ClockThứ Sáu, 30/10/2015 15:04

Hồi sinh văn hóa “xi-nê”

TTH - Cố đô Huế những năm của thập kỷ 60 – đã từng có một thời vàng son của văn hóa xem "xi-nê". Tưởng chừng như nếp văn hóa này đã mất bởi sự có mặt của nhiều loại hình giải trí hiện đại, hấp dẫn, thế nhưng thật bất ngờ là sinh hoạt văn hóa này đã hồi sinh trở lại.

Khán giả xếp hàng chờ mua vé tại Lotte Cinema. Ảnh: Minh Hiền

Thời vàng son

“Mở tủ quần áo lựa chọn một bộ ưng ý nhất ủi nếp phẳng phiu, rồi cả ngày đứng soi gương chỉnh ngắm mà trong lòng náo nức như sắp đi trẩy hội”, đó là ký ức của nhà văn – dịch giả Bửu Ý khi hồi tưởng lại tâm trạng của một thanh niên trí thức trẻ Huế chuẩn bị đi xem chiếu bóng những năm thập niên 60 – 70.
Ông Bửu Ý nhớ lại: Huế hồi đó có đến 5 rạp chiếu phim, đó là Tân Tân (Đông Ba bây giờ), Gia Hội, Châu Tinh, Hoàn Mỹ, Morin và sau này có thêm rạp Hưng Đạo. Nhiều là vậy nhưng rạp nào cũng rất đông khách, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa sôi nổi của công chúng. Trước giờ xem phim, tiền sảnh rạp chiếu người ta đứng hàn huyên trò chuyện về bộ phim mình sắp thưởng thức rất hào hứng. Những minh tinh màn bạc lừng lẫy một thời, như Marylyn Monroe, Elizabeth Taylor, Sean Connery, Lý Tiểu Long là chủ đề để mọi người nói một cách say sưa. Thời đó, người xem phim có thú sưu tập những tờ chương trình phim, dù được in đơn giản, trên chất liệu giấy cũng khá “mộc” không sang trọng như bây giờ nhưng những con “Ma phim” (theo cách nói của nhà văn Bửu Ý) luôn lùng sục, sưu tầm, trao đổi với nhau, xem như là những món quà hết sức quý giá.
Những người trẻ sinh ra sau ngày giải phóng, ít ai biết thời ấy các rạp chiếu bóng ở Huế đã có sự cạnh tranh “rất dữ”. Rạp nào cũng muốn tạo bản sắc riêng bằng cách in những tờ chương trình có nội dung thật hấp dẫn, đặc biệt là phải có những tranh pano giới thiệu phim cuốn hút khán giả. Người vẽ có tiếng nhất là họa sĩ Lê Vinh có biệt tài vẽ tranh minh họa phim khổ lớn cực kỳ sống động, toát lên được thần thái của nhân vật và nhiều họa sĩ khác đôi khị ganh tỵ về tài năng đặc biệt này. Nét thú vị mà nhiều người lớn tuổi không bao giờ quên khi đi xem chiếu bóng đó là rạp không chỉ chiếu phim mà còn lồng ghép rất nhiều hoạt động khác trước giờ chiếu, như: chiếu thời sự trong nước, quốc tế, phim ngắn, phim hoạt hình, thậm chí các hoạt động ca nhạc, ảo thuật, tạp kỹ rất sinh động, ông Bửu Ý nhớ lại. 
Ngủ quên
 Trong 5 rạp chiếu phim “vang bóng một thời” ở Huế sau ngày giải phóng 1975 chỉ có rạp Đông Ba vẫn còn hoạt động đến nay, các rạp khác số thì bị xóa sổ, cho thuê, đóng cửa hoặc chuyển đổi cho thuê sang lĩnh vực khác (như rạp Hoàn Mỹ đóng cửa, rạp Gia Hội cho thuê mở nhà hàng kinh doanh đám cưới, rạp Hưng Đạo trở thành nhà văn hóa Thành phố, rạp Morin trở thành khách sạn). Ông Hồ Xuân Đài, Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên Huế cho biết: “Những năm qua, rạp Đông Ba chỉ hoạt động cầm chừng, do cơ sở cũ kỹ, xuống cấp, máy móc lỗi thời nên rất ít thu hút khán giả đến rạp. Mới đây, Rạp Đông Ba được đầu tư gần 1 tỷ đồng để tu sửa lại mặt tiền, song hoạt động cũng chưa khởi sắc, bởi công nghệ máy chiếu đã quá lỗi thời, chỉ chiếu được phim cuộn 35 ly, trong khi các nhà sản xuất hiện nay đều chuyển sang sử dụng định dạng kỹ thuật số nên nguồn phim khan hiếm, không tương thích. Vừa qua, tỉnh đã đồng ý đầu tư mới một máy chiếu phim kỹ thuật số kinh phí 2,7 tỷ đồng, song vẫn chưa biết bao giờ mới bố trí được vốn”.
Cũng theo ông Đài, cách đây hơn 5 năm, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng trung tâm giải trí, điện ảnh kết hợp với nhiều loại hình dịch vụ văn hóa khác tại đường Hai Bà Trưng (rạp Fafim cũ) với kinh phí 23 tỷ đồng, song do nhiều nguyên nhân khách quan nên dự án đến nay vẫn không thể khởi động được. “Nếu sớm được đầu tư rạp chiếu phim hiện đại tích hợp nhiều loại hình dịch vụ, tôi tin Thừa Thiên Huế có một thiết chế văn hóa hoạt động hiệu quả, bằng chứng là rạp Lotte Cinema đưa vào hoạt động một năm nay rất thành công, doanh thu hàng chục tỷ đồng, trong khi rạp Đông Ba mỗi năm chỉ xấp xỉ 300 triệu đồng” – ông Đài tiếc nuối.
Và sự “đánh thức”   
Điện ảnh được xếp là một trong 7 môn nghệ thuật của nhân loại, vậy nên nó không thể mất đi mà chỉ bị “ngủ quên” và không bất ngờ khi sự yêu thích điện ảnh của công chúng Huế, vốn ở dạng tiềm năng đã được đánh thức ngay sau khi rạp Lotte Cinema ra đời. Bản thân người viết bài này rất đỗi vui mừng, khi chứng kiến cảnh hàng trăm người xếp hàng ken cứng trên tiền sảnh của rạp chiếu phim Lotte Cinema để chờ mua vé xem phim Việt Nam “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Càng bất ngờ hơn khi nhận được con số thống kê hết sức ấn tượng từ bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Rạp trưởng Lotte Cinema Huế, là chỉ hơn một năm từ ngày rạp đi vào hoạt động, đã có hơn 700 nghìn lượt khách đến rạp, số người đến rạp ước tính từ gần 2.000 lượt người/ngày. Mỗi ngày với 3 phòng chiếu, tối thiểu rạp Lotte chiếu khoảng 18 – 20 suất, cao điểm như đợt phim sốt vừa rồi lên đến 24 suất/ngày, riêng bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã lập kỷ lục với hơn 10 suất, và hầu như các xuất chiếu đều kín người xem.
Giới trẻ Huế đến rạp ngày càng đông là do hạ tầng rạp rất khang trang, hiện đại theo chuẩn quốc tế, cách thức phục vụ cũng rất chuyên nghiệp do Lotte Cinema đem lại. Không chỉ tạo ra một không khí xem phim gần gũi, thoải mái cho khán giả, Lotte cũng quan tâm đến sự tương tác, phản hồi với khán giả qua mạng xã hội. Trâm Anh, SV Đại học Khoa học Huế cho biết, tôi đến với Lotte bởi ở đây có không gian đẹp, thích hợp để thực hiện sở thích chụp ảnh Selfy chia sẻ trên mạng xã hội, hay thưởng thức đồ ăn thức uống ở căn tin. Ấn tượng nhất đó là nhận được sự tiếp đón, hướng dẫn tận tình, lịch sự của đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản từ hệ thống Lotte...”.
“Chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ ở mức trên cả hài lòng. Ví như, mới đây Lotte Cinema đặt thêm một dãy bàn ghế ở khu vực tiền sảnh để khán giả trong thời gian chờ phim có thể trao đổi, hàn huyên. Với khẩu hiệu “Happy memories”, Lotte Cinema đặt tiêu chí đem đến những kỷ niệm đẹp, một môi trường, không gian sinh hoạt giải trí lành mạnh, hiện đại cho công chúng Huế”, bà Thanh Hồng cho biết.        
Quang Phong – Thúy Hằng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top