ClockThứ Ba, 08/11/2016 13:51

Học đi con!

TTH - Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo. Ngày giáp hạt, cơm độn khoai, độn sắn là thường, có khi không gạo, chỉ ăn toàn khoai, sắn. Nghèo nhưng hiếu học và học giỏi.

Ngày xưa, người dân quê tôi thấm thía, chỉ có dùi mài kinh sử mới mở mày mở mặt với đời! Trời không phụ lòng người. Nhiều người đỗ đạt cao, có nhà cả mấy thế hệ đều đỗ, và trở thành bậc hiền tài, làm rạng danh cho vùng quê “một nắng hai sương”, vất vả nhọc nhằn. Vùng đất này còn lưu truyền đôi câu đối thật hay:

Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa

Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà.

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong trong truyền thống hiếu học muôn đời đó. Trước mắt vẫn là cái nghèo… Chung quanh tôi, trẻ con lớp một đã phải giữ em cho cha mẹ đi làm; buổi trưa đứng bóng, buổi chiều tắt nắng bố mẹ mới về. Lớn lên một chút đã biết thổi cơm, quét nhà. Học cấp hai đã biết đi cắt cỏ chăn trâu, lên rừng vơ lá thông về đun bếp. Học lên cấp ba, nhiều đứa đã thành thạo công việc nhà nông, còn việc lên rừng hái củi thì không thua kém gì tiều phu. Việc học đi đôi với việc làm. Khi vào mùa cày cấy, gặt hái thì phải tập trung hầu như toàn bộ thời gian cùng cha mẹ, làng xóm không quản ngày đêm, khuya sớm làm cho kịp thời vụ. Việc học phải “tranh thủ”: Học trên đường đến lớp. Còn khi nông nhàn, tha hồ mà học. Sau này, các anh, các chị làm công tác xóa mù chữ, bổ túc văn hóa chỉ đạo bà con lao động thực hiện phương châm “bận ít học nhiều, bận nhiều học ít”. Điều đó, phải chăng được gợi ý từ những vùng quê nghèo hiếu học?

Riêng tôi, khi bước chân vào cấp một, gia đình chỉ có hai mẹ con. Mẹ tôi đã nhiều tuổi, mắt không còn tỏ. Nhớ những buổi tối, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa xong, tôi thường ra sân chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm. Khi thấy chơi nhởi đã vừa, mẹ tôi thường nhắc: “Vào học đi con”, hoặc là “Học đi con”… Nghe mẹ nhắc, không ai bảo ai, đứa nào về nhà đứa nấy. Còn tôi thì ngồi vào bàn học bài. Mẹ không đến cạnh bàn xem tôi học thế nào? Bởi nếu có đến xem, bà cũng không biết tôi học gì, làm gì; vì mắt đã mờ, “trình độ học vấn” của bà chỉ mới thoát nạn mù chữ. Nhưng không vì thế mà tôi chỉ ngồi chơi, hoặc làm những việc linh tinh, mà ngồi học thật. Ở gian nhà đằng kia, thấy tôi đã ngồi vào bàn học bài, mẹ tôi mới yên tâm quay tơ dệt lụa. Và tôi biết mẹ vui, vui vì thấy con đã ngồi ở bàn học bài. Hai ngọn đèn dầu (một ở bàn học của tôi, một ở chỗ quay tơ của mẹ) sáng mãi đến khuya. Cứ như thế, các lứa chúng tôi lớn lên, trưởng thành, dẫu chưa là “ông nọ bà kia”, nhưng là người có học vấn, có nhân cách, được xã hội gọi bằng thầy (thầy giáo, thầy thuốc…).

Hiện nay, ở các vùng quê xa, có khá nhiều em gặp khó khăn tưởng như không vươn lên được, nhưng đã vượt qua thử thách để khẳng định mình trong xã hội. Tiếc rằng, vẫn còn nhiều em thuận lợi đủ bề, nhưng ỷ lại, chơi bời lêu lổng, rồi học hành bết bát, thậm chí sa vào vòng tội lỗi… Thấy thế, lại nghĩ đến ngày xưa! Lòng buồn vui lẫn lộn…

NGUYỄN XUÂN CHÂU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Top 5 mẫu balo nữ đi học cấp 1 cấp 2 cấp 3 đẹp và địa chỉ mua tại Hà Nội TP HCM

Balo nữ đi học không đơn thuần chỉ là vật dụng đựng các đồ dùng cá nhân đi học mà nó còn là phụ kiện thời trang cho các bé gái hiện nay. Vậy nên lựa chọn balo đi học nữ cấp 2 cấp 3 và cấp 1 mẫu nào? Địa chỉ mua balo đi học chất lượng, giá rẻ tại Hà Nội và TPHCM ở đâu? Hãy cùng Vietmadeco tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Top 5 mẫu balo nữ đi học cấp 1 cấp 2 cấp 3 đẹp và địa chỉ mua tại Hà Nội TP HCM
Return to top