ClockThứ Ba, 13/08/2019 06:15

Học thực nghiệm - lợi đôi đường

TTH - Trong khi các trường loay hoay bài toán tuyển sinh, tìm cách quảng bá chất lượng đến với thí sinh thì nhiều học sinh lại mong muốn trải nghiệm những giờ học tại trường đại học (ĐH). Mô hình giờ học thực nghiệm là giải pháp có thể “lợi đôi đường”.

“Học để làm gì và học sao để khi ra trường có việc làm”Làm thêm, bớt… học

Giảng viên Trường ĐH Phú Xuân hướng dẫn cho học sinh một số trường THPT tại TP. Huế trải nghiệm cách học của sinh viên

Lợi đôi đường

Những mùa tuyển sinh gần đây, nhiều trường ĐH đến tận các địa phương, trường học để quảng bá tuyển sinh. Song trên thực tế, các trường thừa nhận cách làm này chưa đạt hiệu quả cao. Thông tin quảng bá tuyển sinh dày đặc, trường nào cũng “chứng tỏ” chất lượng trong khi thí sinh thiếu điều kiện kiểm chứng. Trái lại, học sinh các trường trung học phổ thông (THPT) lại muốn trải nghiệm, thực hành những giờ học tại trường ĐH. Nguyễn Văn Khang, học sinh một trường THPT tại TP. Huế, chia sẻ: “Khi trải nghiệm học tập tại trường ĐH mới có thể biết chất lượng của trường đó”.

Hơn 1 năm qua, một số trường ĐH trong nước bắt đầu chú ý đến việc đưa học sinh đến trường trải nghiệm, đơn cử như sự kiện “Một ngày làm sinh viên” tại rất nhiều trường như: ĐH Vinh, ĐH Đồng Tháp, ĐH Đà Lạt, ĐH Thăng Long… thu hút vài trăm, thậm chí cả ngàn học sinh tham gia. Ở Huế, Trường ĐH Phú Xuân cũng tổ chức chương trình “Phú Xuân Open Day – một ngày trải nghiệm” để học sinh trải nghiệm các nội dung liên quan đến một số ngành nghề của trường. Không phủ nhận vẫn có giá trị nhưng nhìn chung các mô hình mới chỉ dừng lại ở mức cho học sinh tham quan, tập làm sinh viên, phục vụ công tác tuyển sinh là chính.

Theo các chuyên gia giáo dục, mô hình giờ học thực nghiệm có thể triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay. Điểm hay của mô hình này là có thể cho học sinh trải nghiệm học tập, thực hành những bài học mà các trường phổ thông chưa có điều kiện triển khai tốt; giải quyết phần kiến thức, kỹ năng cần thiết mà học sinh có thể đạt được trong giai đoạn học phổ thông.

Ông Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ nêu ví dụ, đơn cử như các thí nghiệm, dụng cụ, thiết bị tại trường phổ thông nghèo và không chuyên nghiệp. Nếu có thể đưa học sinh đến trải nghiệm giờ học về vấn đề liên quan, chắc chắn học sinh sẽ hứng thú, lúc đó hiệu quả mang lại không chỉ cho học sinh, chương trình giáo dục phổ thông mà còn quảng bá được hình ảnh, chất lượng của trường ĐH.

TS. Nguyễn Văn Quang, giảng viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho rằng, có rất nhiều nội dung, môn học có thể triển khai giờ học thực nghiệm. Song song các nội dung đó, học sinh có thể tìm hiểu để theo đuổi đam mê và thế mạnh của mình. Điển hình như việc khám phá về thiên văn học có nhiều học sinh đam mê, trong khi tại trường phổ thông chủ yếu hướng dẫn qua lý thuyết. Nếu học sinh được trải nghiệm xem các hiện tượng thiên văn chắc chắn sẽ rất thích thú. Tạo cơ hội cho học sinh khám phá, cũng đồng nghĩa khơi gợi để các em định hướng các ngành nghề theo đam mê, sở thích và năng lực. Còn theo TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, mô hình giờ học thực nghiệm là rất tốt và trên thế giới nhiều nước cũng áp dụng.

Cái khó có thể giải quyết

Cái khó trong việc triển khai mô hình giờ học thực nghiệm chính là việc di chuyển học sinh. Theo lãnh đạo một số trường THPT, học sinh các trường ở thành phố dễ dàng di chuyển, song với các trường vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì cần phương tiện đưa đón tập trung để đảm bảo an toàn. Song, vấn đề này lại khó ở chuyện kinh phí. Nếu xã hội hóa, thu tiền học sinh có thể nảy sinh nhiều vấn đề trong khi nguồn kinh phí các trường có hạn. Các trường chỉ có thể bố trí cán bộ, giáo viên đi theo hỗ trợ.

Vấn đề trên có thể giải quyết. Hằng năm, các trường đều có khoản chi kinh phí trong việc quảng bá tuyển sinh. Khi những cách làm trước đây thiếu hiệu quả và mô hình mới tiềm năng, việc phối hợp với các trường phổ thông để đưa ra chiến lược truyền thông mới không phải là chuyện vượt ngoài khả năng và các trường ĐH có thể có cơ chế hỗ trợ. Riêng về điều kiện cơ sở vật chất thì các trường đã đảm bảo và có thể chủ động lên kế hoạch tổ chức cho học sinh trải nghiệm.

Hiện nay, nhiều trường ĐH đang tăng cường kết nối với các trường phổ thông, đồng thời một số đơn vị đã có những ký kết hợp tác. Đó là điểm thuận lợi để cơ sở đào tạo của hai bậc học có thể ngồi lại thảo luận cơ chế. TS. Đàm Quang Minh cho rằng, có thể các trường cùng trao đổi thêm với phụ huynh để tìm giải pháp.

Theo ThS. Trần Võ Văn May, đại diện ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế, thời gian qua các doanh nghiệp cũng quan tâm trong công tác hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho học sinh và đó là cơ hội để kêu gọi sự hỗ trợ từ phía họ. Sắp tới, nhà trường sẽ gắn kết doanh nghiệp để triển khai mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm, giờ học thực nghiệm.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Return to top