ClockChủ Nhật, 21/02/2021 22:32

Hội đồng trường định hướng chiến lược & đảm bảo tính dân chủ

TTH - Thời gian qua, nhiều trường đại học (ĐH) tại Huế công bố quyết định công nhận hội đồng trường (HĐT); bổ nhiệm Chủ tịch và giao quyền chủ tịch HĐT các trường ĐH. Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa quen với mô hình trên.

GS. Dương Tuấn Quang được giao Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạmTS. Lê Văn Chi được giao Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y - DượcTS. Phan Khoa Cương là Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế

Ông Phan Lê Chung, Ủy viên Hội đồng ĐH Huế, Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch HĐT Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, ông Phan Lê Chung, Ủy viên Hội đồng ĐH Huế, Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch HĐT Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế cho biết, mô hình các trường ĐH có HĐT không phải là mới, nhưng hiện nay được khẳng định vai trò rõ nét hơn.

Theo ông Phan Lê Chung, có HĐT, các trường ĐH sẽ có thêm một cơ quan quản trị, điều hành và giám sát tất cả các hoạt động của hệ thống trường ĐH, cơ chế quản trị và quản lý sẽ có sự đan xen, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hơn. Mô hình này có thể tạm gọi là “tam ngôi”; trong đó, có Đảng ủy lãnh đạo, HĐT định hướng chiến lược phát triển và ban giám hiệu, đứng đầu là hiệu trưởng có vai trò quản lý và thực thi theo các nghị quyết của HĐT ban hành.

Ông có thể nói rõ hơn về mô hình HĐT?

Không phải bây giờ mới có HĐT. Tại khoản mục IV (Nhiệm vụ và giải pháp) của Nghị quyết Số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 nêu rõ: “HĐT là cơ quan thực quyền cao nhất của trường ĐH; Bí thư Đảng uỷ kiêm chủ tịch HĐT”.

Ông Phan Lê Chung được giao Quyền Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai việc phát huy vai trò của HĐT một cách sâu sát hơn thông qua nhiều nghị quyết và công văn hướng dẫn triển khai về việc thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 19, như: Công văn số 1154/BGDĐT–TCCB (31/3/2020) về việc báo cáo kết quả quy hoạch chức danh Chủ tịch HĐT, Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kết quả triển khai Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐT; Công văn số 2225/BGDĐT-TCCB (22/6/2020) về việc thành lập HĐT trong trường ĐH.

HĐT của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. HĐT có trách nhiệm và quyền hạn, gồm: Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của trường ĐH. Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường ĐH phù hợp với quy định của pháp luật; Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế…

HĐT ra đời sẽ phát huy tính dân chủ hơn trong trường học. Vai trò lãnh đạo thuộc về Đảng ủy nhà trường. HĐT thực hiện vai trò giám sát, kiểm tra. Ban giám hiệu, mà đứng đầu hiệu trưởng điều hành các hoạt động của nhà trường. Có thêm HĐT, sẽ tránh tình trạng tập trung quyền lực vào một người, đặc biệt là trước đây thường Hiệu trưởng cũng là Bí thư Đảng ủy của trường.

Tuy vậy, vẫn còn có sự hoài nghi về thực quyền của HĐT. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Phải thừa nhận, lâu nay có sự hoài nghi về thực quyền của HĐT. Tuy nhiên, chúng ta cần thay đổi về cách thức suy nghĩ này. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH ghi rõ, HĐT có quyền quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường ĐH; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường ĐH trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường ĐH…

Giai đoạn trước, đa phần hiệu trưởng đều giữ chức Bí thư Đảng ủy, tập trung quyền lực hơn. Song, hiện nay mô hình hướng đến là Bí thư Đảng ủy sẽ kiêm luôn chức danh Chủ tịch HĐT. Ngay trong định hướng của Hội đồng ĐH Huế cũng định hướng mô hình Bí thư Đảng ủy giữ chức Chủ tịch Hội đồng ĐH theo tinh thần Nghị quyết 19 đã phân tích và một số văn bản pháp luật, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi nghĩ rằng, với mô hình ấy, sẽ phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của HĐT, đứng đầu là Chủ tịch HĐT.

Cũng theo quy định, HĐT có quyền sử dụng cơ sở vật chất, con dấu, có cơ chế tài chính hoạt động và được quyền sử dụng bộ máy nhà trường để triển khai công việc. Dĩ nhiên, phân định vai trò không phải là để so sánh quyền lực của mỗi vị trí, nhưng mô hình có HĐT sẽ tăng vai trò giám sát, kiểm tra chéo. Đồng thời, người đứng đầu HĐT và hiệu trưởng cần phải có một sự thống nhất cao về các chủ trương, chiến lược nhằm hướng đến lợi ích chung, vì sự phát triển của nhà trường.

Hiện, cùng với việc đã có hành lang pháp lý đầy đủ và cụ thể, các quy định của các cấp thì Đảng ủy các ĐH, các trường đã trực tiếp chỉ đạo sâu sát vấn đề trên. Tôi tin HĐT sẽ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và quyền hạn đúng theo quy định của pháp luật.

HĐT có nhiều thành phần với một số thành viên ngoài nhà trường. Làm sao phát huy vai trò của họ trong HĐT, thưa ông?

Trong HĐT, có 4 thành phần đương nhiên, gồm: Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng (đại diện cho chính quyền), Chủ tịch Công đoàn và đại diện người học. Đại diện người học phải là người trong ban chấp hành đoàn thanh niên nhưng phải là người học (sinh viên), mục đích là hướng đến tính dân chủ.

Ngoài các thành phần trên, còn có các thành viên ngoài nhà trường. Thông thường, các trường sẽ mời người đứng đầu lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đến ngành nghề, chương trình đào tạo của nhà trường. Điều này sẽ phát huy được vai trò cộng hưởng, hỗ trợ về chuyên môn, phát huy được sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực bên ngoài. Họ có vai trò quan trọng, là những thành viên cố vấn, tham mưu về mặt chiến lược, định hướng hoạt động cho các hoạt động của nhà trường.

Mỗi năm có tối thiểu 4 phiên họp định kỳ (3 tháng/lần), ngoài ra còn có các phiên đột xuất. Cuộc họp hợp lệ là chỉ khi có trên 50% số thành viên dự họp và phải có thành viên ngoài trường ĐH tham dự.

Là Quyền Chủ tịch HĐT trẻ nhất trong số các HĐT của ĐH Huế, ông nhận thấy thuận lợi và khó khăn gì?

Hiện nay việc sử dụng các cán bộ trẻ cũng được quan tâm tại các đơn vị, trong đó có hệ thống các trường ĐH. Khó khăn đối với những cán bộ trẻ là quan niệm đã “đóng băng” phải là người có thâm niên công tác lâu năm thì mới làm được quản lý. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, lợi thế của tuổi trẻ là tinh thần nhiệt huyết, mạnh dạn trong việc triển khai các ý tưởng mới tạo nên tính đột phá. Bên cạnh đó, cán bộ lãnh đạo trẻ cũng có khả năng cập nhật nhanh hơn về các nền tảng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong quá trình điều hành… Đối với cá nhân tôi, nếu có kinh nghiệm nhưng thiếu đi sự đột phá và ngại va chạm cũng rất khó để tạo được hiệu quả.

Tất nhiên, cán bộ trẻ phải không ngừng trau dồi và tích luỹ kinh nghiệm. Cần tranh thủ sự tư vấn, góp ý của những thế hệ lãnh đạo đi trước, đội ngũ chuyên gia, cố vấn, xem đó như là một kênh tham khảo trong việc đưa ra quyết sách phù hợp.

Để phát huy vai trò HĐT, ông và các thành viên HĐT sẽ có giải pháp gì?

Chúng tôi đang xây dựng quy chế hoạt động của HĐT và các quy chế, quy định liên quan, xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giữa Đảng ủy, HĐT, ban giám hiệu để phát huy hiệu quả cao nhất.

Tôi cùng với các ban chuyên môn của HĐT sẽ nghiên cứu và xây dựng các nhóm giải pháp chiến lược và phát triển nhà trường, định danh Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế trong các hoạt động văn hóa – nghệ thuật theo các mục tiêu và sứ mạng của nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Xin cảm ơn nhưng chia sẻ của ông!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công
Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Return to top