ClockThứ Ba, 06/11/2018 14:00

Hội nữ công Huế - thông điệp trăm năm

TTH - Ngày 15/6/1926, một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với nữ giới, với lịch sử văn hóa Huế, là lễ khánh thành Hội Nữ công Huế, được khởi xướng bởi bà Đạm Phương nữ sử.

Nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ nữ công tại cơ sởChung kết cuộc thi "Phụ nữ Huế thanh lịch"Không nề hà việc khó

Nữ sinh Huế. Ảnh: Khánh Đăng

Trong bối cảnh tiếp xúc văn hóa và văn minh Đông - Tây cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hệ giá trị chuẩn mực lối sống, ứng xử, đạo đức luân lý truyền thống bị tác động ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là vấn đề công - dung - ngôn - hạnh trong vai trò “nội tướng”, đảm bảo hạnh phúc gia đình của người phụ nữ. Tân tiến hợp thời nhưng đồng thời cũng phải gìn giữ được nề nếp gia phong, cái gốc phong hóa qua từng nét đẹp, “cái nết” của hồn dân tộc. Đó là tinh thần cốt lõi, là thông điệp và cũng là sứ mệnh cho sự ra đời của Hội Nữ công Huế đầu thế kỷ XX mà đến nay, như vẫn còn nguyên giá trị khoa học, tính thời sự.

Ban đầu, hội quán (trụ sở của Hội) là một tòa nhà có qui mô vừa phải, với ngôi nhà được xây sẵn, có một số phòng ốc phục vụ cho những hoạt động thiết yếu của hội. Đáng chú ý, nhờ vai trò, hoạt động thiết thực của hội ngày càng phát triển, thu hút nhiều hội viên tham gia nên nhu cầu mở rộng Hội quán được đặt ra cấp thiết. Đến ngày 27/4/1928, Hội Nữ công Huế đã có văn bản gửi Tòa Công sứ Thừa Thiên để trả lời thư của quan Công sứ về việc mua khu đất theo nguyện vọng của Hội. Theo đó, Hội đã mua được một tòa nhà dùng để làm trụ sở lâu dài, nằm ở phía đại lộ vuông góc với đại lộ Chaigneau (nay là đường Lý Thường Kiệt). Hội đã xin Tòa Công sứ làm thủ tục chuyển nhượng khoảng dưới 1.000m2 đất về phía đông trụ sở hội do tòa nhà chật hẹp (cam kết chi trả 10xu/m2). Hội sử dụng nơi này như một khu vườn để giới thiệu về Hội và trong tương lai, cũng xây dựng tại đây tòa nhà thứ hai. Theo thư ngày 30/5/1928, Tòa Công sứ đã phúc đáp, rằng Ủy ban Công chánh của Tòa thị chính đã quyết định nhượng lại lô đất có diện tích 1.287m2, nằm ở số 86 đại lộ Khải Định kéo dài (đường Nguyễn Huệ hiện nay) với số tiền là 257 đồng 40 xu.

Chương trình và điều lệ Hội Nữ công Huế. Ảnh: TĐH

Trong bài diễn văn khai mạc, bà Đạm Phương đặc biệt nhấn mạnh “nữ công thực nghiệp là điều rất cần thiết cho đàn bà con gái”, nhất là trong xã hội đương thời, cụ thể với “đường kim mũi chỉ, canh cửi, bánh trái”... rất thường xuyên và cần kíp. Với tính cần mẫn ham công tiếc việc, xa lánh sự nhàn rỗi, vấn đề nữ công sẽ giúp cho phụ nữ tự lập và đảm bảo cả trong vấn đề sinh kế, tạo tiền đề cho “công nghệ thực nghiệp nước nhà sau này”. Từ truyền thống đó, khi tiếp cận với trào lưu tư tưởng, khoa học phương Tây, bà đã kịp thời bổ khuyết phương pháp để chuyển hóa từ tập tục thực hành “mẹ truyền con nối” sang một nền nữ công vẹn toàn, được thực hiện thành chương trình, giáo án bài bản trên nhiều phương diện, chấn chỉnh phong hóa truyền thống và phát huy nó ngày càng hữu hiệu.

Hội Nữ công Huế ra đời là vậy, nổi bật với các hoạt động dạy thực nghiệm về may mặc, thêu thùa, dệt vải, nuôi tằm ươm tơ, nấu ăn, làm mứt và kẹo bánh, tỉa hoa văn, làm các loại dưa - tương - cà - mắm - muối, giặt ủi áo quần; tổ chức, sắp sếp hoạt động gia đình vệ sinh, nhất là trong nuôi con, thai sản; thực hành qua tham quan nhà thai sản, cách tính chi tiêu trong gia đình, cách ghi chép sổ sách các việc nhà; đầu tư đọc sách báo, bồi bổ kiến thức khoa học, cuộc sống, luân lý, khuyến khích biên soạn các loại sách cho các môn nữ công...

Nền tảng hoạt động của hội phát xuất từ vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình trong xã hội mà ở đó, người phụ nữ có vai trò nổi bật xuyên suốt. Cả khoa học thực nghiệm lẫn quan niệm truyền thống đều thống nhất khẳng định phẩm giá đằm thắm, dịu dàng, đoan trang, cần kiệm, nhân đức... rất đặc trưng của người phụ nữ. Nhờ tinh thần hạt nhân đó đã tạo lập nên văn hóa gia đình trong vai trò “mẹ hiền vợ thuận”. Đáng lo ngại là, trước tác động của văn minh phương Tây, nhiều hệ giá trị chuẩn mực đạo đức luân lý truyền thống có nguy cơ bị phá vỡ, tạo nên một “thời kỳ khủng hoảng” do thiên kiến cực đoan từ cả hai phía. Cho nên, vấn đề đặt ra là cần tiếp thu tinh thần tự chủ, tư tưởng phát kiến, can đảm quyết nghị,... của văn minh phương Tây để bổ khuyết cho những giá trị truyền thống cốt lõi. Cái khó ở đây là tính chất thử nghiệm, phôi thai của Hội, như “hạt giống nhỏ mọn nhưng có ngày nảy nở sinh sản ra nhiều, tức phải nhờ khí hậu thổ nghi, kẻ vun, người xới mới mong đơm hoa trái”, nên cần được toàn xã hội cùng chí, chung tay quan tâm thực hiện (Báo Trung Bắc tân văn, số ngày 21/6/1926).

Trải qua hai thế kỷ, đã gần trăm năm mà thông điệp trao gửi của Hội Nữ công Huế vẫn còn nguyên giá trị. Mặc dù chỉ là “trong hàng nữ giới ở Huế có tổ chức ra một hội gọi là Nữ công Học hội” nhưng có thể nói, hội đã lớn mạnh trở thành vấn đề quốc gia và quốc tế, mang tính thời đại. Mục đích của hội đơn giản là (1) Tập luyện nữ công thực nghiệp, (2) Phụ nữ chức vụ và (3) Khai đạo trí thức nữ tử, với nhiều qui định chi tiết như “tại hội quán, không được nghị luận về quốc chánh, về các tôn giáo, cấm bàn bạc sự dị đoan, nói xúc ý nhau khi hội họp, cấm tuyệt sự cờ bạc tại hội”..., nhưng đã nắm bắt, giải quyết một cách cụ thể, quyết liệt những vấn đề cần kíp đối với người phụ nữ trong xã hội đương thời, thậm chí đến nay, vẫn nguyên giá trị.

Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 41 phần quà cho hộ khó khăn

Chiều 18/6, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế tổ chức trao quà cho người dân nghèo khó khăn trên địa bàn thành phố Huế.

Trao 41 phần quà cho hộ khó khăn
Return to top