ClockThứ Ba, 06/05/2014 02:51

Hồi sinh một dòng sông

TTH - Chảy ngang Kinh thành Huế từ Tây sang Đông, dòng sông Ngự Hà chia Kinh thành làm hai khu vực là Bắc nội thành và Nam nội thành. Hai bờ được nối với nhau bằng 5 chiếc cầu kiên cố, gồm: cầu Ngự Hà (cống Cầu Kho), cầu Khánh Ninh (cống Hắc Báo), cầu Vĩnh Lợi và hai đầu sông Ngự Hà còn có hai cửa là Tây Thành Thủy Quan (cống Thủy Quan) và Đông Thành Thủy Quan (cống Lương Y).

Lịch sử dòng sông

Khởi công từ năm 1804, một năm sau (1805), nhà vua cho đào sông Ngự Hà từ nhánh Bao Vinh vào đến Võ Khố (khu vực Cầu Kho ngày nay), đặt tên là Thanh Câu. Đến 1825 (năm Minh Mạng thứ 6) mới được đào tiếp cho đến giáp sông Kẻ Vạn và đổi tên thành Ngự Hà. Dòng sông này cũng là một “mạch chính” thủy lợi nối kết hơn 40 hồ nước trong Thành nội bằng năm hệ thống ống cống lớn xây bằng gạch, đổ xuống vùng hạ lưu sông Hương. Lịch sử của dòng sông gắn liền với việc xây dựng Kinh thành Huế.
Sông Ngự Hà sau khi được nạo vét, trước cống Cầu Kho.
Trước năm 1975, do nhu cầu cấp thiết nơi ăn chốn ở cho những người dân, chính quyền tỉnh Thừa Thiên hồi ấy cho phép họ được che chắn tạm thời những chỗ đất trống trên bờ thành, những nơi ven hồ, ven sông… Dù đã có quy định nghiêm cấm việc xây dựng kiên cố, nhưng sự lấn chiếm của người dân vẫn cứ diễn ra, đó là lý do sông bị bồi lấp… làm cho dòng sông vốn có tầm quan trọng đặc biệt cho đời sống cư dân vùng Nội thành Huế dường như đã chết. Sau đó, do buông lỏng việc quản lý, hai bên bờ sông mọc kín những công trình xây dựng bê tông cốt thép, nhà tầng. Con sông phải gánh chịu một lượng rác thải sinh hoạt lớn dồn tụ lâu ngày làm khô kiệt. Những công trình vệ sinh ngang nhiên thải thẳng xuống hồ nhiều năm, đã thu hẹp con sông vốn rộng hơn 44m dài gần 4 cây số chỉ còn là một lạch nước bé nhỏ.
Những năm 1992, 1996 và năm 2000 tỉnh Thừa Thiên Huế cho đào đắp, nạo vét để khơi thông lại dòng chảy với kinh phí rất lớn, nhưng kết quả không khả quan do khó khăn trong việc giải tỏa số cư dân dọc hai bên bờ, khiến những nỗ lực nạo vét khơi thông không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Dòng sông ngày nay
Nhằm giúp ngành du lịch thiết lập lại hệ thống du lịch sinh thái, trong đó có đoạn đường thủy từ sông Hương chảy quanh Kinh thành Huế, nên từ năm 2012, công trình nạo vét sông Ngự Hà để tạo cảnh quan hai bên bờ đã được khởi công và hoàn tất vào cuối năm 2013.
Từ cống Thanh Long đến cống Thủy Quan nối ra sông Hương, dòng sông đã được trả lại không gian thoáng đãng. Dịp Festival Huế 2014, du khách đến Huế thăm lại dòng sông Ngự Hà phần nào tìm được nét xưa với những giá trị nhân văn của riêng nó. Trên dòng nước trong xanh, thấp thoáng đâu đó vài con thuyền của những người thả câu. Trên những đoạn kè đã được sửa chữa khang trang, sạch sẽ, chiều chiều có nhiều người ngồi ngắm sông, câu cá. “Sáng sáng, chiều chiều người già, người trẻ đi bộ thể dục có thể ngắm cảnh đẹp trong lành của dòng sông”. Sau khi được nạo vét, phường Tây Lộc đã nhiều lần tổ chức đua ghe trên sông Ngự Hà nhờ dòng nước có độ sâu, thoáng và sạch sẽ.
Để có được kết quả đó, các ngành chức năng của tỉnh phải rất nỗ lực. Tiến độ giải phóng số nhà dân sống trên hai bờ sông của 4 phường Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa và Tây Lộc là khá nhanh so với những công trình khác trong thành phố. Công việc nạo vét sau đó cũng rất khẩn trương, đúng tiến độ và đảm bảo lưu lượng nước trên sông có dòng chảy trong xanh, dù hai bên bờ chưa được hoàn thiện, bước đầu công trình nạo vét còn nhiều hạn chế. Chính quyền sở tại dọc sông Ngự Hà vẫn chưa có biện pháp triệt để, nên vẫn xảy ra tình trạng lộn xộn hai bờ sông. Một số hộ dân vẫn muốn tận dụng đất để trồng rau rồi làm hàng rào phân cách gây ảnh hưởng đến cảnh quan theo thiết kế chuẩn. Việc đánh bắt cá bằng những loại nò sáo Trung Quốc, xung điện còn tồn tại, không chỉ làm hủy diệt nguồn thủy sản mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước. Trên các đoạn đường Triệu Quang Phục, Ngô Thế Lân có nhiều quán nhậu bình dân tự phát, xe cộ để lộn xộn không những làm mất mỹ quan mà còn gây ảnh hưởng an toàn giao thông. Công ty Công trình đô thị và Môi trường nhiều lần đầu tư dẹp trật tự hai bên bờ sông, nhưng những việc đáng tiếc vẫn xảy ra. Thỉnh thoảng, có một vài công nhân dùng thuyền máy rảo dọc giữa dòng sông để vớt bèo và rác. Điều này chứng tỏ các đơn vị liên quan đang cố gắng giữ những gì tốt đẹp nhất cho dòng sông Ngự Hà.
Công trình nạo vét sông Ngự Hà và làm sạch cảnh quan hai bên bờ là sự thành công lớn về mặt mỹ quan cho thành phố, giúp dòng sông đầy huyền tích đã thực sự hồi sinh. Để làm được điều này, thành phố cần có thái độ cương quyết hơn để lập trật tự hai bên bờ, và nên có quy hoạch sớm để người dân không còn tiếc đất trồng cây… giữ được cảnh đẹp đúng với thiết kế của công trình.
Bài và ảnh: Hương Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top