ClockThứ Ba, 21/04/2020 07:40

Học qua truyền hình: Khó khăn với học sinh vùng lõm

TTH - Thừa Thiên Huế là 1 trong 14 tỉnh thành đầu tiên của cả nước triển khai việc dạy học qua truyền hình (TH) cho học sinh, chỉ sau Hà Nội và Đồng Nai. Tuy vậy, một số nơi ở vùng sâu vùng xa, vùng lõm, giải pháp này gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Học qua truyền hình, internet: Đừng để mạnh ai nấy họcHọc trên truyền hình hiệu quả, cần sự đồng lòng

Học sinh huyện vùng cao Nam Đông học trực tuyến do ảnh hưởng dịch COVID-19

Sóng “phủ” chưa đều

Việc dạy học qua TH trong thời gian nghỉ học để phòng tránh dịch COVID-19 được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT) thực hiện cho học sinh lớp 12, 9 và lớp 5. Các khối lớp khác cũng được các trường tổ chức dạy học trực tuyến (online). Thực tế, việc dạy học online và qua TH chỉ tương đối thuận lợi với học sinh thành phố và các vùng có điều kiện. Với các huyện miền núi, hình thức dạy học này không dễ.

Khảo sát của Phòng GD&ĐT Nam Đông, hộ gia đình có mạng internet ở khu vực trung tâm huyện mới chỉ đạt 50%, ở các xã, tỷ lệ khiêm tốn hơn nhiều. Tuy gần 100% hộ dân có tivi, toàn huyện phủ sóng TH 70-80%, nhưng không phải nhà nào cũng xem được bài giảng trên đài TH của tỉnh.

Hiện 2 xã Thượng Long và Thượng Quảng, 1 thôn của Hương Hữu 80-90% không có sóng TH do nằm ở vùng lõm.

Phó Giám Đốc Trung tâm Văn hoá thông tin và Thể thao (TTVHTT&TT) huyện Nam Đông - Nguyễn Tiến Dũng cho hay, nhiều gia đình ở đây dùng “chảo lậu” nên không “bắt” được đài TRT. Chưa kể rất nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc không có smartphone nên học qua TH, học trực tuyến đang “làm khó” học sinh các địa phương này.

Tại A Lưới, Giám đốc TTVHTT&TT huyện A Lưới- Hồ Văn Ngoan chia sẻ: Do máy thu phát lại sóng analog của đài huyện hư hỏng (từ 2017) nên A Lưới dừng phát kênh TRT từ đó đến nay. Tỷ lệ gia đình có ti vi bắt được sóng có thể học qua TH chỉ 45-50%.

Để giúp học sinh học tập trong thời gian giãn cách xã hội, Phòng GD&ĐT A Lưới chỉ đạo các trường đưa ti vi của nhà trường về nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà họp thôn… để các em học, đồng thời, cho học theo nhóm 2-3 em.

Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc TRT thông tin: “Việc tiếp sóng TRT, Nam Đông làm rất tốt nhưng có một bộ phận người dân không mở gói kênh địa phương nên không xem được. A Lưới, theo báo cáo, máy phát bị hỏng. Phú Lộc có lúc tiếp, lúc không nên khu vực từ Mũi Né đến đèo Phước Tượng đôi lúc không xem được TRT. Vùng Lăng Cô cũng không xem được".

Sớm có đầu thu cho hộ nghèo

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), toàn tỉnh còn 4.700 hộ nghèo và cận nghèo, gồm: A Lưới (8 xã), Nam Đông (11 xã), Phú Lộc (8 xã) và xã Hồng Tiến (trước đây, nay là Bình Tiến) của Hương Trà chưa được cấp phát đầu thu vệ tinh theo Đề án số hoá TH của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Đề án đã hoàn thành xong việc hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số tại Thừa Thiên Huế cho gần 19 ngàn hộ nghèo, cận nghèo của các huyện, thị xã, thành phố (năm 2019).

Theo chương trình của Bộ TT&TT, sẽ tiếp tục cấp đợt 2 với 4.700 đầu thu vệ tinh cho những hộ nghèo, cận nghèo thuộc các địa phương nói trên - nơi sóng vệ tinh chưa phủ đến, từ đầu tháng 4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội nên hàng hoá, vật tư của các công ty đấu thầu ở Hà Nội không thể đưa vào lắp đặt đúng kế hoạch”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Đức Hùng cho hay.

Để khắc phục, Sở TT&TT đã làm việc, gửi văn bản với Bộ TT&TT, chương trình Viễn thông công ích, theo đó, “phía chương trình hứa trong thời gian sớm nhất sẽ vào lắp đặt đầu thu vệ tinh cho số hộ nghèo, cận nghèo của Thừa Thiên Huế, phục vụ nhu cầu học tập của các em. Bà con yên tâm chờ đợi trong thời gian ngắn nữa thôi”, ông Hùng nói.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT, để khắc phục, tốt nhất, các em học sinh liên kết với nhau để học trong thời gian này. Đồng thời, sở cũng đã chỉ đạo các phòng văn hoá, đài phát thanh - TH các huyện, thị xã tuân thủ giờ phát sóng, tiếp sóng TRT.

“Chúng tôi đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc khắc phục kịp thời trạm thu phát sóng để tiếp sóng 100% đài tỉnh phục vụ bà con; cũng như cử cán bộ huyện, xã hướng dẫn cho người dân việc mua và sử dụng thiết bị đầu thu đúng để bắt sóng TH”, Giám đốc Đài TRT, ông Nguyễn Văn Du thông tin.

Về phía các địa phương, các giải pháp đang được phòng GD&ĐT triển khai để việc dạy học qua TH và online đạt kết quả.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện A Lưới - thầy Trần Duy Nguyên cho biết, sẽ vận động gia đình có phương tiện cho các em học theo nhóm, các trường đưa ti vi của trường về tại nhà dân cho học sinh học đồng thời, phân công giáo viên kèm cặp và đến khi đi học lại, các trường sẽ ôn tập, bồi dưỡng, củng cố kiến thức cho các em.

Bải, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn

Đây là thời điểm mà cả hệ thống chính trị trong tỉnh tăng tốc thực hiện công tác dân vận (DV), nhất là “DV khéo” để củng cố, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của người dân, hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn
Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa sinh viên gặp khó khăn

Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế vừa có thông báo về việc tăng học phí mới. Sau khi mức học phí được công bố, nhiều sinh viên tỏ ra bất ngờ vì cho rằng mức tăng quá cao và quá đột ngột.

Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa sinh viên gặp khó khăn

TIN MỚI

Return to top