ClockThứ Năm, 11/10/2012 13:35

Học lái xe không chỉ để “xóa mù”

TTH - Chưa bao giờ, phong trào học lái xe ô tô lại sôi động như hiện nay. Ngoài những người học coi đó như một cái nghề, phần lớn là để tự điều khiển phương tiện cá nhân, hoặc quan niệm như để “xóa mù” trong đời sống hiện đại. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện thêm nhiều cơ sở đào tạo, sát hạch; thay đổi hình thức đào tạo để đáp ứng nhu cầu.

Mở rộng quy mô đào tạo

Có thời điểm, số người làm hồ sơ đăng ký học lái xe ô tô ở trên địa bàn lên đến 4.500 người; trong khi lưu lượng đào tạo một khóa bình quân khoảng 500 học viên, buộc người có nhu cầu học bằng lái phải chờ đợi. Trước nhu cầu học lái xe ô tô ngày một tăng cao, nhiều cơ sở đào tạo lái xe ô tô được hình thành. Tính đến nay, trên địa bàn có 3 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 2 trung tâm sát hạch cấp bằng lái xe.

Tập lái ở Trung tâm sát hạch Trường trung cấp Nghề số 23 Bộ Quốc phòng

Thành lập từ năm 1990, đến nay, Trường trung học GTVT Huế đào tạo hàng chục ngàn lái xe ô tô. Riêng giai đoạn từ năm 2006 đến nay, trường đào tạo hơn 15.000 lái xe ô tô. Số lượng học viên ngày mỗi đông, từ hơn 22.000 học viên năm 2008 lên hơn 30.000 học viên hiện nay; trong đó, số học viên theo học lái ô tô chiếm phần lớn. Cùng với Trường trung học GTVT Huế, Trường trung cấp Nghề số 23 Bộ Quốc phòng sau 18 tháng đi vào hoạt động đã đào tạo được hơn 2.430 học viên lái xe hạng B và C. Mới đây, trường khánh thành, đưa vào sử dụng trung tâm sát hạch rộng 4 ha tại phường Thủy Phương (Hương Thủy). Đây là trung tâm sát hạch thứ 2 ở Thừa Thiên Huế, cùng với Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Thừa Thiên Huế của Trường trung học GTVT Huế, đảm bảo cho việc học tập và thi các hạng phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn. Thiết bị chấm thi trong các trung tâm sát hạch đều được vi tính hóa, tự động hóa, hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp của con người.

Trong quá trình đào tạo, các cơ sở đào tạo lái xe thường xuyên đổi mới phương tiện thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, áp dụng nhiều phương pháp dạy học tiên tiến để giúp người học dễ tiếp thu, rèn luyện kỹ năng thao tác vận hành. Công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô được thực hiện tại trung tâm sát hạch, với tỷ lệ đạt trên dưới 80%... Riêng 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh cấp mới hơn 5.725 giấy phép lái xe ô tô.

Đôi điều về chất lượng

Trong thực tế, có nhiều người học ra trường, được cấp bằng lái xe hẳn hoi nhưng không điều khiển phương tiện được. Trường hợp anh PT xã Quảng Phú (Quảng Điền) là một ví dụ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, gia đình muốn anh có một cái nghề để sinh nhai, cho đi học lái xe. Sau khi có bằng rồi, anh đi phụ lái xe Huế - Đông Hà cho một người quen nhưng thấy anh run quá, nhiều chủ xe không dám giao xe cho anh điều khiển. Giờ đây, bằng lái anh chỉ biết làm kỷ niệm. Đến hạn, anh vẫn đi khám sức khỏe đến Sở GTVT để đăng ký lại nhưng công việc chính của anh bây giờ là thợ hồ. Tương tự, anh NĐK ở làng bên cũng học bằng lái xe ra gần chục năm nay nhưng cũng không lái được, phải chuyển sang nghề xây dựng.

Để có bằng lái xe hạng B phải mất 3 tháng, hạng C thì mất 6 tháng thay vì 9 tháng như trước đây. Ông Trần Quang Bảo, Trưởng phòng Quản lý xe và lái xe Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho biết: Quy định thời gian đào tạo lái xe như hiện nay là phù hợp, sau khi ngành GTVT đã nghiên cứu các mô hình đào tạo ở các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặt khác, so với trước thì điều kiện, cơ sở vật chất hỗ trợ cho công tác đào tạo hiện nay hiện đại hơn gấp nhiều lần, nên học viên rất dễ tiếp thu. Trường hợp học xong có bằng rồi nhưng không điều khiển phương tiện trên đường được chỉ là hi hữu; có thể do tâm lý không thoải mái trong công việc... Ông Nguyễn Xuân Chiểu, người có thâm niên trong nghề lái xe đường dài cũng thừa nhận: Hiện nay, chỉ cần học 3 tháng là điều khiển phương tiện được rồi, bởi trong xe thời nay có nhiều thiết bị hỗ trợ, dễ lái hơn xe thời trước rất nhiều...

Nhiều người cho rằng, tâm lý chung người học lái xe thường nôn nóng muốn có bằng, ít quan tâm mình được tập lái bao nhiêu km đường trường. Khi sát hạch cấp giấy phép lái xe thì chỉ chạy thử 2 km đường trường, không đủ các tình huống để kiểm tra. Chính vì thế, khi được cấp bằng lái, đủ điều kiện để điều khiển ô tô nhưng có nhiều trường hợp không điều khiển phương tiện trên đường được hoặc xử lý kém gây ra tai nạn giao thông.

Mục đích cuối cùng của quá trình đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe là để tham gia giao thông được an toàn, không gây hại cho người khác. Cùng với kỹ năng thao tác vận hành, lái xe phải biết phán đoán và xử lý tình huống trên đường, nên cần có sự quan tâm rèn luyện từ người dạy và người học, để khi ra trường đạt được kết quả như mong muốn.

Đặng Thành

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top