ClockThứ Tư, 27/09/2017 14:06

“Hội nhập” ở một ngôi trường nhỏ

TTH - Trường tiểu học (TH) Đông Nam Sơn đóng trên địa bàn thôn Cổ Bi, xã Phong Sơn, một xã miền núi thuộc huyện Phong Điền. Do mặt bằng dân trí thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhiều, nên việc đầu tư học tập cho con em có phần hạn chế.

Nhà trường tiếp nhận thư viện mới (đầu năm học 2017-2018)

Chuyển biến

Thành lập năm 1999, Trường TH Đông Nam Sơn là một địa chỉ giáo dục trẻ. Với sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phong Điền, đội ngũ giáo viên của trường nhanh chóng vững vàng về chuyên môn. Hàng năm, trường luôn tạo điều kiện để giáo viên tham gia các cuộc thi tay nghề để xây dựng chất lượng đội ngũ. Hiện, trường có giáo viên giỏi cấp tỉnh và nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện… Về cơ sở vật chất (CSVC), là đơn vị mới thành lập, nhưng do đầu tư không đồng bộ nên phòng ốc ở đây hạn chế, nhiều trang thiết bị phục vụ dạy học nhanh chóng xuống cấp, rất khó khăn khi triển khai học 2 buổi/ngày và tổ chức các hoạt động ngoại khóa hoạt động hướng tới giáo dục toàn diện.

Năm học 2016-2017, trường đã huy động được 100% trẻ trong độ tuổi đến trường và giữ không để em nào bỏ học nửa chừng, đồng thời duy trì kết quả phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi đạt mức 3. Năm học 2016- 2017 cũng là năm bản lề cho sự thay đổi đi lên, trường được tập trung đầu tư nâng cấp CSVC. Những hạng mục tuy nhỏ, như thay mới hệ thống điện quạt, quét vôi, đổ bê tông đường đi, sửa nhà vệ sinh, đổ đất, san sân bóng, trang hoàng khẩu hiệu, mua thêm máy tính, máy ảnh, máy casset... kinh phí cũng nhỏ (chưa tới 100 triệu đồng) nhưng giúp thay đổi diện mạo, môi trường sư phạm.

Theo thầy giáo Dương Quang Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, đội ngũ CB, GV, NV của trường luôn nhiệt tình, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Việc gắn trách nhiệm của giáo viên với kết quả chất lượng giáo dục HS đã giúp thầy cô có ý thức trách nhiệm hơn. Hội đồng sư phạm của trường cũng đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), có các giải pháp sư phạm đồng bộ hiệu quả. Đồng thời quan tâm và làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng HS năng khiếu để tạo sự bứt phá cho chất lượng đại trà. Hướng tới giáo dục toàn diện, trường tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS thông qua sự phối hợp với gia đình, cộng đồng và các hình thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bước đầu chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống, di sản văn hóa các hoạt động TDTT, dân ca, trò chơi dân gian.

Là một trường vùng sâu, trường đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới PPDH, ứng dụng CNTT, sử dụng thiết bị đồ dùng vào dạy học. Trong giảng dạy, giáo viên của trường đã thực hiện đổi mới theo hướng phát triển năng lực HS, thực hiện dạy học theo nhóm đối tượng và đảm bảo chuẩn… Tăng cường quan sát, theo dõi, trao đổi kiểm tra nhận xét quá trình học tập rèn luyện của từng em để khuyến khích, đồng thời cũng phát hiện khó khăn để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Trường khuyến khích và tạo điều kiện để HS tham gia các cuộc thi như giải toán, tiếng Anh trên mạng, vẽ tranh trên máy vi tính…

Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô mà nhất là giáo viên chủ nhiệm luôn quan tâm xây dựng nề nếp tự quản, tự phục vụ của HS. Không chỉ ở trong giờ học mà cả trong hoạt động ngoài giờ lên lớp, trong hoạt động vui chơi. Thầy cô hướng dẫn các em thực hiện những thao tác phục vụ sinh hoạt bản thân như tự sắp xếp đồ dùng học tập, làm việc theo yêu cầu của giáo viên. Giáo dục cho HS chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục như phải đọc chuyên cần, biết trao đổi nội dung học tập với bạn, với thầy cô giáo; ở nhà biết làm việc nhà để giúp đỡ cha mẹ, tham gia lao động, giữ vệ sinh chung. Hướng dẫn các em tự tin, mạnh dạn trong quan hệ, tự chịu trách nhiệm về việc mình đã làm cũng như tạo dựng cho các em tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, luôn trung thực; biết tôn trọng lời hứa, nghiêm túc thực hiện các quy định về học tập, biết bảo vệ của công, sử dụng điện, nước tiết kiệm. Biết quan tâm đến ông bà, ba mẹ, anh chị em, kính trọng người lớn; có lòng tự hào về gia đình, trường lớp, quê hương và đất nước.

Thành quả bước đầu

Trường đã có học sinh tham gia các sân chơi trí tuệ chất lượng cao của HS tiểu học và đã bắt đầu có giải ở các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh;  tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn trong năm một một cách quy mô. Giáo viên chủ nhiệm kết hợp với giáo viên thể dục, Tổng phụ trách Đội đã tích cực hướng dẫn HS chơi các trò chơi tăng cường thể lực như đá cầu, nhảy dây, kéo co…, các trò chơi dân gian kết hợp với giáo dục kỹ năng sống hiện đại giúp các em phát triển năng lực, phẩm chất.

Thành tích về giáo dục mũi nhọn cũng như các hoạt động ngoại khóa, phong trào của ngôi trường nhỏ ở thôn Cổ Bi quả thật còn rất nhỏ so với các “đàn anh, đàn chị” trong huyện, trong tỉnh. Điều đáng mừng, những giải thưởng ấy đã thực sự phát huy tính tích cực, đã giúp cho phong trào học tập của trường tăng lên một bước, tạo sức hút cho trẻ đến trường ở vùng gò đồi còn nhiều khó khăn của huyện Phong Điền.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Làm đường mới, nới đường cũ”

Lâu nay, một dấu ấn ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã cho nhiều người thán phục cách giữ gìn ngôi làng cổ Phước Tích hơn 500 năm tuổi nằm bên dòng Ô Lâu, thì giờ đây lại tạo thêm kỳ tích mới về cách làm đường giao thông ở địa phương. Đó là chiến dịch “làm đường mới, nới đường cũ” đã trở thành một phong trào sôi nổi đáng ngẫm, đáng nghĩ mà học tập.

“Làm đường mới, nới đường cũ”
Sức trẻ ở Trạch Phổ

Bằng các phong trào, hoạt động khác nhau, Chi đoàn thôn Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã khẳng định được sức trẻ của mình ở một vùng quê thuộc vùng thấp trũng.

Sức trẻ ở Trạch Phổ
Return to top