ClockThứ Tư, 08/01/2020 07:15

Học sinh tiểu học: Quá sức khi phải học thêm

TTH - Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng học tập tối thiểu của bậc tiểu học là 700 giờ/năm, thay vì 450 giờ/năm như hiện nay. Âu lo khi hầu hết các em đều học hai buổi/ngày, rồi lại còn phải học thêm.

Xử phạt giáo viên dạy thêm với học sinh tiểu học: Sẽ xem xét lại!

 Không nhất thiết phải học thêm khi học sinh đã học 2 buổi/ngày (ảnh minh họa)

Tâm lý đám đông

Chị Nguyễn Thị Lan, có con gái đang học lớp 1 cứ phân vân không biết có nên cho con học thêm hay không. Chị hỏi đồng nghiệp, bạn bè, còn liên tục đăng vào các hội nhóm xin tư vấn và kinh nghiệm. Với chị, để đưa ra quyết định có hay không cho con đi học thêm không phải là điều dễ dàng. Chị nửa không muốn cho con đi học thêm vì con học ở trường cả tuần, sợ con mệt. Mặt khác, lại lo lắng nếu không đi học thêm, con không theo kịp các bạn…

Khảo sát sơ bộ cho thấy, một số ít bố mẹ tự tin vào khả năng kèm con học bài nên cho rằng, học thêm không cần thiết. Họ cho rằng, những bé dễ xao nhãng, khó tập trung, tự kèm con học tại nhà hiệu quả hơn là học thêm. Còn đa phần phụ huynh có con học tiểu học đều cho con đi học thêm. Có người thì cho con học một tuần ba buổi hoặc thứ 7, chủ nhật, chưa kể học ngoại ngữ và các môn năng khiếu khác. Đôi khi phụ huynh cho con học chỉ vì tâm lý đám đông, sợ không được cô giáo đối xử công bằng.

Xét cho cùng, giáo viên và phụ huynh đều kỳ vọng vào thành tích học tập của học sinh. Họ nghĩ rằng, việc tăng thời lượng học tập sẽ có thể rèn thêm kỹ năng, củng cố kiến thức cho trẻ. Không ít phụ huynh trải lòng, bận rộn công việc, các em viết chậm, tiếp thu kém, bố mẹ lại không thể dành nhiều thời gian cho con, nên đăng ký học thêm ngoài giờ. “Tôi cho con bắt đầu học thêm từ lớp 1, ban đầu chỉ học 2 buổi toán và tiếng Việt, sau bổ sung thêm tiếng Anh. Biết con học hai buổi ở trường vất vả nhưng sợ ở nhà con lại chơi game… Hơn nữa, tôi muốn con vào trường chuyên, lớp chọn nên phải đầu tư chọn thầy giỏi cho con học thêm”, chị Phan Thị Hương phụ huynh có con học tiểu học, chia sẻ. 

“Trăm dâu lại đổ đầu tằm” nên không khó khăn khi bắt gặp cảnh tan học giáo viên lại đưa học sinh về nhà cho ăn nhẹ rồi lại tiếp tục học thêm. Tiếp xúc với nhiều học sinh tiểu học, không ít em tỏ ra mệt mỏi, không muốn nhồi nhét kiến thức sau giờ tan học. Cháu Đỗ Ngọc Yến, học sinh lớp 2 Trường tiểu học V. (TP. Huế), kể: Mỗi tuần 3 buổi, cháu đều học thêm ở nhà cô vào buổi tối. Còn thứ 7 và chủ nhật, cháu học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ”.

Học sinh tiểu học cần được tham gia các hoạt động trải nghiệm

Khó quản lý việc dạy thêm

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư cấm dạy thêm ở bậc tiểu học. Tại điều 4 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm: “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”. Thực tế việc quản lý dạy thêm, học thêm tại trường không khó, nan giải nhất là việc kiểm soát các trường hợp dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường bởi hình thức tổ chức đa dạng... Hầu hết giáo viên đều có thể lách luật và chuyện dạy thêm là điều tất yếu khi phụ huynh luôn có nhu cầu.

Nhìn nhận khách quan, việc kiểm tra và đánh giá học tập của học sinh tiểu học bây giờ theo Thông tư 22 rất đơn giản, mỗi học kỳ chỉ có 2 lần kiểm tra ở giữa kỳ và cuối kỳ, thi học sinh giỏi văn hóa đã xóa bỏ hoàn toàn... Nhưng, ít phụ huynh can đảm không cho con đi học thêm dẫu nhiều em có học lực tốt.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Minh Trang , Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế), cho hay: Khi các em học hai buổi/ngày, giáo viên thường căn cứ vào mức độ tiếp thu của học sinh để nâng cao kiến thức nhằm tạo hứng thú trong học tập; hoặc kèm cặp, hướng dẫn những em có học lực yếu để theo kịp các bạn nên nhà trường khuyến cáo phụ huynh không nên cho con học thêm.

Hệ lụy nhồi nhét kiến thức ở bậc tiểu học cũng đã rõ khi có học sinh rơi vào trạng thái stress dẫn đến trầm cảm, chán học. Theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh không nên tạo áp lực học tập cho con quá sớm bởi có thể thui chột tư duy, khả năng sáng tạo của các em. Ở bậc tiểu học ngoài việc học tập, các em cần được tham gia hoạt động vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống để phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

TIN MỚI

Return to top