ClockThứ Tư, 08/04/2020 07:00

Học qua truyền hình, internet: Đừng để mạnh ai nấy học

TTH - Chương trình dạy trên sóng truyền hình hay qua internet trong thời gian qua đều được công nhận kết quả. Thông tin này khiến nhiều người âu lo khi có trường và học sinh vẫn chưa chủ động tiếp cận…

ĐH Huế sẽ phối hợp hướng nghiệp trên truyền hình cho học sinhKhông “giao khoán” cho học sinh khi học trên truyền hìnhHọc sinh khối 9 sẽ học qua truyền hình vào ngày 23/3

Học sinh lớp 12 ở TP. Huế học trên Internet

Thiếu tương tác nên khó tiếp thu

Được xem là địa phương triển khai học trên truyền hình khá sớm trong cả nước nên ngành giáo dục Thừa Thiên Huế không bỡ ngỡ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công nhận kết quả chương trình học trên truyền hình hay qua internet. Các bài học được bám sát theo chương trình tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giảm áp lực cho học sinh.

Tuy chương trình đã giảm tải để phù hợp trong tình hình nghỉ học kéo dài, nhưng không hẳn đã hết âu lo. Hạn chế của dạy học trên truyền hình là không có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên không nhìn được vướng mắc trực tiếp của học sinh trong quá trình dạy, không điều chỉnh tiến độ bài giảng. Nhiều học sinh cho rằng, giáo viên dạy nhanh, các em không theo kịp. Những học sinh có học lực trung bình, yếu gặp nhiều trở ngại khi học trên truyền hình… Chưa kể, học trên truyền hình đòi hỏi học sinh phải có ý thức học tập tốt.

“Tôi sẽ cố gắng cho con bổ sung kiến thức sau mùa dịch ở các trung tâm, vì nắm được hết kiến thức qua truyền hình là điều khó. Không khí học trên truyền hình “khá đơn điệu”, giáo viên độc thoại nên giảm tương tác của học sinh. Chắc chắn, kiến thức truyền tải đến học sinh chỉ đạt được 50% là tốt lắm rồi”, chị Định Thị Thủy, có con học lớp 12 cho biết.

Mỗi trường học mỗi kiểu

Học trên truyền hình chỉ dành cho học sinh khối lớp 9 và 12 để các em chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến. Theo quy định, giáo viên ở các trường phải xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh học theo bài, biên soạn bài tập, giao nhiệm vụ cho các em sau giờ học. Quá trình các em theo học, giáo viên cũng phải có biện pháp để tương tác, hỗ trợ giải đáp các thắc mắc. Thế nên, mỗi trường đều có cách dạy qua internet khác nhau, có trường giáo viên rất nhiệt tình trong việc tổ chức lớp học trên không gian mạng. Thậm chí, có lớp giáo viên quy định giờ ngồi vào bàn học, yêu cầu các em có trang phục nghiêm túc, bật webcam, chuẩn bị sách vở và làm bài tập để tạo cảm giác như những tiết học chính khóa.

Khảo sát sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, có khoảng 90% học sinh học trên truyền hình được các trường quản lý. Tuy nhiên, có trường học sinh vẫn chưa tiếp cận tốt với bài giảng trên sóng truyền hình hay qua internet do trình độ công nghệ của giáo viên và hạ tầng công nghệ thông tin ở các trường học còn hạn chế. Thế nên, không loại trừ khả năng đối phó của một số học sinh khi các trường chỉ yêu cầu chụp bài viết hoặc làm bài tập nộp cho giáo viên…

Đặt lại vấn đề hỗ trợ học sinh tiếp thu bài học trên sóng truyền hình, cô giáo Nguyễn Thị Thúy - dạy môn toán của Trường THCS Nguyễn Duy (Phong Điền), chia sẻ: Sau tiết học trên truyền hình, tôi thường dùng công cụ zoom để bổ trợ tiếp cho học sinh theo nhóm. Nhóm khá thì tôi bổ trợ nâng cao, còn nhóm yếu hơn tôi có biện pháp hỗ trợ cần thiết để các em hiểu bài. Cũng theo cô Thúy, chỉ có giáo viên mới hiểu được học sinh của lớp mình dạy có trình độ tiếp thu ra sao, có đồng đều hay không, mạnh và yếu ở điểm nào để bổ trợ cho các em sau tiết dạy.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Băn khoăn của phụ huynh về chuyện học sinh lĩnh hội kiến thức trên truyền hình chưa đầy đủ lại phải làm bài kiểm tra, liệu có đánh giá đúng năng lực của các em, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân cho rằng, các trường chỉ được kiểm tra đánh giá thường xuyên, kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút khi học từ xa. Điểm này được tính hệ số 1. Còn với việc kiểm tra định kỳ (1 tiết trở lên) và cuối học kỳ chỉ được thực hiện sau khi học sinh trở lại trường. Nhưng cũng không phải kiểm tra ngay mà phải có thời gian củng cố, ôn tập và bổ sung kiến thức còn thiếu hụt trong quá trình dạy học cấp bách cho học sinh.

Liệu ngành giáo dục có chế tài xử lý khi các trường thiếu sự quan tâm trong bổ sung kiến thức cho học sinh học trên truyền hình, ông Nguyễn Tân bày tỏ: Đây là chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là chính khóa. Ngành giáo dục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các trường. Cụ thể, yêu cầu các trường phải tổ chức theo dõi, phân công giáo viên bồi dưỡng học sinh theo các nhóm tùy theo khả năng tiếp thu của các em. Sở đã triển khai phần mềm E - learning về các trường nên việc dạy học trên internet sẽ không gặp nhiều khó khăn. Vai trò và trách nhiệm của giáo viên mới quan trọng nhất, nếu các trường không tổ chức bài bản thì mọi sự cố gắng của ngành đều không có ý nghĩa.

Chúng tôi sẽ đưa việc quản lý, bổ sung kiến thức cho học sinh học trên truyền hình, internet vào chỉ tiêu để đánh giá xếp loại của các trường trong năm học. Khi học sinh đi học trở lại, tất cả nhà trường phải dành thời lượng thích đáng để bổ trợ kiến thức đã dạy trên truyền hình nhằm đảm bảo mọi học sinh đều lĩnh hội được đầy đủ nội dung cốt lõi theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết thêm.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU):
Khoảng 2,6 tỷ người trên thế giới chưa có điều kiện tiếp cận Internet

Những lợi ích của công nghệ tiên tiến vẫn nằm ngoài tầm với của khoảng 2,6 tỷ người trên toàn cầu, những người vẫn đang chờ được kết nối Internet, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Doreen Bogdan-Martin cho biết; đồng thời vạch ra các kế hoạch của cơ quan này nhằm thu hẹp khoảng cách.

Khoảng 2,6 tỷ người trên thế giới chưa có điều kiện tiếp cận Internet
Chuyển đổi số đối với các đài phát thanh, truyền hình

Đây là chủ đề của hội thảo do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 7/7, tại TP. Huế. Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong Dự án “ Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” năm thứ 4 với sự đồng hành xuyên suốt của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Chuyển đổi số đối với các đài phát thanh, truyền hình

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top