Thế giới

Hội nghị lãnh đạo tài chính G20 thảo luận về các chiến lược thoát khỏi suy thoái do COVID-19

ClockThứ Năm, 17/02/2022 17:41
TTH.VN - Ngày 17/2, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) đã chính thức khai mạc, thảo luận về các chiến lược để thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.

G20: Thương mại đa phương sẽ giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịchHội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc hôm nayG20 chuẩn bị nhóm họp tìm các giải pháp ứng phó dịch COVID-19G20 sẽ giám sát tác động của COVID-19 đối với tăng trưởngIMF và G20 kêu gọi giải quyết tắc nghẽn nguồn cung đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu

Chủ đề của G20 năm nay là “Phục hồi cùng nhau, phục hồi mạnh mẽ hơn". Ảnh: g20.org/Vietnam+

Diễn ra trong 2 ngày, hội nghị được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại thủ đô Jakarta của Indonesia - nước hiện giữ chức Chủ tịch G20, trong bối cảnh những lo ngại do sự lây lan của biến thể Omicron và lạm phát gia tăng có thể làm mờ triển vọng phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng “một mùa đông khắc nghiệt thực sự đang đến” đối với nền kinh tế toàn cầu - vốn vẫn đang phải vật lộn với đại dịch “còn lâu mới kết thúc”.

“Trong bối cảnh hiện nay, không một quốc gia nào có thể phục hồi một mình. Tất cả các nước đều có mối liên hệ lẫn nhau. Sự trỗi dậy của một khu vực sẽ kích hoạt sự trỗi dậy của các khu vực khác. Mặt khác, sự sụp đổ của một khu vực cũng sẽ kéo theo sự sụp đổ của những khu vực khác”, Tổng thống Widodo nhấn mạnh.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay, yếu hơn mức tăng 5,9% trong năm trước.

Các cuộc thảo luận giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 dự kiến ​​sẽ bao gồm một chiến lược phục hồi kinh tế dài hạn để phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó tốt hơn với các đại dịch tiềm tàng trong tương lai, Kyodo đưa tin.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati khẳng định “việc quản lý các tác động kinh tế và tài chính từ đại dịch và cải thiện khả năng tiếp cận vaccine công bằng vẫn là một ưu tiên hàng đầu”. Bà cảnh báo rằng sự phục hồi không đồng đều tiềm ẩn những rủi ro trong ngắn hạn và nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể làm tăng nguy cơ không thể duy trì lạm phát như kỳ vọng và cản trở sự phục hồi.

Bộ trưởng Indrawati cũng nhấn mạnh, trừ khi các nỗ lực được thực hiện để giải quyết các vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp cao, đầu tư yếu và năng suất thấp, chúng “nhất định sẽ để lại những vết sẹo lâu dài” cho nền kinh tế.

Theo Kyodo, các chương trình hỗ trợ tái cơ cấu nợ cho các nước thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường khả năng phục hồi tài chính cho các nước đó cũng sẽ là một trong những nội dung được thảo luận tại hội nghị.

Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 đã có phiên họp trù bị trong 2 ngày 15/2 và 16/2.

Các phiên họp trù bị và chính thức ban đầu dự kiến sẽ được tổ chức ở Nusa Dua, nằm trên hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng Bali của Indonesia, nhưng sau đó được quyết định chuyển đến thủ đô Jakarta vì chính quyền Indonesia cho rằng thành phố này an toàn hơn do tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại đây đạt mức cao.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Kyodo News)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top