ClockThứ Năm, 16/09/2010 14:13

Học mà lại cứ như chơi

TTH - Nhớ chuyện đầu năm ngoái, hôm ngồi xem chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, khi Hồ Ngọc Hân xuất sắc đoạt vòng nguyệt quế, anh bạn tôi là một doanh nhân khá giàu có ở Huế bỗng buột miệng: “Chao ơi, giá mình cũng có được thằng con trai như thế thì sướng biết bao. Tiền bạc, đây chả cần”. Nghe chuyện, tôi bất giác giật mình, lại ngẫm nghĩ, rồi thấy đồng cảm với anh. Cuộc đời có nhiều mục tiêu phấn đấu, như anh bạn của tôi chẳng hạn, giàu có và sung túc nhưng vốn cũng từng ôm hận bởi chuyện học hành, nhiều lần lều chõng ứng thí nhưng cổng trường đại học cho đến bây giờ vẫn là cái gì xa vời. Vậy nên, bao ước mơ đèn sách anh dồn cả vào cho con cái. 

Tôi cũng từng là học sinh chuyên văn thuộc thế hệ đầu tiên của Thừa Thiên Huế, nhưng để có thể tự nhận mình là một học sinh giỏi thực thụ thì không dám. Cách cho điểm có vẻ như chạy theo quá nhiều vào thành tích như hiện nay thì tiêu chí này chưa phản ánh đúng thực chất. Vậy nhưng, cuộc sống lại có cách thẩm định của riêng nó. Người đời vẫn có thể dễ dàng nhận diện ra chân dung của những học trò giỏi thực thụ. 

Nhớ thời đi học trung học, vào những năm đầu 80 của thế kỷ trước, tôi có anh bạn thân là Nguyễn Văn Hiệp, như tôi từng có bài viết đề cập, là niềm tự hào của bao thế hệ học sinh chuyên văn chúng tôi. Khỏi bàn cãi chi nhiều về thành tích học tập của Hiệp khi anh là chủ nhân của giải nhì (giải cao nhất) trong các kỳ thi học sinh giỏi văn toàn quốc vào năm cuối cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Cả sau này nữa, Hiệp đã tạo được thương hiệu riêng, đã thi là dẫn đầu. Giá như thời ấy cũng có cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, biết đâu Thừa Thiên Huế có thêm một tiền bối của Hồ Ngọc Hân! Nghĩ vậy nhưng tôi chỉ muốn nhấn mạnh ở đây về tư duy, phương cách và phong thái học tập của anh.
 

Đinh Anh Minh, người đem vinh quang cho Quốc Học - Huế với huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế 2010. Ảnh: Tuệ Ninh.

Chơi thân, tôi cảm nhận chuyện học đối với Hiệp là “cách học như chơi” nhưng đó lại là cách “chơi mà học”. Học sinh từ quê lên phố, Hiệp không hề khớp mà nhanh chóng hoà nhập ngay vào các sinh hoạt học tập, vui chơi. Năm đầu, chuyên văn và chuyên toán Bình Trị Thiên (cũ) học chung, Hiệp chơi với các bạn bên toán, cùng giải toán học sinh giỏi và tất nhiên là học giỏi toán. Chả thế nên thầy giáo Nguyễn Đình Lâu có ý định chuyển Hiệp sang lớp toán, “may mắn” cho chuyên văn chúng tôi là đã không thành. Hiệp học nhanh, nhớ nhanh, nhớ lâu, nhớ tổng quát, rành mạch đâu vào đó, thành ngăn, thành nếp. Học ngoại ngữ, Hiệp học được một vận dụng vào cuộc sống hai ba, biết một từ luận ra được cả chục từ tương đồng, khác xa chúng tôi cũng mang tiếng là học sinh giỏi. Tôi nể nhất ở Hiệp là khả năng đọc sách đến mức kỷ lục. Tiểu thuyết 4 tập Những người khốn khổ của Victor Hugo, bọn tôi nghiềm ngẫm cả tháng chẳng xong, lại đọc trước quên sau nhưng Hiệp chỉ cần một tuần là xong, lại nhớ đến từng chi tiết. Anh chịu khó đọc nhiều loại sách khác nhau và đặc biệt có thú vui sưu tập sách. Thời khó khăn, con nhà nghèo ở quê, vậy mà mới chỉ là học sinh lớp 9 mà Hiệp đã có tủ sách riêng có đến mấy trăm cuốn. Sách mua về, Hiệp bao bọc cẩn thận, lấy gỗ làm khuôn dấu đóng vào đó làm tín hiệu riêng. Có lẽ đối với tôi, Hiệp như một minh chứng sinh động cho câu nói nổi tiếng của một bậc hiền triết: “Mọi cái đối với con người đều không xa lạ với tôi”. Anh học giỏi, chơi thể thao cừ và hình như ham chơi đủ thứ. Nhớ mấy năm sau này, khi đã là sinh viên của Trường đại học tổng hợp Hà Nội (cũ), Hiệp học võ với thầy giáo Nguyễn Văn Dũng ở Huế. Dịp hè hay Tết về quê, Hiệp tranh thủ trả bài, nhập thêm bài mới. Có lần, tôi xem anh múa bài quyền khó, người bình thường cả tháng trời mới lĩnh hội hết, hỏi Hiệp chỉ nghe nói vắn tắt “Mới tập dăm ba hôm”. Mức này thì cũng như tôi, nhiều người cũng phải phải chào thua. Ở Huế, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với anh. Tôi cũng chẳng hề ngạc nhiên chi khi biết tin Hiệp lấy bằng tiến sĩ Ngôn ngữ học khi chưa tới 25 tuổi và được phong hàm Phó Giáo sư vào loại trẻ nhất nước khi mới 38 tuổi.
 
Cũng vào thời tôi học phổ thông, có một người cũng thật đáng nhớ là anh Đoàn Công Huynh, học trên một lớp. Thành tích học tập của Huynh lúc đó không nổi trội như Hiệp nhưng cũng tạo được ấn tượng bởi sự đa tài, bởi khả năng hội nhập tốt và phong cách “học mà cứ như chơi”. Anh Huynh vào chuyên văn muộn, đến năm lớp 11 mới là học sinh của khối chuyên văn Bình Trị Thiên (cũ) nhưng đã nhanh chóng khẳng định được vị thế ở môn học này mà cũng như Hiệp, trước đó anh vẫn còn do dự, chưa dám dấn thân. Tôi ở cùng quê với anh Huynh. Mỗi lần nhớ đến vị Tổng biên tập đương nhiệm của Báo Tiền Phong này, trước đó không lâu là Tổng biên tập của Báo Sinh Viên và Hoa Học trò, tôi lại nhớ đến hình ảnh một cậu bé thư sinh, ngày mùa đi ra đồng, cũng nhổ cỏ, cũng tát cá đồng lam lũ mà cứ như một con cái nhà giàu của ai ở phố về. Nhớ nhất là sau ngày giải phóng là phong trào chơi bóng bàn. Tụi nhỏ chúng tôi mê lắm, lấy ván đẽo thành vợt, đánh không áp phê như hàng thiệt nhưng cũng bõ bèn giải toả cái sự thèm của con cái nhà quê thời buổi khó khăn. Tôi vẫn nhớ đến cái vợt của anh Huynh tự chế và xem đó như biểu hiện của một năng lực sáng tạo và thích nghi tốt với hoàn cảnh. Nó không thô kịch như của chúng tôi. Sau này khi đã là sinh viên của Trường đại học Sư phạm Hà Nội I, tôi được biết Huynh là một cây văn nghệ và là nhà tổ chức có hạng các sự kiện. Lúc rảnh rỗi vào thăm quê, thỉnh thoảng vẫn bặt gặp anh trong ban nhạc của những đám cưới ở làng. Tôi vẫn nghĩ Đoàn Công Huynh hôm nay vững vàng trong vai trò Tổng biên tập của một tờ báo thuộc loại hàng đầu quốc gia cũng là nhờ ở con người này đã hội đủ nhiều điều kiện, tất nhiên có cả những yếu tố ngoài chuyện học giỏi.
 

Ngô Bảo Châu (trái), niềm tự hào của Việt Nam. Ảnh: 24h.com

Với Hoàng Ngọc Thạch, giải ba Học sinh giỏi quốc tế của Thừa Thiên Huế, tôi thuộc vào hàng cha chú. Cũng là một sự hữu duyên, tôi biết và quen Thạch vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 khi tôi là đã ngoài 30 tuổi đăng ký theo học lớp ngoại ngữ ban đêm ở một trung tâm ngoại ngữ. Cùng học có anh Dương Văn An, hiện là Bí thư Trung ương Đoàn. Thạch lúc đó đang học lớp 12 tạo ấn tượng bởi sự năng động và tự tin hiếm có. Cu cậu là chuyên gia khơi sự các trò chơi trong lớp, dù đây là lớp học ban đêm với nhiều loại học trò thuộc các thế hệ khác nhau. Bao giờ Thạch vẫn là người to mồm và nổi trội nhất. Có lần cậu khoe với tôi, là thủ môn chính của Trường Quốc Học. Vào giờ học lại thấy Thạch luôn xung phong. Thời điểm đó, khả năng tiếng Anh của Thạch còn nhiều hạn chế, đọc cũng lắm va vấp, nhưng mặc kệ sai đâu sửa đó, gần như chỉ một mình cậu đối đáp với cô giáo. Thạch đạt giải học sinh giỏi quốc tế rồi đi du học sau đó. Tôi mừng nhưng cũng không quá bất ngờ…
 
Học giỏi là niềm vui và là ước mơ của bao người. Quan sát những người bạn học giỏi, tôi cảm nhận một điều rất thú vị, rằng đối với họ học tập vừa là công việc, cũng vừa là một thú vui. Họ là những người thông minh. Họ học ít lại hiểu nhiều, học một điều suy ra được nhiều điều khác để rồi biết được cách vận dụng khéo léo vào việc học tập và công việc trong cuộc sống. Chính vì chủ động trong lĩnh hội và nắm bắt được kiến thức nên công việc học tập như một cuộc khám phá vui. Kiến thức bao trùm nhiều lĩnh vực nên tư duy đa dạng và nhiều chiều, không hề có sự gò bó. Những học trò giỏi còn là những người tự tin, biết cách vượt qua chính mình, vượt lên những mặc cảm để hoà nhập vào môi trường và hoàn cảnh. Tiếp thu nhanh, vận dụng tốt, điều quan trọng hơn là họ biết định hướng và có khả năng chuẩn bị tốt những hành trang cho những bước đi lâu dài để lập thân, lập nghiệp trong cuộc đời. Rõ ràng, kiểu tiếp cận đó khác xa với công việc học tập của học sinh được xem là khá nặng nề hiện nay. Sách vở nhiều, thầy cô giáo không thiếu, tiền của đầu tư cho việc giáo dục của mỗi gia đình và xã hội là rất lớn nhưng điều quan trọng nhất là việc tạo ra một môi trường thoáng đạt để có thể khích thích, khơi dậy trong mỗi học sinh sự đam mê và sáng tạo thì lại rất thiếu. Con cái học theo ý thích, đôi khi rất kỳ quặc của bố mẹ. Những giờ học thêm rất nhiều, kín mít lịch trình nhưng suy cho cùng là hình thức học trước, học đón nên dễ tạo nên sự ỷ lại nhàm chán trong học tập. Môi trường và không gian sáng tạo dành cho việc phát triển tư duy không thấy có. Học sinh học theo những lập trình có sẵn mà thiếu đi tính sáng tạo cần thiết. Thói quen đọc sách không còn nhiều bởi nhiều lý do khác nhau.
 
Trong một bài trả lời phỏng vấn, GS Toán học Ngô Bảo Châu, một cựu học sinh chuyên toán của nước ta, từng đoạt danh hiệu Học sinh giỏi toán quốc tế, khi được hỏi nếu được giao trọng trách đào tạo người tài cho đất nước sẽ ưu tiên chọn giải pháp nào, đã không ngừng ngại bảo rằng “cái cần nhất là thổi lại cái tinh thần hiếu học của con người Việt Nam”. Người có công trình khoa học vừa được Tạp chí Time xếp là một trong 10 phát minh khoa tiêu biểu nhất năm 2009, ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng toán học danh giá nhất trên thế giới- giải thưởng Fields, cho rằng cái tinh thần này đã bị mai một ít nhiều rồi. Cần phải đặt lại việc học tập lên vị trí cao nhất trong môi trường nhà trường. Làm sao để con em ta biết yêu việc học một cách vô tư, độc lập với chuyện miếng cơm manh áo, độc lập với cái mong ước của cha mẹ là con mình trở thành bác sĩ, kỹ sư luật sư... Tôi vẫn nghĩ, học sinh giỏi như những mầm ươm tốt. Để từ mầm xanh tốt phát triển thành cây khoẻ, có nhiều hoa trái xum xuê cần đến nhiều yếu tố, trong đó không thể bỏ qua là sự phát hiện, công chăm sóc của người trồng bên cạnh môi trường phát triển. Tôi lại tâm huyết với cách nói của Giáo sư Châu, rằng để cho những học sinh giỏi “yêu việc học một cách vô tư”. Và hình như, câu nói của Giáo sư Châu đã được minh chứng từ câu chuyện học tập của những người bạn học giỏi, như Hiệp, như Huynh hay Thạch chẳng hạn mà tôi vừa kể, họ học và thể hiện năng lực của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhẹ nhàng và vô tư, học mà như thể là chơi nhưng chơi để mà học, trong chơi có học…
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trưng bày tranh khắc gỗ từ hình mẫu trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn

Gần 60 tác phẩm tranh khắc gỗ được sáng tác lấy cảm hứng từ hình mẫu trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn bên trong Hoàng cung Huế đã được nhóm các họa sĩ trưng bày, giới thiệu đến công chúng vào sáng 19/3 tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (Bảo tàng Mỹ thuật Huế, 15 Lê Lợi, TP. Huế).

Trưng bày tranh khắc gỗ từ hình mẫu trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn
Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”

Chiều 17/3, tại Công viên 3/2, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đêm nhạc không thu phí “Nhớ Trịnh Công Sơn”.

Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”
Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Return to top