ClockThứ Sáu, 22/08/2014 04:05

Học sinh Quốc Học bị stress?

TTH - Mỗi năm, Trường trung học phổ thông chuyên Quốc Học đón hơn 400 học sinh vào 10 lớp chuyên. Các em phải qua một cuộc "sát hạch" học bạ trước khi tham gia kỳ thi tuyển chính thức. Qua được kỳ thi, có tên trong "bảng vàng" vào trường, các em trở thành niềm tự hào của gia đình.

Niềm vui chiến thắng (giải nhất toàn đoàn Hội thi Bí thư chi đoàn giỏi)

Stress là một đáp ứng thích nghi bình thường về mặt tâm lý, sinh học và tập tính. Phản ứng stress trở thành bệnh lý khi tình huống gây stress là bất ngờ, quá dữ dội, hoặc tình huống quen thuộc nhưng lặp đi lặp lại, vượt quá khả năng dàn xếp của chủ thể. Triệu chứng nổi trội nhất của stress là phản ứng quá mức với hoàn cảnh xung quanh, kèm theo là tính dễ cáu, tự đánh giá thấp bản thân mình và đó là mở đầu cho các nhân tố trầm cảm. Các nhân tố này phát triển thành hội chứng trầm cảm.

Khi nói về chương trình học của nhà trường, thầy Nguyễn Đình Thí, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước tiên trường tuân thủ chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó là chương trình tăng cường môn chuyên. Ví dụ, chuyên toán thay vì học từ 4 đến 5 tiết/tuần như mọi học sinh phổ thông, các em lớp chuyên toán học 9 tiết. Đây cũng là quy định được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng học sinh giỏi, hàng năm nhà trường được phép tổ chức học từ đầu tháng 8… trước các trường không chuyên khoảng 15 ngày. Nhưng bên cạnh chương trình học này, chế độ sinh hoạt vui chơi của nhà trường đặc biệt phong phú so với trường không chuyên. Thầy Chánh Tiến, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên hóa khóa 2011-2014, tập thể vừa có 100% học sinh đậu đại học, trong đó có 1 thủ khoa Đại học Huế và nhiều á khoa, thủ khoa trường, ngành… cho biết: Ngay khi nhận lớp (từ lớp 10) thầy trò đã tổ chức một chuyến dã ngoại thân mật, thường là lên một địa chỉ thanh tịnh như chùa Huyền Không Sơn Thượng; các danh lam thắng cảnh, để các em làm quen với nhau trong không gian hữu tình. Với hơn 20 năm làm công tác chủ nhiệm, thầy Chánh Tiến cho rằng, mỗi một lứa học sinh đều có những đặc trưng riêng, nhưng các em học sinh Quốc Học luôn có chung sự trong sáng và ước mơ đẹp khi vào trường. Đồng thời, là những học sinh ưu tú, các em rất thông minh, nhận thức được trách nhiệm của mình nhưng cũng rất tinh nghịch và yêu thích các hoạt động của trường, của lớp. Thầy tâm sự, có lúc giờ chơi các em vẫn học, nhiều buổi không có giờ học trên lớp nhưng các em vẫn đến trường đông đủ, nhờ thầy mượn phòng để tự học. Những buổi học ấy các em tranh luận nhiều và cũng không hẳn học cùng một môn, mà tự giác học bài mình cần học, đồng thời vui đùa một cách thoải mái, vô tư… Những buổi học như thế, được các giáo viên đánh giá cao về chất lượng học cũng như có giá trị giảm Stress rất nhiều.

Theo lãnh đạo trường, ưu việt của học sinh Quốc Học là vừa vào trường các em được phổ cập bơi, sau đó là những hoạt động tập thể, những buổi sinh hoạt lớp để tìm ra nhân tố phù hợp bổ sung vào các CLB. Các em đều có cơ hội và điều kiện tham gia các sân chơi mang tính xả stress cao như các câu lạc bộ TDTT ( bóng bàn, bóng đá, cầu lông, bơi lội) văn nghệ, văn học, (sáng tác thơ ca, hò vè, múa hát). Thầy Thí cho rằng, tuy các sân chơi này không phải chỉ Quốc Học mới có, nhưng chất lượng và phương thức tổ chức sân chơi ở Quốc Học có thể khẳng định là ưu việt hơn. Sự ưu việt này, theo tìm hiểu của chúng tôi là đã được thực hiện trên cơ sở sáng tạo của chính các em học sinh. Là những học sinh ưu tú, các em vừa học vừa chơi theo hướng sáng tạo, phát huy sáng kiến nên các hoạt động của nhà trường dù đề tài gì, lĩnh vực gì cũng rất sôi động, hiệu quả cao… Ví dụ, sân chơi Tiếp lửa tài năng đã tạo nên không khí vui chơi học tập hết sức bổ ích giúp các em học sinh có định hướng trau dồi, trang bị kiến thức xã hội rộng sâu. Hoặc CLB Kỹ năng là sân chơi được đông đảo học sinh tham gia. Nơi đây, những kiến thức thường nhật về giao tiếp, đối ngoại, đối nội, hành xử văn hóa, lễ nghĩa đều được các em tự xây dựng thành “giáo trình” để cùng nhau học hỏi. CLB văn thơ là một sân chơi được học sinh các môn chuyên xã hội tham gia nhiệt tình không kém gì các “cây tự nhiên” tham gia nghiên cứu khoa học. Thủ khoa tốt nghiệp 2014 không chỉ học giỏi đều các môn một cách hoàn hảo với bảng điểm “khủng”, toàn điểm 9 trở lên, em còn là một “cây” mê bóng đá và theo dõi hầu hết các trận cầu hay trên thế giới qua màn ảnh nhỏ. Em tâm sự “Em không nghĩ xem phim hay xem bóng đá là tốn thời giờ, trái lại, đó là cách để em giải trí”, chính nhờ thế mà thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp luôn mạnh mẽ, tươi tắn mỗi ngày. Hải Đăng, chuyên Pháp khóa 2011-2014 không chỉ giành giải học sinh giỏi cấp tỉnh, tham gia thi Olypic khu vực mà còn là một trợ giảng tiếng Anh năng nổ của CLB Eta4 (english through art, academy, alethic abroad) thuộc Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh. Cũng vậy, các thủ khoa của Quốc Học đều cho biết, các em học và chơi một cách khoa học chứ không phải là những “chú mọt sách” như mọi người nhầm tưởng.

Nữ sinh Quốc Học. Ảnh: Võ Nhân

 
Thầy Nguyễn Đình Thí cho biết, thầy cũng có nghe thông tin về cuộc thăm dò, nhưng chỉ với hơn 150 học sinh khối 12 năm học 2013-2014. “Tôi không tin về độ nghiêm túc của bản tin… Tôi nghĩ đây chỉ là một sự đánh giá chưa chính xác. Vì theo tôi, học sinh Quốc Học tuy gánh trọng trách giành thành tích đỉnh cao cho giáo dục của tỉnh, nhưng không phải gánh nặng đó đè lên tất cả, chỉ khoảng trên 10% các em trong đội tuyển mới thật sự là những học sinh vất vả vì mục tiêu này. Vì thế, tôi cho rằng học sinh Quốc Học đang được sống trong một môi trường giáo dục ưu việt nhất của bậc trung học phổ thông Thừa Thiên Huế. Mặc dù vậy, không thể nói là học sinh Quốc Học không bị áp lực bởi hiện nay ai cũng biết là chương trình phổ thông của ta quá nặng; càng nặng với những em gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai các em. Ngoài ra, do tâm lý thi cử, các em còn phải học thêm nhiều ở ngoài... Trong cái chung của học sinh phổ thông, nhất là các em cuối khóa thường phải tiếp thu một khối lượng kiến thức lớn, không chỉ kiến thức mới mà còn tổng hợp kiến thức cũ chuẩn bị cho kỳ thi bởi kỳ vọng của gia đình, không khí học tập không trong lành (học thêm, dạy thêm tràn lan), học sinh Quốc Học còn học vì màu cờ sắc áo. Tuy nhiên, học sinh Quốc Học là những em đã ý thức được việc học từ khi vào trường, kiến thức được bổ sung liên tục và đều đặn và biết sử dụng quỹ thời gian một cách khoa học và nghiêm túc. Đó chính là nét đặc trưng tạo nên học hiệu nổi danh Quốc Học và tránh được áp lực bài vở.
Ý kiến người trong cuộc:
Ông Võ Thanh Hải, số 4 Phạm Đình Hổ (TP Huế):
Các em có ý thức học tập thì không có gì là căng thẳng
“Căng thẳng trong việc học thì chắc chắn phải có rồi. Tôi định hướng cho con mình phải đậu đại học, nhưng không áp lực cho con phải đậu quá cao, như thủ khoa, á khoa chẳng hạn. Nhiều ba mẹ rất áp lực trong chuyện học hành của con cái, muốn con phải đậu cao nên nhiều cháu phải học thâu đêm suốt sáng. Có phụ huynh muốn học giỏi ngoại ngữ để đi du học, hoặc muốn con học thật giỏi để được các học bổng như Viethope, Thiện tâm,… Mỗi người một cách nghĩ. Con tôi thì khoảng 24h là đi ngủ, sáng 5h dậy ôn lại bài vở và luôn tự phấn đấu học tập là chính. Theo tôi, quan trọng là ở trên lớp tiếp thu bài tốt, về nhà làm bài tập nhiều và phải ngủ đủ giấc.
Để giảm căng thẳng từ việc học tập, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con cái, cùng đồng hành với con, bản thân các em có ý thức học tập thì việc học không có gì là căng thẳng quá. Trường Quốc Học có thuận lợi là có bể bơi, sân bóng đá, sân cầu lông nên những buổi học trống tiết hoặc buổi chiều, các em có thể sinh hoạt ngoại khóa hoặc các phong trào thể thao, văn nghệ để nâng cao sức khỏe và làm giảm áp lực, căng thẳng trong việc học”.
Anh Nguyễn Việt Anh, số 13 Nguyễn Thiện Thuật (TP Huế):
Không nên ép buộc và gây áp lực cho con cái
“Tôi trước đây cũng từng học Quốc Học. Nhiều người bạn tôi hồi cấp 1 học siêu giỏi, lên cấp 2 giỏi vừa vừa, cấp 3 và đại học thì giảm dần, không còn siêu giỏi nữa; trong khi nhiều đứa học không giỏi lắm lên đại học học rất giỏi. Vì thế theo tôi không nên ép buộc và gây áp lực cho con cái mà để cho nó tự nhiên. Như con tôi học rất thoải mái. Cháu chỉ học thêm toán (do ông nội dạy), lý, hoá tự học ở nhà. Tôi nghĩ học thêm mất thời gian mà chưa chắc đã tốt. Tôi thấy con tôi học khá nhẹ nhàng, không quá căng thẳng và áp lực. Em nào bị căng thẳng nhiều là vì học thêm nhiều quá. Nếu như học thêm 3 môn thì một tuần đã mất 6 buổi, cộng thêm mấy buổi làm bài tập ở nhà nữa. Đó là chưa kể có em học thêm tới 5-6 môn, có môn học đến 2 thầy, nên từ sáng đến chiều quay như chong chóng, học ngơ cả người mà lại không hiệu quả bằng tự học ở nhà. Vì thế, quan trọng nhất vẫn là tự học và ba mẹ phải tạo động lực đam mê cho con. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ kiểm tra bài vở của con mà chỉ nhắc con là con đã hoàn thành bài chưa nhưng các con tôi vẫn học rất giỏi”.
Nguyễn Đình Thí, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc Học, Huế:
Cần giảm tải chương trình
Nhìn chung, hiện học sinh phổ thông đang phải chịu áp lực bài vở hơn so với sinh viên đại học. Các em SV khi vào đại học chín chắn hơn nhiều về tâm sinh lý. Nhưng ngược lại họ học theo tín chỉ, chủ động thi cử, thi một lần không đậu thì thi lần 2. Các em học sinh phổ thông ở tuổi ham ăn ham chơi lại luôn bị ấn định thi, kiểm tra… từ kiểm tra miệng đầu tiết, 15 phút, còn bài 25 phút, 45phút, một tiết rồi học kỳ, cuối năm, vượt cấp… tất cả những cái đó đều có thể nói là nguyên nhân của Stress, nếu học tập không có căn bản. Nhưng học sinh có bị stress và stress ở mức độ nào lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố phân bố, quản lý thời gian giữa nhu cầu vui chơi và học tập của mỗi cá nhân, từng tập thể..
Giảm chương trình, xóa bỏ nạn dạy thêm học thêm thì sẽ giảm stress trong học sinh nói chung chứ không riêng học sinh Quốc học. Giảm chương trình phải chăng đã đến lúc là vấn đề mà ngành giáo dục phải bật tín hiệu báo động để xã hội chung tay giải quyết.
Lê Thị Thảo Nhi, lớp 12 chuyên văn Trường THPT Quốc Học:
Áp lực học tập cũng dần tan biến...
Chúng em năm nay đã là anh chị lớp 12 trong trường. Chúng em luôn tự mình cố gắng đi trên con đường thích hợp để đến với cánh cổng của cuộc đời mình. Quốc Học là một trường chuyên của tỉnh. Chúng em khi vào đây không phải chỉ để thi đại học, mà còn mang nhiều trọng trách lớn: thi tỉnh, thi quốc gia,... Cân bằng những thứ đó thôi cũng khó lắm rồi ạ, nên áp lực là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, thời gian gần đây, cứ xôn xao việc thay đổi cách thức thi đại học làm chúng em hoang mang vô cùng.
Thế nhưng, nếu biết được sớm cách thức thi thì chúng em sẽ đỡ bị bất ngờ, cũng như sẽ chuẩn bị tinh thần tốt, sẵn sàng đến với ngưỡng cửa đại học một cách tốt nhất. Và như thế, áp lực chuyện thi cử sẽ bớt đi nhiều.
Nhưng cũng may mắn, chúng em được học trong ngôi trường THPT Chuyên Quốc Học với những thầy cô giảng dạy rất tận tình chu đáo, nhiều môn giúp chúng em hiểu bài ngay trên lớp nên đỡ thời gian học bài ở nhà. Thầy cô và bạn bè thân thiện trong cách nói chuyện thường ngày giúp cho không khí khá là thoải mái. Chúng em cảm thấy rất vui về điều đó. Hơn hết, bản thân em rất hạnh phúc khi có bố mẹ tâm lí, không bao giờ bắt ép em phải thế này thế nọ, không bao giờ tạo áp lực cho em, nhất là chuyện thi cử. Bố em luôn tạo điều kiện tốt nhất cho việc học của em, tạo cho tinh thần thoải mái. Áp lực học tập cũng dần tan biến đi hết.
Nhóm PV (thực hiện)
 
HG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top