15/07/2010 - 09:17

Hoàng Thị Ngọc Ấn – Người liên kết được chất Đông - Tây trong tranh

TTH - Festival Huế 2010, nữ họa sĩ Hoàng Thị Ngọc Ấn trở về quê nhà mở cuộc triển lãm mỹ thuật đầu tiên mang tên “Vọng”. Những bức tranh trên giấy dó của chị gợi lên hình ảnh một hồ thu tràn đầy sương sớm.

Bà Ngọc Ấn

Thấm thoắt đã gần 20 năm nữ hoạ sĩ Hoàng Thị Ngọc Ấn rời Huế. Thế nhưng, người phụ nữ này vẫn giữ cho mình một phong thái kín đáo, nhẹ nhàng và giọng nói ấm áp. Chính phong thái này đã đi vào tranh chị tạo nên sự huyền bí đầy chất Á Đông, vừa mong manh như hơi thở lại mạnh mẽ và phóng khoáng như suối nguồn trào dâng.

Từ năm 2001, những tác phẩm của chị đã xuất hiện tại Bỉ - nơi hiện nay chị đang sinh sống- với danh nghĩa đại diện cho cộng đồng người Việt trong tuần Văn hóa Việt Nam tại thành phố Liège (Bỉ). Không chỉ vẽ tranh, chị còn làm cả tượng đất, tượng sáp và tượng gỗ. Từ năm 2001 đến nay, tác phẩm của chị xuất hiện liên tục ở nhiều cuộc triển lãm trên đất Bỉ và đạt nhiều giải thưởng ở Pháp trong các cuộc triển lãm về Graphic Art (nghệ thuật tạo hình).
  
Vốn là một giáo viên dạy Anh văn nhưng Hoàng Thị Ngọc Ấn yêu hội hoạ ngay từ khi còn bé. Chị đã từng theo học tranh lụa và ký hoạ chân dung với 2 hoạ sĩ nổi tiếng là Nguyễn Đông Sơn và Nguyễn Thị Tâm. Thời gian còn ở Huế, chị vẽ chỉ để thoả mãn niềm say mê. Những bức tranh trên lụa của chị mang đầy màu sắc như những tia nắng lung linh xuyên qua vườn nhà xanh mướt. Trong suốt và dịu dàng, tranh của chị giai đoạn này không hề có bóng dáng của nỗi buồn hay sự suy tư. Sang Bỉ, mang theo trọn vẹn niềm đam mê ấy, chị tiếp tục vẽ những giấc mơ của mình trên lụa. Chính chị cũng không ngờ, hội hoạ trở thành “nghiệp” của mình khi an cư trên đất nước này.
 
Ở Bỉ cũng như ở Pháp, vẽ trên lụa chỉ được xem như một ngành mỹ nghệ chứ không được thừa nhận là tác phẩm mỹ thuật. Hoàng Thị Ngọc Ấn quyết định chọn cho mình một lối đi riêng, mộc mạc, giản đơn mà lạ lẫm, ấn tượng, đó là vẽ bằng mực tàu trên giấy dó. Chất liệu này vừa gần gũi với lụa lại gợi lên trí tò mò đối với người phương Tây. Với dòng tranh này, chị thích diễn tả vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua tác dụng của những khoảng sáng - tối. Những bức tranh khoả thân ra đời vừa hư ảo, mơ mộng lại gợi nên những suy tư, ưu phiền ẩn chứa trong những thân phận mong manh, cô đơn bất tận và đầy ám ảnh.
 

Tác phẩm Tăng gô
 
Với những bức tranh này, người yêu nghệ thuật hội họa hội ngộ với một Hoàng Thị Ngọc Ấn mới, lạ lẫm, kín đáo gợi mở thế giới sâu thẳm của tâm hồn.  Trăng, Hư vô, Tóc mây, Hư ảo mộng mơ… những cái tên đều gợi đến một cuộc độc thoại âm thầm mà đầy day dứt với những chuyến phiêu lưu không kỳ hạn trong thế giới tâm linh đa sầu, đa cảm. Những khung cảnh mờ ảo phiêu diêu cổ tích, những vệt màu mong manh, những đốm rạn nứt như kéo người xem tranh vào một cõi u linh, huyền bí nào đó mà tâm thổn thức với những nỗi buồn siêu thực. Một nỗi buồn hoang vắng và lạnh lẽo như thể phủ đầy sương.
 
Không còn vẽ tranh lụa, Hoàng Thị Ngọc Ấn mày mò trang trí cho những chiếc khăn quàng cổ bằng lụa. Chị tâm sự: vẽ khăn quàng cổ chị có cảm giác như đang thả hồn bay bổng theo những sắc màu. Mỗi chiếc khăn là một tác phẩm nghệ thuật thật sự mà chị dành tặng bạn bè và những người thân yêu. Mỗi chuyến về Việt Nam, chị mang theo rất nhiều khăn lụa làm quà lưu niệm. Bạn của chị ở Bỉ cũng rất thích những chiếc khăn xinh xắn, đầy màu sắc này. Đó cũng chính là động lực thôi thúc chị cầm cọ. Ngoài ra, thi thoảng, chị cũng vẽ tranh phong cảnh, tĩnh vật bằng chất liệu acrylic, sơn dầu hay phấn tiên.
 

Tác phẩm Tóc mây
 
Tranh của nữ họa sĩ Hoàng Thị Ngọc Ấn được ký bằng mẫu tự phương Tây và đóng con dấu phương Đông nói lên sự kết hợp giữa 2 nền văn hóa.Nhận xét về tranh chị, một tờ báo của Bỉ đã viết như sau: “Hoàng Thị Ngọc Ấn, một người Việt hiện đang sống ở Bỉ đã đem lại một luồng sinh khí cho tranh khi liên kết được Đông – Tây. Có một cái gì đó nhẹ nhàng tế nhị thoát ra từ bó hoa huệ tây tinh khiết và quầy dừa thơ mộng vẽ bằng màu nước trên nền lụa mượt mà”.
 
Lý Hạnh
 
Chia sẻ bài viết


ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP