ClockThứ Tư, 28/03/2018 05:45

Học theo đam mê và thế mạnh

TTH - Càng đến giai đoạn đăng ký dự thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia và xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng 2018 (từ ngày 1 – 20/4), vấn đề chọn ngành, nghề đối với thí sinh càng nóng. “Tâm điểm” là băn khoăn học gì trong thời đại 4.0.

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018: Sẽ giảm mức điểm ưu tiên khu vựcTrường đại học sẽ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinhHơn 5.000 học sinh tham gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệpLấy ý kiến việc tuyển sinh lớp 6 qua kết hợp đánh giá năng lựcĐiểm ưu tiên tuyển sinh đại học sẽ được điều chỉnh giảm

Thí sinh tìm hiểu thông tin mùa tuyển sinh 2018

Băn khoăn

Đến gần sát ngày làm hồ sơ, Nguyễn Tuấn Vũ, học sinh Trường THPT Đặng Huy Trứ vẫn còn do dự chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng. Vũ chia sẻ, thời gian qua, truyền thông nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 kéo theo sự thay đổi của nhiều ngành nghề, tư duy làm việc cũng như sắp xếp lao động. Vì thế quyết định chọn ngành nghề gắn liền với tương lai là lựa chọn không đơn giản.

“Nhiều năm nay, bảng dự báo nguồn nhân lực cuối năm của Trung tâm dự báo nguồn năng lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh luôn đưa ra nhu cầu tuyển dụng của các ngành nghề truyền thống, nhưng tháng 12/2017, dự báo này có một số nhận định khác cho năm 2018, nhu cầu nhân lực tập trung ở một lĩnh vực như bảo mật mạng, lập trình game, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D... Em nghĩ, xu hướng tuyển dụng sẽ thay đổi và thí sinh phải nghiên cứu lại cách chọn ngành học”, Vũ nói.

Lo lắng về chọn ngành, nghề liên quan đến cuộc CMCN 4.0 cũng là lo lắng chung của nhiều thí sinh khi thời điểm làm hồ sơ đăng ký dự thi đang đến rất gần. Nguyễn Thị Tâm, thí sinh tự do ở TP. Huế tâm sự, dành thời gian ôn luyện nhiều môn nhưng điểm mạnh của em lại là các môn khối C, trong khi tìm hiểu thấy cuộc CMCN 4.0 chủ yếu nói về sự cộng hưởng mạnh mẽ giữa công nghệ thông tin với máy móc, robot để tạo ra phương thức làm việc mới có năng suất lao động vượt trội. Những ngành học như thế, em không đam mê và cũng không có thế mạnh. Chỉ phân vân, trong thời đại 4.0, việc chọn những ngành học khối C có khả năng việc làm cao không (?).

Tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh hoặc hỏi đáp tuyển sinh trực tuyến, nhiều thí sinh cũng bày tỏ thắc mắc về chọn ngành học liên quan đến cuộc CMCN 4.0. Đại diện các cơ sở giáo dục cho biết, nguyên nhân khiến thí sinh thắc mắc là vì thông tin liên quan vấn đề này xuất hiện nhiều và chi phối suy nghĩ, tâm lý chọn ngành nghề của họ. Song, do thí sinh chưa hiểu hết các vấn đề cuộc CMCN 4.0 nên có thể quá lo lắng.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do ĐH Huế tổ chức

Học theo đam mê

Theo các chuyên gia giáo dục, nhu cầu thị trường lao động thay đổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và cuộc CMCN 4.0, nhưng cơ cấu ngành nghề vẫn phải cân đối, hợp lý.

Khi cách CMCN 4.0 bùng nổ, đã có nhiều nghiên cứu, dự đoán về những nghề nghiệp ảnh hưởng theo. CMCN 4.0 đang phát triển với tốc độ rất nhanh và tác động tới mọi lĩnh vực khoa học và nhu cầu nhân lực chủ yếu chuyển hóa mức độ kết hợp đan xen giữa ngành cũ và công nghệ, kỹ thuật. Công nghệ thông tin là ngành sẽ có thế mạnh vì mọi lĩnh vực có nhu cầu phát triển CMCN 4.0 đều phải sử dụng công nghệ thông tin. Song, trong CMCN 4.0, không chỉ khoa học tự nhiên mà khoa học xã hội chắc chắn cũng có vai trò không thể thiếu.

Việc chọn ngành nghề phải dựa vào đam mê và thế mạnh của từng thí sinh. Nếu thí sinh mạnh về các khối ngành công nghệ, có thể chọn các ngành về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí, công nghệ thực phẩm… Ngược lại, nếu mạnh về tổ hợp các môn khối thi khác, thí sinh cũng có thể chọn học các ngành khác. “Các ngành đào tạo ĐH trên toàn quốc nói chung và 119 ngành đào tạo trình độ ĐH ở ĐH Huế đều đã có nghiên cứu, khảo sát thị trường lao động và đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý, được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt. Hiện nay, Bộ cũng bắt buộc các đơn vị giáo dục công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các ngành và thí sinh có thể tham khảo”, ông Hoàng Tịnh Bảo, Thường trực Ban Tư vấn và Quảng bá tuyển sinh Đại học Huế, nói.

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, sẽ không có ngành đặc biệt mà cơ hội việc làm phụ thuộc vào khả năng học tập và rèn luyện của mỗi người, nếu chọn đúng ngành và nỗ lực theo đuổi, đạt thành tích cao thì cơ hội việc làm vẫn luôn có. Vấn đề là người học cần chú ý học tập, nâng cao năng lực tư duy, có thể học một ngành nhưng làm được nhiều ngành nghề, biết kết hợp nhiều kỹ năng, chẳng hạn giữa kinh doanh và công nghệ thông tin.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Return to top