ClockThứ Ba, 09/02/2021 09:20

Hồi sinh vùng lộng

TTH - Khi những con sóng dữ trở lại hiền hòa là lúc ngư dân dong thuyền bủa lưới, giăng câu trên vùng biển lộng. Mấy ngày nay, thuyền nào cũng thu nhập 2-3 triệu đồng mỗi ngày từ đánh bắt cá khoai, cá hanh…

Khi cá tôm trở vềChuyển đổi sinh kế bền vững cho người dânHọc làm du lịch - Bài 2: Liên kết để phát triển

Trở về từ biển

Theo nghiệp cha ông từ thuở nhỏ, đến nay ngót nghét 60 tuổi, ngư dân Võ Tượng ở xã Phong Hải (Phong Điền) vẫn chưa tính đến chuyện thôi nghề biển. Trừ những ngày đông giá rét, biển động mạnh, ông Tượng mới cho thuyền nằm bờ, còn lại ngày ngày đều rong ruổi, ra khơi, vào lộng...

Ông Tượng bảo, nghề biển xưa nay chưa bao giờ sướng, thậm chí nhiều gian khó mới có được gánh cá, mớ tôm nuôi con ăn học. Biển không phải lúc nào cũng lắm tôm nhiều cá, có những chuyến về không. Nhưng sinh sống ở vùng biển, “trót mang nghiệp biển” thì khó có nghề nào thay thế.

Một thời các nghề đánh bắt trái phép bằng chất nổ, giã cào, te quệu... khiến nguồn lợi hải sản vùng biển lộng cạn kiệt. Thời gian trôi qua, môi trường biển cũng dần trở lại ổn định, các nghề khai thác trái phép được siết chặt, từng bước hạn chế. Các nghề giã cào tuy chưa xử lý triệt để nhưng nạn đánh bắt bằng chất nổ đã không còn từ nhiều năm nay. Cá, tôm gần bờ bắt đầu sinh sôi, dồi dào trở lại.

Năm vừa qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trước dịch bệnh, thiên tai nhưng đổi lại một năm nghề đánh bắt gần bờ mang lại niềm vui cho ông Tượng và ngư dân ven biển. Trừ những ngày biển động, còn lại hầu như ngày nào ngư dân cũng có thu nhập từ khai thác gần bờ. Mùa cá trích, cá cơm, bạc má… năm nay các thuyền đánh bắt gần bờ đều trúng đậm, mỗi ngày đều có thu nhập từ vài triệu đồng trở lên.

Ngày trước, đến mùa cá trích, nục, cơm, duội… chuyến biển nào cũng đầy ắp cá. Đến khi nạn đánh bắt trái phép hoành hành, lượng cá ngày càng ít dần. Có lúc ngư dân thất vọng, nản chí trước nguồn lợi hải sản cạn kiệt. Các nghề vốn nổi tiếng như nghề “lói” bị ngư dân “bỏ quên” từ nhiều năm nay. Chừng vài năm trở lại đây, cá, tôm gần bờ dần hồi sinh, nhất là những ngày vừa qua, cá khoai, cá hanh, cá đối… vào gần bờ rất dồi dào.

Vùng biển lộng đang hồi sinh. Cứ sau những ngày biển động, lượng cá khoai vào gần bờ rất lớn. Mỗi chuyến đánh bắt từ vài chục ký đến cả tạ cá khoai, thu nhập mỗi thuyền từ vài triệu đến 7-8 triệu đồng, tùy thuộc vào giá cả mỗi thời điểm. Những con hanh, cam, thu, chủa, kè, tho, bò… một thời gần như mất hút khỏi vùng biển lộng, giờ đây đã xuất hiện trở lại rất nhiều trong những ngày đầu năm.

Còn nhớ vào giữa tháng 4 năm trước, ngư dân vùng biển Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang), Hải Dương (TX. Hương Trà)… trúng đậm cá rò con (kình), ngoài bán làm giống nuôi thương phẩm, còn lại ngư dân ủ làm mắm. Nhiều ngư dân khai thác bằng thủ công thu nhập 2-3 triệu đồng/ngày, có hộ đánh bắt quy mô hơn như dùng đáy, rớ có thể thu nhập vài chục triệu đồng/ngày. Theo ngư dân, nguồn cá rò dồi dào cho thu nhập lớn như năm vừa qua là điều mà từ nhiều năm nay chưa từng có.

Cùng thời điểm, ngư dân các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) chỉ đánh lưới ven bờ vài giờ có thể thu vài tấn cá cơm. Ngư dân Nguyễn Đính ở xã Quảng Công cho biết, nhiều năm qua, đến mùa, cá cơm đều xuất hiện gần bờ nhưng sản lượng rất ít. Chừng vài năm nay, ngư dân liên tục được mùa cá cơm. Một thời, nghề lưới “rồng” bủa cá cơm, me, duội tưởng chừng đi vào “ngõ cụt”, giờ đây được nhiều ngư dân đầu tư mua sắm trở lại. Thuyền chở đầy ắp cá phải neo xa bờ để tăng bo mới đưa được thuyền vào bờ, hình ảnh thường gặp của mấy chục năm trước tưởng chừng không còn giờ đây đã “tái hiện” khá phổ biến.

Ngoài các nghề truyền thống, với ngư dân vùng biển Ngũ Điền và một số vùng ven biển, nghề “lói” (làm tổ trú ngụ, sinh sản cho hải sản bằng tàu lá chuối khô) được xem như biểu tượng của các nghề đánh bắt hải sản gần bờ đã từng mai một, có nguy cơ thất truyền.

Mới đây, khi nguồn cá, tôm bắt đầu sinh sôi, bà con đã trở lại nghề “lói”. Có nơi trú ngụ, sinh sản, các loài hải sản vùng biển gần bờ đang được phục hồi, dồi dào. Nhiều thuyền ngư dân ven biển Ngũ Điền trúng đậm các loại cá nục, bạc má... từ nghề “lói”. Chỉ cần đặt mỗi bộ “lói” cách bờ biển vài hải lý, chi phí khoảng vài triệu đồng, ngư dân hằng ngày có thể đánh bắt hải sản bằng các loại lưới bủa cá nục, bạc má, hoặc câu các loại hải sản.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu cho biết, những ai từng về các vùng ven biển Ngũ Điền (Phong Điền) chứng kiến cảnh đìu hiu, thuyền nằm bờ dù trời yên biển lặng cách đây vài năm về trước, thì nay thật sự ngỡ ngàng trước cảnh thuyền ra vào tấp nập. Sau biển động mạnh, những con sóng lớn vẫn còn vỗ bờ, nhiều ngư dân vẫn “hầu sóng” vươn khơi, không bỏ phí nguồn lợi hải sản sinh sôi, dồi dào.

Ngư dân sắm đủ các nghề lưới trích, lưới nục, bạc má, lưới kéo dạ (kéo khuyết), tôm, “bủa rồng”, câu mực, cá thu, dủa, ngừ… Cứ thế, hết mùa cá trích, đến mùa đánh bắt cá nục, cá cơm, kéo ruốc… các thuyền không còn “thời gian rảnh”, trừ những ngày biển động.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.900 thuyền đánh bắt gần bờ. Ngư dân đa dạng hóa, mở rộng quy mô các nghề khai thác, vươn khơi hơn, sản lượng đánh bắt ngày càng cao. Năm vừa qua, trong khi nghề đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn, sản lượng giảm thì đánh bắt vùng lộng, gần bờ mang lại hiệu quả, góp phần đưa sản lượng khai thác thủy hải sản toàn tỉnh đạt 39.270 tấn, cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Nghệ nhân Nhật Bản hy vọng hồi sinh nghề thủ công với F1

Ở bên kia thị trấn từ Đường đua Suzuka của Nhật Bản, nơi sẽ tổ chức Giải đua xe F1 Grand Prix vào ngày 7/4 tới đây, nghệ nhân Kenji Tanaka đang hoàn thiện mô hình giấy F1 mới nhất cùng hy vọng sẽ thu hút sự quan tâm của quốc tế đối với một nghề thủ công có tuổi đời hàng thế kỷ.

Nghệ nhân Nhật Bản hy vọng hồi sinh nghề thủ công với F1
Hồi sinh từ thận hiến

Ca ghép thận đầu tiên năm 2001 đã đưa Bệnh viện (BV) Trung ương Huế vào bản đồ ghép tạng Việt Nam. Đến nay, đơn vị đã phẫu thuật 1.500 trường hợp, đồng nghĩa thắp lên hy vọng tái sinh cho 1.500 con người đang cận kề cửa tử.

Hồi sinh từ thận hiến
Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh

Các khu phố cổ ở vùng đất Cố đô được xem là yếu tố quan trọng kết nối các giai đoạn hình thành đô thị Huế. Trải qua thời gian, những khu phố cổ ấy được các cơ quan chức năng, tổ chức trong và ngoài nước đưa ra nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thế nhưng việc triển khai như thế nào vẫn là một bài toán khó.

Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh
Return to top