ClockThứ Sáu, 24/04/2020 13:06

Hồi sinh làng nghề ở Phong Điền

TTH - Từ đổi mới mẫu mã, tiếp cận thị trường, một số làng nghề truyền thống (LNTT) ở Phong Điền đang dần hồi sinh, khẳng định thương hiệu.

Lực đẩy cho đệm bàng Phò TrạchGiao lưu “Tự hào truyền thống – Tiếp bước cha anh”

Cơ sở trưng bày các sản phẩm nghề đệm bàng Phò Trạch (Phong Bình, Phong Điền)

Hướng đi mới

Chỉ tính riêng tại làng Mỹ Xuyên có 28 cơ sở sản xuất các sản phầm truyền thống như nhà rường, bàn ghế, tủ và đồ gỗ mỹ nghệ trang trí nội ngoại thất với hơn 200 lao động trực tiếp, mức lương trung bình từ 7-11 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Văn Trực, Trưởng ban quản lý LNTT Mỹ Xuyên thống kê: Cả nước có tới hơn 1.000 thợ mộc Mỹ Xuyên đang làm nghề. Các công trình có kiến trúc chạm khắc gỗ tinh xảo không chỉ ở Huế mà khắp vùng lân cận hầu như đều có bàn tay tài hoa của những người thợ làng nghề Mỹ Xuyên.

LNTT đệm bàng Phò Trạch với các sản phẩm thân thiện với môi trường đang có cơ hội phát triển. Mới đây, UBND huyện Phong Điền, xã Phong Bình cùng Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt cho ra đời cơ sở sản xuất làng nghề đệm bàng Phò Trạch với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Phong Bình hy vọng: Sự ra đời của cơ sở sản xuất LNTT đệm bàng Phò Trạch trên cái “bắt tay” của nhà nước và doanh nghiệp sẽ tạo động lực mới cho nghề truyền thống này phát triển, hồi sinh. Đồng thời, UBND xã cũng đã quy hoạch lại vùng trồng bàng để phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo cơ sở hoạt động có hiệu quả.

“Cũng nhờ các chính sách hợp lý, thay đổi tư duy, tiếp cận cách làm hay, hướng đi mới của người làm nghề nên nhiều LNTT ở Phong Điền đang dần phục hồi và phát triển. Ngoài mộc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch, nhiều thương hiệu làng nghề khác như mai Điền Hòa, lưới Vân Trình, gốm Phước Tích… đã được thị trường đón nhận”, ông Hoàng Bá Nghiễm, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền thông tin.

Khách đến tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đệm bàng Phò Trạch (Phong Bình, Phong Điền)

Còn nhiều khó khăn

Năm 1998, đánh dấu mốc nghề gốm Phước Tích chính thức “tắt lửa”do không đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại, mẫu mã phong phú trên thị trường.

Với nỗ lực của thế hệ kế cận, nhiều năm qua, nghề gốm của ngôi làng cổ này có thêm nhiều mẫu mã mới, đa dạng và dần được mọi người biết tới nhiều hơn, nhất là những dòng sản phẩm nội thất. Nhiều sản phẩm đạt giải tại các hội chợ LNTT cấp huyện, cấp tỉnh, được quảng bá trong các kỳ Festival Huế.

Ông Lê Trọng Diễn, Nghệ nhân LNTT gốm Phước Tích cho hay: Với việc được công nhận làng nghề và LNTT, cùng những tín hiệu tích cực trong những năm trở lại đây, sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, nghề gốm Phước Tích sẽ tiếp tục “đỏ lửa” dù để phát triển, một thách thức hiện hay là chỉ còn một số người làm nghề.

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải trăn trở: LNTT nước mắm Phong Hải duy trì qua bao đời nay và không ngừng phát triển. Một trong những nét đặc trưng nổi bật của sản phẩm nước mắm Phong Hải chính là mắm làm hoàn toàn từ thủ công, tinh chế ra loại nước mắm ngon, không có hóa chất. Bình quân mỗi năm có khoảng 500 ngàn lít nước mắm được xuất bán trên thị trường. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nước mắm Phong Hải chủ yếu là trong huyện và trong tỉnh mà chưa vươn đến được các thị trường lớn.

Trên địa bàn huyện Phong Điền có 8 nghề, làng nghề đã được công nhận. Ngoài một số làng nghề phát triển hiệu quả, hầu hết các làng nghề, LNTT chủ yếu là các hộ sản xuất nhỏ lẻ; sản xuất trong thời gian nông nhàn; thu nhập từ hoạt động sản xuất không phải là thu nhập chính. Một số làng nghề chưa thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Trước sự phát triển của các sản phẩm công nghiệp mẫu mã phong phú, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, các sản phẩm của các làng nghề khó cạnh tranh được trên thị trường; nguồn nhân lực, nguyên liệu phục vụ cho hoạt động của các làng nghề hiện nay còn hạn chế...

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: Để hồi sinh và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, ngoài việc các LNTT phải tăng giá trị các sản phẩm bằng cách cải tiến chất lượng, mẫu mã, huyện Phong Điền triển khai nhiều giải pháp, khuyến khích phát triển các làng nghề, LNTT như đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, kết nối thị trường.

UBND huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với phát triển làng nghề.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền

Từ khi mô hình camera giám sát an ninh trật tự (ANTT) được triển khai ở Phong Điền đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền

TIN MỚI

Return to top