Thế giới

Hội nghị về biến đổi khí hậu COP21: Cuộc chiến Nam-Bắc

ClockThứ Ba, 01/12/2015 15:58
TTH.VN - "Công lý đòi hỏi là việc chúng ta đốt các chất gây khí thải carbon ít hơn, an toàn hơn, đi đôi với việc tiếp tục phát triển".

“Công lý khí hậu” là từ mà các nước đang phát triển đang sử dụng thường xuyên để buộc các nước phát triển gánh vác trách nhiệm tài chính cao hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trong đúng ngày khai mạc COP 21 tại Paris, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đồng thời cho đăng một bài báo do chính tay ông viết trên nhật báo kinh tế danh tiếng Financial Times. Trong bài viết, ông Modi kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng “công lý khí hậu”, một thuật ngữ do chính Ấn Độ đưa ra và hiện đang được sử dụng rộng rãi.

hoi nghi ve bien doi khi hau cop21: cuoc chien nam-bac hinh 0
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Pháp bên lề Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Paris 

“Công lý khí hậu”, hiểu theo cách đơn giản nhất đó là cần có sự phân chia một cách hợp lý và công bằng trách nhiệm của các nước thành viên, trong đó đặc biệt là trách nhiệm lịch sử của các nước công nghiệp phát triển. Các nước này đã có một thời gian dài phát triển công nghiệp, từ vài thập kỷ đến hàng thế kỷ, nên cũng đồng nghĩa với việc phải chịu trách nhiệm chính trong việc làm trái đất nóng lên.

Theo ông Modi, đóng góp của những nước phát triển này hiện nay chưa đủ. “Nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng phải có tính khác biệt cần phải là nền tảng cho những hành động của chúng ta. Công lý đòi hỏi là việc chúng ta đốt các chất gây khí thải carbon ít hơn, an toàn hơn cũng phải đi đôi với việc nó đảm bảo cho phép chúng ta tiếp tục phát triển”.

Ấn Độ, với dân số 1,2 tỷ người, hiện là quốc gia gây ô nhiễm thứ ba trên thế giới. Với việc nước này vẫn còn đến 300 triệu dân chưa có điện sử dụng và theo tốc độ phát triển hiện nay, Ấn Độ dự kiến sẽ thải ra khí quyển lượng carbon nhiều gấp đôi hiện nay vào năm 2030. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đã cam kết sẽ tăng tỷ lệ sản xuất năng lượng không có nguồn gốc hóa thạch trong ngành điện của mình lên mức 40% từ nay đến năm 2030. Để có thể thực hiện điều này, theo ông Modi, Ấn Độ cần được trợ giúp mạnh mẽ về tài chính và công nghệ mới.

 
hoi nghi ve bien doi khi hau cop21: cuoc chien nam-bac hinh 1
Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, tổ chức tại Paris (Ảnh website COP21)

Những yêu cầu như của Ấn Độ đến ngày một nhiều ngay trong ngày khai mạc COP 21. Các nước đang phát triển, hay còn gọi là các nước phương Nam, đang yêu cầu phương Bắc phải chi nhiều tiền hơn nữa. Theo các nước này, có một nghịch lý là phương Nam gây ô nhiễm ít hơn, từ quá khứ đến nay, nhưng lại đang là các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Tổng thống Issoufou Mahamadou của Niger, một quốc gia châu Phi đang bị đe dọa nặng nề bởi tình trạng sa mạc hóa lan rộng khi trái đất nóng lên, trong bài phát biểu của mình ở phiên toàn thể, tuyên bố các nỗ lực và mục tiêu đặt ra ở COP 21 hiện nay là không đủ. Tổng thống Niger cho biết, mục tiêu khống chế nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C đến cuối thế kỷ 21 hoàn toàn không đủ với các nước châu Phi, bởi với châu Phi, mức 2 độ C tương đương với 3,5 độ C và với Niger là tương đương 5 độ C.

Tổng thống Cameron, một quốc gia châu Phi khác thì cho biết, biến đổi khí hậu đã làm biến mất 90% diện tích các hồ tại nước này. Tổng thống CH Tchad, một quốc gia Trung Phi cho biết hồ Tchad, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi đã giảm diện tích từ 25.000 km2 năm 1960 xuống chỉ còn 2.500km2 hiện nay. Tất cả những tác động ghê gớm này đã làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc kinh tế-xã hội ở các quốc gia phương Nam, gây ra đói nghèo, xung đột và thậm chí cả khủng bố. Các nước này quyết liệt kêu gọi các nước phương Bắc phải đóng góp nhiều hơn nữa về tài chính, công nghệ và kỹ năng quản trị.

Trước sức ép và đòi hỏi mạnh từ các nước phương Nam, các nước phương Bắc đã có những tuyên bố và hành động cụ thể. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông ý thức rõ rằng là nền kinh tế số 1 thế giới, Mỹ cũng đồng thời là một nguồn gây ô nhiễm lớn cho trái đất. Tổng thống Mỹ cam kết nước Mỹ sẽ hành động ngay lập tức, đặt ra các mục tiêu và thường xuyên nâng cao các mục tiêu này. 

Trong ngày khai mạc COP 21, nhóm 11 nước phát triển, gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Italy, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh và Mỹ đã tuyên bố đóng góp 250 triệu USD cho Quỹ hỗ trợ các nước kém phát triển nhất nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. World Bank và các nước như Đức, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Vương quốc Anh cũng công bố sáng kiến trị giá 500 triệu USD để hỗ trợ các nước bị tác động mạnh vì biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, cuộc chiến Nam-Bắc được dự báo sẽ rất phức tạp và căng thẳng trong suốt thời gian diễn ra COP 21 và có thể sẽ trở thành một trong những cản trở lớn nhất đối với việc đạt được một thỏa thuận chung mang tính lịch sử.

Thùy Vân (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các tổ chức nhân đạo cảnh báo về nắng nóng khi mùa hè đến gần

Theo Hãng Thông tấn The Straits Times ngày hôm nay (29/3), hai tổ chức nhân đạo hàng đầu thế giới vừa lên tiếng cảnh báo, nắng nóng khắc nghiệt là một trong những vấn đề gây nguy hiểm nhất do biến đổi khí hậu; mặc dù vậy, vấn đề này ít được quan tâm hơn so với các tác động dây chuyền khác, chẳng hạn như bão và lũ lụt.

Các tổ chức nhân đạo cảnh báo về nắng nóng khi mùa hè đến gần
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu để theo dõi các chủng virus corona

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra mắt một mạng lưới mới về các chủng virus corona, CoViNet, để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm và chính xác về SARS-CoV-2, MERS-CoV, cũng như các chủng virus corona mới, có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu để theo dõi các chủng virus corona
1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói

Theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố ngày 27/3, trong khi 2,4 tỷ người trên thế giới (tương đương 1/3 nhân loại) phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hoặc vừa phải và 783 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói, thì hơn 1 tỷ bữa ăn đang bị lãng phí mỗi ngày.

1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói
Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon

Hãng Thông tấn Reuters ngày 27/3 đưa tin, Brazil và Pháp vừa khởi động một chương trình đầu tư, nhằm mục tiêu bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil và Guyana, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ euro (tương đương 1,1 tỷ USD) từ các nguồn quỹ công và tư nhân trong vòng 4 năm tới.

Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon
Return to top