ClockThứ Bảy, 23/01/2021 06:45

Hoàng Xuân Hiếu & logo SEA Games 31

TTH - Với hình tượng “bàn tay tự hào” thể hiện hình ảnh đoàn kết đi lên của nền thể thao nước nhà, tình yêu hòa bình của Việt Nam, logo do họa sĩ Hoàng Xuân Hiếu (giảng viên Khoa Sư phạm mỹ thuật, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế) thiết kế được chọn làm logo của sự kiện SEA Games 31 và Para Games 11 được tổ chức tại Việt Nam năm 2021.

Họa sĩ Hoàng Xuân Hiếu

Tại cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo), biểu tượng vui, khẩu hiệu và bài hát của Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 31 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á - ASEAN Para Games lần thứ 11 được tổ chức tại Việt Nam năm 2021, logo do họa sĩ Hoàng Xuân Hiếu thiết kế được chọn làm logo của hai sự kiện thể thao này.

Thể hiện hình tượng bàn tay tự hào, ý tưởng thiết kế của Hoàng Xuân Hiếu được lấy cảm hứng từ hình ảnh các VĐV đặt bàn tay phải lên ngực trái (phía trái tim và hình quốc kỳ), cùng vang lên bản Quốc ca trước mỗi lượt thi đấu, trước mỗi lần đứng trên bục vinh quang, là khoảnh khắc niềm tự hào dâng trào, đầy cảm xúc và thiêng liêng.

Bàn tay được tạo hình với đặc điểm các ngón tay được cách điệu bằng nét mềm pha lẫn nét zích zắc để biểu đạt đường đua, bục vinh quang, biểu đạt ý chí và sự mạnh mẽ, thể hiện tinh thần thể thao linh hoạt, biến hóa, tính cương, nhu, động, tĩnh của các VĐV. Tất cả các nét, mảng được tổ hợp hệ thống, hòa quyện vào nhau tạo hình “Bàn tay chữ V” (Việt Nam – victory) chiến thắng, đồng thời cũng chính là hình tượng “Cánh chim bồ câu bay lên”. Qua đó, truyền tải thông điệp về ý chí phi thường, khát vọng chinh phục và nghị lực vươn lên của tinh thần thể thao.

Logo SEA Games 31

Họa sĩ Hoàng Xuân Hiếu chia sẻ: Tôi chọn thể hiện hình tượng bàn tay vì đây còn là biểu tượng của sự gần gũi, bền bỉ, siêng năng và nỗ lực vượt qua mọi thách thức, giới hạn như bản thân các VĐV phải khổ luyện, trải qua nhiều chông gai mới đạt được đỉnh vinh quang. Hình tượng bàn tay đã tạo nên nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật thi, ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng của lòng nhân ái, tính nhân văn và ý chí cao thượng. Bàn tay được xem là biểu tượng mang ngôn ngữ quốc tế hóa.

Logo này cũng thể hiện triết lý: thể thao không phân biệt bạn là ai, bạn đến từ đâu, như bàn tay không phân biệt ngón ngắn, ngón dài, mỗi ngón tay sở hữu sức mạnh riêng. Thể thao không đơn giản chỉ để thi đấu, chinh phục khát vọng, lập kỷ lục, mà cao cả hơn là sự kiện hội tụ, giao lưu, thể hiện tinh thần đoàn kết, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau tỏa sáng, viết nên kỳ tích, lan tỏa năng lượng tốt đẹp, cùng hướng đến hòa bình được thể hiện qua hình tượng cánh chim bồ câu bay lên. Tất cả vì sự nghiệp thể thao, vì Đông Nam Á, vì thế giới hòa bình và hạnh phúc.

Cuộc thi sáng tác logo thu hút sự tham gia của 910 tác phẩm khắp cả nước và một số nước Đông Nam Á. Hoàng Xuân Hiếu dự thi hai tác phẩm (một logo nữa về biểu tượng hoa sen) và cả hai đều được lựa chọn trong 6 logo vào vòng chung kết. Các thiết kế của anh đều xoay quanh tình yêu và niềm tự hào được thể hiện bằng ngôn ngữ đồ họa hàm súc, ý nghĩa, toát lên tinh thần hân hoan chào đón của nước chủ nhà, truyền tải thông điệp tốt đẹp, hòa bình và hào khí quốc gia Việt Nam.

Họa sĩ Hoàng Xuân Hiếu quê ở Quảng Nam, tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Ngoài vẽ tranh, anh có niềm đam mê đặc biệt với công việc thiết kế logo. Anh đạt hơn 50 giải thưởng về thiết kế logo, trong đó có nhiều tác phẩm được chọn là biểu tượng của một số tỉnh, thành và các sự kiện lớn, như: Cần Thơ, Bắc Ninh, du lịch Cần Thơ, du lịch Cà Mau... Anh cũng thiết kế logo cho nhiều thương hiệu.

Theo họa sĩ Hoàng Xuân Hiếu, logo là “dấu hiệu đồ họa đặc biệt, cô đọng, tinh túy và đầy giá trị”. Anh luôn nỗ lực để tác phẩm thể hiện tinh thần sáng tạo, đóng góp và lan tỏa năng lượng tốt đẹp. Thiết kế logo khó ở chỗ, phải thể hiện ngôn ngữ đồ họa cô đọng nhất, đơn giản, dễ hiểu nhưng phải thể hiện sự tinh túy chiều sâu. Vì thế, người thiết kế phải hiểu hết tinh thần, giá trị để chuyển tải nó. Và thiết kế của Hoàng Xuân Hiếu luôn hướng đến sự tốt đẹp, lạc quan, tràn đầy sức sống, truyền tải được tình yêu quê hương, cái đẹp...

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần gũi thiên nhiên với biophilic design

Xu hướng thiết kế biophilic design chú trọng việc kết nối con người với các yếu tố từ thiên nhiên, tạo ra không gian chữa lành ngay tại nhà.

Gần gũi thiên nhiên với biophilic design
Cặp linh vật rồng khổng lồ chào đón Tết Giáp Thìn

Một cặp rồng với kích thước lớn - linh vật biểu tượng của năm Thìn đang được tạo hình trước sự tò mò của người dân lẫn du khách. Cặp rồng này được đặt tại không gian khoảng sân lớn đối diện cổng Trường Quốc Học trên đường Lê Lợi, TP. Huế.

Cặp linh vật rồng khổng lồ chào đón Tết Giáp Thìn
Nhà mới với vật liệu cũ

Theo đuổi xu hướng hoài cổ, nhiều người trưng dụng vật liệu cũ để xây dựng, làm lại căn nhà mới. Nếu biết cách sử dụng, thì cũ mà vẫn đẹp, không hề lạc hậu, cũ mà vẫn bền và cũ mà... mới.

Nhà mới với vật liệu cũ
Cá nhân hóa không gian sống

Cá nhân hóa kiến trúc nhà ở là một phương pháp thiết kế và thi công xây dựng nhà ở nhằm tạo ra một không gian phục vụ đúng nhu cầu có tính cá nhân hóa. Ở đó, gia chủ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc vì các không gian đúng gu thẩm mỹ và đáp ứng thói quen sinh hoạt của mình và gia đình.

Cá nhân hóa không gian sống

TIN MỚI

Return to top