”.
Nội dung cuốn sách còn toát lên ý nghĩa thực tiễn sống động không chỉ ở những tài liệu thực địa phong phú mà còn là cơ sở khoa học đáng tin cậy và thuyết phục, góp phần lên tiếng mạnh mẽ trước dư luận trong nước và quốc tế về sự ngang ngược xây lấn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa (mà từ lâu họ đã chiếm đóng trái phép) thuộc chủ quyền Việt Nam trong những ngày gần đây.
Lê Viết Xuân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top