ClockThứ Sáu, 26/06/2020 06:45

Hoạt động dịch vụ khởi sắc

TTH - Sau thời gian giãn cách do dịch COVID-19, hoạt động mua sắm, tiêu dùng đã có dấu hiệu tăng trở lại dù còn chậm so với thời điểm trước tết và cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng đẩy mạnh phát triển dịch vụ để tăng trưởng bền vững

Một trong 30 cửa hàng Vinmart được đầu tư ở Huế phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Ảnh: K.O

Hạ tầng thương mại phong phú hơn

Từ đầu tháng 5/2020, các chợ, siêu thị ở Huế nhộn nhịp trở lại. Hạ tầng thương mại được các doanh nghiệp (DN) đầu tư mở rộng.

Đến nay, toàn tỉnh có 10 siêu thị (2 siêu thị hạng I, 8 siêu thị hạng III); 3 trung tâm thương mại hạng III; 35 cửa hàng tiện lợi (30 cửa hàng Vinmart, 5 cửa hàng của DN khác). 

Mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đang được đầu tư, nâng cấp, cải tạo với tổng mức đầu tư các dự án (DA) khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó, DA “Đầu tư quản lý, khai thác chợ và Trung tâm thương mại Lăng Cô” của Công ty CP Thương mại Nam Việt đang xúc tiến các thủ tục đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng; DA công trình nâng cấp chợ Truồi-Lộc An (Phú Lộc) của Công ty TNHH Đầu tư Long Phụng có tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng; UBND xã Điền Hải (Phong Điền) đầu tư xây chợ Mới trên 4 tỷ đồng; huyện Phú Vang đầu tư cải tạo các chợ: giai đoạn 2 chợ Vinh Thái  2,667 tỷ đồng; nâng cấp chợ Trường Lưu 765 triệu đồng; sửa chữa đình chợ thị trấn Thuận An 463 triệu đồng...

Đến tháng 6/2020, đã có 7 chợ hoàn thành công tác chuyển đổi trên tổng số 38 chợ, đạt tỷ lệ 18,4% kế hoạch. Bảy chợ đã chuyển đổi gồm: chợ Tân Tô - xã Thủy Tân, chợ Lương Văn - phường Thủy Lương, chợ Tuần - xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy); chợ Hương Hồ - phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà); chợ Nước Ngọt - xã Lộc Thủy, chợ Nong - xã Lộc Bổn, chợ Vinh Hiền - xã Vinh Hiền (Phú Lộc).

Hệ thống siêu thị, chợ đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân tại các địa phương trong tỉnh; qua kết nối thời gian sau dịch COVID-19 đã tiêu thụ gần 70 nghìn gia cầm, chiếm 1,8% tổng đàn gia cầm hiện có; 1,24 tấn cá diêu hồng; 100kg rau má...

Tuy nhiên, đa số các địa phương còn lúng túng, thiếu chỉ đạo quyết liệt về công tác chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ. Hiện đang triển khai thủ tục chuyển đổi chợ An Lỗ, xã Phong Hiền. Ở Huế, chợ Cống, chợ Vỹ Dạ khả năng không còn chuyển đổi mô hình theo kế hoạch, đưa vào kêu gọi đầu tư ở vị trí mới do diện tích chợ mất đi thay vào DA mở rộng cầu Vỹ Dạ...

Tuy ảnh hưởng dịch COVID-19, song đến giữa tháng 6/2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội toàn tỉnh ước đạt 19.668,6 tỷ đồng, giảm 5,65% so với cùng kỳ; đạt khoảng 40,9% kế hoạch. Trong đó, kinh doanh bán lẻ hàng hóa đạt 16.068 tỷ đồng, chiếm 81,7% và giảm 0,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.277,2 tỷ đồng, chiếm 11.6% và giảm 37,0%.

Sau thời gian giãn cách do ảnh hưởng COVID-19, lượng khách đến cửa hàng hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm tăng trở lại. Ảnh: K.O

Tín dụng đang nhộn nhịp trở lại

Tín hiệu khởi sắc sau thời gian dịch COVID-19 của tín dụng là việc huy động vốn toàn địa bàn 6 tháng ước đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm (thấp hơn so mức tăng cùng kỳ là 7% do ảnh hưởng dịch bệnh nên nguồn tiết kiệm dân cư giảm và nhiều tổ chức rút tiền để thực hiện chi trả hỗ trợ xã hội theo Nghị quyết 42/NQ-CP cũng như rút tiền để trang trải cho các hoạt động đầu tư kinh doanh bắt đầu có tín hiệu trở lại).

Tổng dư nợ cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 6/2020 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 1,9% so với đầu năm (thấp hơn so mức tăng cùng kỳ là 5,2% chủ yếu các khoản vay ngắn hạn giảm do tình hình kinh doanh suy giảm).

Các lĩnh vực ưu tiên cho vay theo chủ trương của Chính phủ: Dự ước đến cuối tháng 6/2020, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn đạt 10.200 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm; DN nhỏ và vừa đạt 11.300 tỷ đồng, giảm 4,6%; tín dụng đối với xuất khẩu đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 9,4%; công nghiệp hỗ trợ đạt 430 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm.

Tỉnh cũng đã triển khai hỗ trợ đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.Tính đến ngày 15/5/2020, có 21/24 chi nhánh ngân hàng thương mại và 04/7 quỹ tín dụng nhân dân đã thực hiện hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại; một số đơn vị còn lại đang tích cực thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Kết quả: Có 675 khách hàng (trong đó 94 DN) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, dư nợ được cơ cấu là 673,1 tỷ đồng. Có 495 khách hàng (trong đó 205 DN) được miễn, giảm lãi với dư nợ được miễn, giảm là 2.106,6 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1,8 tỷ đồng. Có 1.075 khách hàng (trong đó 343 DN) được cho vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay từ khi công bố dịch đến ngày 15/5/2020 là 3.499,6 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 3.065 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện gia hạn nợ đối với 108 khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với dư nợ là 1,82 tỷ đồng.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều người dân cắt giảm mức chi tiêu nên doanh thu của các cơ sở dịch vụ vẫn còn ở mức thấp so với thời điểm trước tết và cùng kỳ năm trước. Song đại diện nhiều đơn vị dịch vụ thương mại cho rằng, với các chính sách kích cầu thị trường tiêu thụ của nhà nước, các giải pháp khuyến khích tiêu dùng của DN, sức mua trên thị trường nội địa ở Thừa Thiên Huế sẽ sớm tăng trưởng trở lại.

ĐĂNG  NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Hoạt động nhà máy tháng 3 của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng

Kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 3 đã mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng, mang lại sự lạc quan cho các nhà hoạch định chính sách ngay cả khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản đối với nền kinh tế nước này.

Hoạt động nhà máy tháng 3 của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng
Return to top