ClockThứ Năm, 22/11/2018 13:15

Học sinh Cơ Tu khát khao đến trường và học giỏi

TTH - Không còn là sự bắt buộc, được đến trường đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số ở Nam Đông giờ đây là khát khao. Ngày càng có nhiều học sinh dân tộc Cơ Tu là học sinh giỏi, được tuyển vào trường chuyên, lớp chọn và thi đỗ đại học.

Hết lòng với học sinh vùng caoHỗ trợ hơn 360 triệu đồng cho học sinh dân tộc thiểu số126 suất học bổng cho sinh viên dân tộc thiểu số và sinh viên khó khănChế độ ưu đãi, miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên là người có công với cách mạng và con của họ

Học sinh Trường dân tộc nội trú huyện Nam Đông

Từ những con số

Toàn huyện Nam Đông có 11 xã và thị trấn thì đã có 6 xã là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Một thời, vì nhiều lý do, cả đời sống kinh tế khó khăn lẫn ảnh hưởng tập quán và tâm lý, việc học hành khá xa lạ với con em dân tộc ít người.

Con số 100% con em Cơ Tu trong độ tuổi được huy động vào tiểu học (TH), 98,2% được huy động vào trung học cơ sở (THCS) và 96,8% được huy động vào trung học phổ thông (THPT) trong năm 2015, tiếp tục được duy trì cho thấy khát khao đến trường của con em các xã vùng dân tộc Cơ Tu ở Nam Đông, như Thượng Quảng, Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Lộ, Hương Hữu và Hương Sơn. Cũng trong 5 năm qua, tỷ lệ học sinh dân tộc ít người bỏ học chỉ còn dưới 1% ở bậc TH và 3% ở các bậc THCS và THPT. Chất lượng học tập được nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp TH và THCS đạt 100%; THPT xấp xỉ mức 90%.

Thống kê từ năm 2011 đến 2016 cho thấy, có 7 lượt học sinh TH và 12 lượt học sinh THCS là người Cơ Tu được công nhận học sinh giỏi cấp huyện. Đặc biệt, trong giai đoạn này có 6 học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Quốc Học; 519 học sinh thi đỗ đại học, trong đó có 116 học sinh dân tộc ít người.

Hiệu quả từ một dự án

Đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc ít người, tháng 12/2011, Huyện ủy Nam Đông có Nghị quyết số 10 –NQ/HU và không lâu sau đó, vào tháng 4/2012 HĐND huyện có Nghị quyết số 02/2012/NQCĐ-HĐND về “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số, giai đoạn 2012 - 2016”.

Với tinh thần “không thầy đố mày làm nên”, huyện Nam Đông đặt lên hàng đầu vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục. Đến năm 2016, các ngành học mầm non (MN), THCS, THPT và giáo dục thường xuyên (GDTX) đều có 100 giáo viên đạt chuẩn. Riêng ngành MN có 90,47% GV và CBQL vượt chuẩn. Bậc THCS có 88,18% vượt chuẩn, 8 giáo viên và CBQL có trình độ thạc sĩ; bậc học THPT có 13,95% có trình độ thạc sĩ; ngành GDTX có 8,33% có trình độ thạc sĩ. Riêng bậc TH có 99,24% GV đạt chuẩn, 95,89% GV và CBQL có trình độ vượt chuẩn. Từ năm 2011 đến 2015, toàn huyện có 104 lượt GV các trường có học sinh dân tộc ít người đạt GV dạy giỏi cấp huyện, 12 lượt GV đạt GV dạy giỏi cấp tỉnh và đặc biệt, có 1 GVMN đạt GV dạy giỏi cấp quốc gia.

Thực hiện đề án, huyện Nam Đông tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Giai đoạn 2012 -2016, toàn huyện đầu tư hơn 35 tỷ đồng xây dựng 48 phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, khu hiệu bộ; chi phí trên 8 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, sách giáo khoa, sách GV, sách tham khảo phục vụ cho hoạt động dạy và học. Công tác xây dựng và giữ chuẩn được quan tâm. Đến năm 2016, toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Công tác xã hội giáo dục được đẩy mạnh. Hội khuyến học phát triển rộng khắp và luôn đồng hành cùng ngành giáo dục. Huyện còn hỗ trợ kinh phí để các trường có học sinh dân tộc thiểu số dạy tăng cường tiếng Việt ở bậc MN, dạy phụ đạo học sinh yếu hay bồi dưỡng học sinh mũi nhọn ở ngành học phổ thông và ôn tập cho học sinh lớp 12.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Vẫn còn những khó khăn và bất cập. Đó là, số lượng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học còn nhiều. Chất lượng học lực xếp loại giỏi ở bậc trung học không đạt chỉ tiêu. Chưa có học sinh dân tộc thiểu số được công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh. Trang thiết bị phục vụ dạy và học chưa đáp ứng kịp thời. Tư duy giáo dục chậm đổi mới... Đó là những vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục và đào tạo dành cho học sinh dân tộc thiểu số ở Nam Đông.

Mục tiêu mà huyện Nam Đông đặt ra trong thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020” là tiếp tục tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện, góp phần xóa dần khoảng cách chất lượng đào tạo giữa học sinh dân tộc thiểu số với học sinh kinh tế mới, giữa các bậc học và ngành học, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập của địa phương.

Có dịp ghé thăm các trường học khang trang và tiện nghi, bắt gặp những học sinh dân tộc Cơ Tu rạng rỡ đến trường và được chứng kiến không khí học tập nghiêm túc, chúng tôi tin tưởng về sự đổi thay mang tính cách mạng trong sự nghiệp “trồng người” ở vùng dân tộc ít người  thuộc huyện Nam Đông. Khi có được sự khát khao đến trường, học sinh Cơ Tu sẽ dễ dàng vượt qua những rào cản để trở thành những con ngoan, trò giỏi, là người có ích, trí thức giỏi sau này.     

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng nhau làm kinh tế

Chị là Trần Thị Thắm, dân tộc Cơ Tu, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn, là một trong những cá nhân điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những việc làm cụ thể, thiết thực.

Cùng nhau làm kinh tế
Return to top