ClockThứ Hai, 20/08/2012 13:45

Hoàng thân Su-pha-nu-vông, biểu tượng cao đẹp của mối quan hệ hữu nghị Lào - Việt (*)

TTH - “Tình hữu nghị Lào – Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”. Đó là lời của Chủ tịch Suphanuvông, một lãnh tụ dân tộc, một tinh hoa của đất nước Chămpa, một biểu tượng cao đẹp của mối quan hệ Việt – Lào. Nhiều hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên, của cỏ cây sông núi, biển cả đã được dùng để miêu tả một mối tình sáng đẹp, thủy chung hiếm có của hai dân tộc Việt – Lào. Lời ngợi ca đó, nguồn tình cảm dạt dào sâu đậm đó đã ăn sâu vào dòng chảy trong máu thịt của người dân Lào và Việt Nam, đã từng gian khổ sống chết bên nhau trong suốt cả đoạn đường dài lịch sử để giành lấy độc lập tự do và hạnh phúc cho cả hai dân tộc...

Hoàng thân với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời của mình, Hoàng thân đã có nhiều lần gặp gỡ Bác Hồ, nhưng có hai lần ghi dấn ấn sâu sắc nhất trong đời. Đó là lần găp Hồ Chủ tịch vào tháng 9/1945 tại Bắc Bộ phủ và một lần vào năm 1949-1950 ở Việt Bắc. Cả hai lần đều đánh dấu hai mốc lịch sử của những thời kỳ mở đầu cách mạng và tấn công cách mạng, giúp Hoàng thân Suphanuvông thấy rõ ý chí quyết tâm đấu tranh để giải phóng dân tộc của Bác Hồ, đồng thời cũng giúp Hoàng thân nhìn thấy tận mắt cuộc sống bình dị, tác phong khiêm tốn, gần gũi quần chúng của người lãnh đạo cách mạng trong con người của Hồ Chủ tịch. Trong những dịp đàm đạo với anh em cán bộ Lào, Hoàng thân thường chậm rãi nói: “Tôi đã đi học nhiều nơi, nhiều ngành nhưng những ngày sống cận kề bên Bác Hồ, được nghe, được trao đổi trực tiếp với Người giống như mình được tốt nghiệp thêm một trường Đại học cách mạng”. Trong những ngày Hoàng thân và các lãnh tụ Lào bị bọn phản động giam cầm ở nhà tù Phônkhênh, khi bà Viêng Khăm về Hà Nội chữa bệnh, Bác Hồ đã đến thăm và động viên: “Bà và các cháu yên tâm, các đồng chí lãnh đạo Lào và Việt Nam đang tìm mọi cách để giải thoát Hoàng thân”. Quả thật vậy, Bác Hồ đã chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử ngay một tổ đặc tình vào Viêng Chăn để phối hợp với Đặc ủy Viêng Chăn tiến hành mọi công tác giải thoát và đưa các lãnh tụ Lào về căn cứ an toàn.
 
Những ngày bị giam giữ trong tù, trong một lần vào thăm Hoàng thân tại Phônkhênh, Hoàng thân đưa cho bà Viêng Khăm một xếp giấy nhỏ và dặn phải cất giấu cẩn thận, về nhà mới được mở. Về đến nhà thì ôi thôi, tay bà run lên và thì thầm trong niềm cảm xúc mạnh mẽ: Tranh Bác Hồ do Người vẽ gửi tặng mình trong tù. Ngày Bác Hồ mãi mãi ra đi năm 1969, Hoàng thân đã cùng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đi viếng Người. Hai nhà trí thức lớn cùng học ở Paris về đã đàm đạo nhiều về tên tuổi con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc đã từng được nghe nhiều ở Pháp nhưng chưa một lần gặp mặt. Sau khi đi viếng Bác Hồ về, có những lúc Hoàng thân ngồi thẫn thờ, mân mê chiếc phula đang quàng cổ do Bác Hồ tặng. Các con đến ôm lấy ba hỏi, Hoàng thân không nói gì, mãi một lúc sau Người mới chậm rãi nói: “Đời ba có hai lần khóc, một lần là khi anh Quang các con hy sinh, lần thứ hai là Bác Hồ qua đời” (Quang là con đầu của Hoàng thân, Quang cũng là tên do Bác Hồ đặt, tên Lào là Arinha). Còn bao nhiêu chuyện nói về Hoàng thân và Bác Hồ, Người mà Hoàng thân đã gọi một cách thân mật là Papa Hồ.
Hoàng thân với anh em quân tình nguyện Việt Nam
 
Sau năm 1975, vừa là Chủ tịch nước nhưng Người vẫn dành thời gian đi thăm Việt Nam, không phải chỉ là sự thăm quan du lịch mà là sự đáp nghĩa ân tình. Một lần, nhà văn Tân Sắc (tức Trần Công Tấn) đến thăm Hoàng thân lúc ốm ở Viêng Chăn, Người hỏi: “Con có biết ông Nai Cơ, người lái thuyền cho Bác hồi ở Thà Khẹc (năm 1946) không? Anh Tú chỉ huy công binh đào hầm cho Bác hồi ở Sầm Nưa và bao nhiêu người khác nữa, chị y tá, cô cấp dưỡng, người lính bảo vệ... nay còn sống hay chết””. Có những lúc, Người ngồi trầm ngâm suy nghĩ và thì thầm những lời tự thoại để cho một mình nghe: “Những người Mẹ, người Vợ anh hùng đã gửi hàng sư đoàn quân sang giúp Lào. Trong số quân tình nguyện Việt Nam sang Lào có cả em bé 14 tuổi mà sau này Người nhận làm con nuôi (chính là nhà văn Trần Công Tấn vừa nêu trên). Hàng trăm ngàn chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên đất Lào mà những người mẹ, người vợ ấy vẫn âm thầm chịu đựng bao nhiêu năm, đã bao lần quân tình nguyện Việt Nam ra về rồi trở lại Lào chiến đấu khi kẻ thù hung bạo phản bội...”. Và cảm động hơn hết khi nói đến anh Lê Thiệu Huy, được Bác Hồ bố trí cho đi theo Hoàng thân để bảo vệ và giúp việc Người, đã hy sinh trong trận đánh Thà Khẹc, lấy thân mình bảo vệ cho Người. Trong thư gửi cho cụ Lê Thước, thân sinh anh Thiệu Huy, Người đã viết: “Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu để giải phóng cho đất nước Lào, cho dân tộc Lào... Đứng trước thi hài anh Huy có đông đủ anh em Việt kiều và người Lào ở Xiêm thăm viếng và tỏ lòng miến tiếc. Ngày 21/3 là ngày kỷ niệm cái chết anh dũng của anh Huy, là ngày căm hờn của toàn thể nhân dân Lào và riêng gia quyến Ngài”.
 
Trong một dịp vào thăm TP Hồ Chí Minh và TP Nhà Trang năm 1989, Hoàng thân đã gặp mặt và thăm một số anh chị em đã từng giúp việc cho Người, nhiều người đã già yếu, tóc bạc phơ, nhiều người nay là tướng lĩnh trong quân đội như Trung tướng Dương Cự Tẫm, Thiếu tướng Lương Quốc Sản. Hoàng thân và phu nhân đã đến thăm Xơ Lộc (Mẹ bề trên), Giám đốc Trường Couvent des Oiseaux nổi tiếng ở Đà Lạt. Xơ Lộc chính là người vợ chưa cưới của anh Thiệu Huy hy sinh, nàng đã đi tu cho đến bây giờ. Hoàng thân đã đến tận nơi thăm và mời xơ đến dự cuộc gặp mặt nhưng xơ đã cảm ơn và lấy làm tiếc là không đến tham dự được. Hoàng thân nói lại cho anh chị em ngày hôm ấy với nét mặt xúc động... Hoàng thân Suphanuvông đối với anh em Việt Nam là như vậy đó.
 
Trong trang hồi ký, Người đã viết lại những dòng suy nghĩ sâu sắc, xúc động trong trận Thà Khẹc, hận thù “Xao Ét Mi Na”:
 
“Chỉ một khúc sông nhuốm máu đào.
 
thấu hiểu tình nghĩa Việt - Lào nông sâu”.
 
Người đã ra đi (1995) nhưng hình ảnh, tình cảm trong sáng thủy chung của Người luôn luôn ngự trị trong lòng nhân dân Lào và dân tộc Việt Nam yêu quý.

Hoài Nguyên

(*) Trích đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top