ClockThứ Tư, 31/01/2018 14:27

Học gì để ra trường có việc làm mới quan trọng

TTH - Đề thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ như thế nào, học ngành gì để sớm có việc làm, đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là phù hợp? Những kỹ năng trước cuộc cách mạng 4.0?

Tạo việc làm, giữ chân đảng viên trẻTổ chức phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tậtPhong Điền: Tổ chức Ngày hội việc làm – xuất khẩu lao động lần II, năm 2017Định hướng và cơ hội việc làm cho sinh viên ngành chăn nuôi thú yPhát triển mạng thông tin việc làm

Tất cả những thắc mắc đó được học sinh khối 12 trên địa bàn TP. Huế và các huyện, thị xã lân cận đặt ra với các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong và ngoài tỉnh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Báo Tuổi Trẻ, Sở GD&ĐT cùng nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước tổ chức.

Học sinh khối 12 xem phần giới thiệu ngành nghề thực tế mà Trường CĐ Du lịch Huế đang đào tạo

Nên cân nhắc việc chọn ngành, đăng ký nguyện vọng

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT bắt đầu thắc mắc bằng những vấn đề cơ bản nhất của kỳ thi THPT quốc gia 2018. 2018 là năm thứ 4 Bộ GD&ĐT chủ trương sử dụng kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT, dựa trên kết quả đó để học sinh xét vào ĐH, CĐ. Năm 2018, không có sự xáo trộn môn thi, chỉ có nội dung kiến thức được mở rộng hơn trước, ngoài kiến thức lớp 12 là chủ yếu còn có một phần nội dung kiến thức lớp 11. Ông Hùng đặc biệt lưu ý đến việc điền thông tin đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển của thí sinh, tránh việc khai thông tin sai, sẽ gây khó trong quá trình thi, xét tuyển.

Sau phần "vô đề" của ông Hùng, một thí sinh hỏi năm nay việc không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh có tiếp tục được áp dụng? Kinh nghiệm từ kỳ tuyển sinh năm trước, theo các giáo viên, thí sinh nên đăng ký mấy nguyện vọng là phù hợp? Trả lời băn khoăn này, PGS. TS. Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh giải đáp, khi xét tốt nghiệp là xét theo bài thi, nhưng khi đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh phải đăng ký theo tổ hợp môn xét tuyển. Do vậy, học sinh nên lưu ý chọn những tổ hợp xét tuyển, tham khảo điểm xét tuyển của trường đó qua các năm. Ngoài ra, đăng ký nhóm trường, ngành phù hợp với năng lực học tập, sở thích, đừng đăng ký tràn lan vừa tốn công sức, vừa tốn thời gian. Ông cũng lưu ý thí sinh cân nhắc điều kiện gia đình và năng lực học tập của mình, có thể chọn học trường địa phương.

Ông Vũ Văn Hà (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội) cân nhắc, hiện nay thí sinh có rất nhiều phương án lựa chọn bởi số lượng trung tâm đào tạo cả công lập - tư thục đều rất đông. Tuy nhiên, học cái gì để ra trường có việc làm ngay là điều quan trọng mà thí sinh cần kỹ lưỡng cân nhắc. Ông Hà nhắn nhủ thí sinh không nên quá quan trọng học nghề hay học ĐH, CĐ, miễn sao học xong ra trường là có việc làm.

Học sinh khối 12 tìm hiểu thông tin ngành nghề đào tạo tại chương trình

“Không phải chọn 4 năm mà cho 40 năm”

Về thắc mắc ưu đãi, học bổng và học phí của Ngọc Anh (Trường THPT Phan Đăng Lưu, Phú Vang), Ths. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho biết, chi tiết học phí, học bổng từng trường, từng ngành nghề, thí sinh nên truy cập vào trang web của trường muốn thi để tìm hiểu thật cụ thể. “Riêng với trường chúng tôi, ngoài quỹ học bổng tiền mặt hàng tỉ đồng còn có những chính sách, học bổng toàn phần, bán phần, học bổng liên kết với các trường đại học trên thế giới... Do vậy, thí sinh khi trúng tuyển sẽ có cơ hội rất cao tiếp cận với học bổng”, Ths. Tiến cho hay.

Nhiều câu hỏi liên quan đến ngành nghề kinh tế, trong đó muốn nắm rõ những ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Các chuyên gia rất phấn khởi khi nhận được sự quan tâm vấn đề này và khuyên cần xác định cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là gì. Đó là quá trình chuyển đổi nền công nghiệp sang quá trình tiếp cận dựa trên nền tảng số hóa, nền tảng internet vạn vật và trí tuệ con người. Người học cần nắm bắt được xu thế mới mà việc cần thiết là thay đổi năng lực cá nhân, các kiến thức về mặt kỹ thuật, quản trị, khả năng lãnh đạo sản xuất; đòi hỏi năng lực của các em đa dạng hơn, năng lực ngoại ngữ cao hơn, am hiểu về văn hóa, và điều cần nhất là khả năng lãnh đạo.

Một số ngành “hot” luôn nhận được sự quan tâm là quân đội và công an. Tất cả những câu hỏi liên quan được học sinh đặt ra như điều kiện dự tuyển, quy trình làm xét hồ sơ, lý lịch sơ tuyển... được Ths. Lê Mạnh Hùng, trợ lý tuyển sinh Học viện Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) giải đáp cặn kẽ, đầy đủ. Theo Ths. Hùng, về cơ bản các quy định tuyển sinh vào khối ngành quân đội, công an giống các năm trước. Các trường này vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. “Hiện, chỉ tiêu cụ thể của khối ngành này đã được các trường trình lên, xin ý kiến Bộ GD&ĐT và Bộ Quốc phòng”, Ths. Hùng cho hay.

Trước con đường cho tương lai của nhiều học sinh, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT đúc kết: “Hãy chọn ngành cho chính bản thân mình, đừng chọn theo bạn bè. Khi chọn ngành không phải chọn cho 4 năm mà cho 40 năm. Không phải chọn vào trường mà vấn đề chọn để ra trường. Không phải chọn để học mà còn chọn để làm”.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top