ClockThứ Tư, 14/04/2021 14:50

Học trái tuyến và chuyện “chạy trường”

TTH - “Chạy trường” đầu cấp vẫn âm ỉ, nhất là năm 2021. Học sinh lớp 1 tuổi Kỷ Hợi (năm đẹp) tăng khiến nỗi lo trường lớp quá tải khi học trái tuyến.

Băn khoăn “đường” vào sư phạm“Giảm nhiệt” học trái tuyếnĐừng "chạy" trái tuyến

Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản trong một giờ học (Ảnh minh họa)

Đua nhau chọn trường

Công bằng mà nói, nhiều gia đình xin cho con học trái tuyến một phần vì nhu cầu chăm sóc con, có thể là trường có bán trú, ở gần cơ quan bố, mẹ để tiện đưa, đón nhưng phần lớn là chọn theo “thương hiệu” nhà trường. Đúng ra thì đến tầm tháng 7, các trường mới nhận hồ sơ tiếp nhận học sinh vào lớp 1, nhưng trước đó cả năm điệp khúc xin cho con học “trường điểm” lại rộn ràng. Ngồi mô cũng nghe nhiều bà mẹ trẻ bàn tán, băn khoăn, làm sao để kiếm một suất vô “trường điểm”. Thôi thì tận dụng mọi mối quan hệ “thân” có “sơ” cũng có. Nhiều hiệu trưởng thổ lộ, thời điểm này đã không dám nghe điện thoại số lạ chỉ vì có nhiều người xin học trái tuyến, lo nhất vẫn là suất “ngoại giao”.

Còn nhớ năm học trước, nhiều  trường tiểu học trên địa bàn từ chối hàng chục bộ hồ sơ “gởi gắm”, “quen biết” vì trường chỉ đủ chỉ tiêu giải quyết cho con em tại địa phương. Nhiều hiệu trưởng phân bua, phụ huynh tin tưởng, “chọn mặt gửi vàng” đáng lý ra trường phải mừng nhưng khổ nổi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi lớp học chỉ có sĩ số 35 em, nếu đông quá dẫn đến quá tải. Các em sẽ không được thực hành hết các kỹ năng thầy cô hướng dẫn, giáo viên không thể nào quán xuyến hết từng em trong lớp.

Chính vì tâm lý đám đông, cứ mỗi mùa tuyển sinh, phụ huynh tìm mọi cách để cho con vào bằng được ngôi trường mà nhiều người đổ xô đến. Thế nên, những cuộc “chạy đua” của các bậc phụ huynh khá nhọc nhằn và quyết liệt. Có người làm giấy khai sinh cho con xong là “gửi con” vào hộ khẩu của người thân, quen đang đóng trên địa bàn. Một phụ huynh thú nhận, mình quá nôn nóng khi nghĩ đến cách nhập hộ khẩu cho con vào nhà người quen, rồi “mua dây buộc mình”, khi những nghi ngờ bủa vây. Thậm chí, nhiều phụ huynh dò hỏi khắp nơi, để vô được trường ưng ý tốn kém bao nhiêu cũng được…

Văn bản nghiêm cấm chuyện “chạy trường” chạy lớp, học trái tuyến đã siết chặt tuyển học sinh trái tuyến ở các cấp học. Với tiêu chí, phải có hộ khẩu thường trú mới được học đúng tuyến; có tạm trú từ 3 năm mới được học ở các trường trên địa bàn; ngay cả học sinh ở một số trường vùng ven, muốn sang trường lân cận học phải được sự đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

“Trường làng” đã đổi thay

Lân la hỏi nhiều phụ huynh vì sao cứ muốn cho con vào “trường điểm”, chị  N.T.M, cán bộ hưu trí, có đứa cháu nội năm nay vào lớp 1 phân bua, muốn cháu học trường điểm để mai này còn vào Nguyễn Tri Phương, xa hơn là Quốc Học. Chứ học đúng tuyến lại ở “trường làng” thấy tội... Nghĩ lại cứ thấy sai sai, nhà chị ở sát trường, đi bộ qua chưa đầy hai phút hà cớ chi phải chở cháu về “phố”, khó khăn trong việc học trái tuyến đã đành, phải dậy sớm để đi học khi nhà ở xa, đôi khi ăn sáng còn không kịp.

Sau nhiều lần nhờ cậy mệt mỏi bất thành, nhiều phụ huynh cho con học đúng tuyến. Hóa ra không như họ nghĩ, “trường làng” trong suy nghĩ của nhiều người giờ đã khang trang lắm. Nhiều trường đã thay đổi, nhất là những trường vùng ven có quỹ đất rộng rãi, được đầu tư quy mô  giờ đây khá đồng đều. Bình quân, các trường đều đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Thậm chí, nhiều trường còn trẻ hoá đội ngũ để thay đổi chất lượng giáo dục trong thời đại công nghệ số. Tỷ lệ học sinh đạt các giải từ cấp thành phố đến tỉnh rải đều ở các trường, trong đó, có nhiều giải cao thuộc về học sinh các trường vùng ven, thậm chí vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương.

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, thực tế, trường điểm hay không là do cách nghĩ của phụ huynh khi việc dạy và học của các trường đều theo một chương trình chuẩn chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tất cả các giáo viên đều được đào tạo bài bản trong các trường sư phạm. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ với số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng/năm, nhất là ưu tiên cho các trường xuống cấp. Hầu hết, các trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế học hai buổi/ngày và các trường đều tổ chức học bán trú, thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón. Thậm chí, một số trường vùng ven đầu tư cơ sở vật chất khang trang hơn do làm tốt công tác xã hội hóa.

Chuyện phụ huynh muốn cho con học tại một số trường “trọng điểm” trên địa bàn, ở một khía cạnh khác, cũng là yếu tố tích cực để các trường còn lại nhìn nhận, đánh giá, quá trình hoạt động của trường mình, nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy. Cơ chế bắt buộc học sinh học đúng tuyến đã tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh đầu cấp có chất lượng hơn. Các trường phải phát huy nội lực, tạo thương hiệu hoặc có cách tuyên truyền, vận động phù hợp để giữ chân học sinh. Khi cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên giữa các trường gần như tương đồng thì chắc chắn tình trạng chạy trường, chạy lớp sẽ giảm đáng kể.

Môi trường học tập là rất quan trọng nhưng không phải cứ đưa các em vào được trường điểm, lớp chọn là có thể tiến bộ mà nhiều khi ngược lại. Nên hiểu khả năng con mình để chọn trường, chọn lớp. Không thể “khoán trắng” cho nhà trường dù là trường có tiếng.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi

Chúng tôi có 2 cậu con trai. Việc làm gì với tiền mừng tuổi của các con chưa bao giờ là vấn đề cần thảo luận một cách nghiêm túc trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi đơn giản rằng, tiền mừng tuổi con nhận được là của con và ba mẹ có trách nhiệm giữ giúp. Cách truyền thống là chúng tôi dồn 2 năm một lần, lập cho các con mỗi đứa một sổ tiết kiệm có ngày đáo hạn là sinh nhật của con để phân biệt, dù mẹ đứng tên. Nhưng năm nay, khi các con đều lần lượt lên 11 và 16 tuổi, lần đầu tiên vấn đề này chúng tôi đem ra hỏi các con một cách nghiêm túc. Cậu em thì đơn thuần: “Tùy ba mẹ!”, trong khi cậu anh chỉ im lặng và tủm tỉm cười.

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi
Chuyện người đàn ông làm bánh Huế

Xưa nay chuyện bếp núc, nhất là làm các món bánh, mứt đòi hỏi đôi bàn tay mềm mại khéo léo nên đa phần do người phụ nữ đảm trách. Ấy thế nhưng lại có một chàng trai theo đuổi đam mê này, đó là Trần Thanh Quang, một nghệ nhân trẻ năm nay 45 tuổi, là chủ nhân một quán trà, bánh, mứt khá “chất” ở Huế.

Chuyện người đàn ông làm bánh Huế
Thông tin doanh nghiệp
Khám phá lộ trình học IELTS cho người đi làm tại Jaxtina

Do tính chất công việc và xu hướng phát triển của xã hội ngày càng quốc tế hoá, nên đòi hỏi người đi làm phải biết sử dụng tiếng Anh. Vậy nên học ở đâu? Lộ trình như thế nào? Qua bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn một trung tâm uy tín hàng đầu hiện nay - Trung Tâm Anh Ngữ Jaxtina. Hãy cùng đón đọc nhé.

Khám phá lộ trình học IELTS cho người đi làm tại Jaxtina
Dạy và học môn tích hợp trong trường trung học cơ sở

Môn tích hợp là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, áp dụng giảng dạy trong các trường trung học cơ sở (THCS) từ năm 2021. Trong đó, môn khoa học tự nhiên (KHTN) tích hợp từ môn lý, hóa, sinh; môn lịch sử và địa lý (SĐ) tích hợp từ hai môn lịch sử và địa lý. Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cũng đã thực hiện việc tổ chức đào tạo mới giáo viên, sách giáo khoa, tập huấn đầu năm học. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chương trình đã xuất hiện nhiều khó khăn và bất cập.

Dạy và học môn tích hợp trong trường trung học cơ sở
Chuyện chiếc chìa khóa

Cậu bé điều khiển chiếc xe cup 50 vào cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ (TP. Huế) để đổ xăng.

Chuyện chiếc chìa khóa
Return to top