ClockThứ Hai, 27/01/2014 14:45

Hội tụ bản sắc văn hóa năm châu

TTH - Được chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng, Festival Huế 2014 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 12 đến 20/4 đã sẵn sàng vào hội. Festival Huế 2014 - nơi tụ hội các thành phố cố đô của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới - với nhiều nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn đang chờ đón du khách.

Làm mới lễ hội

Trả lời câu hỏi: “Festival năm nay có gì mới?”, ông Huỳnh Tiến Đạt - Phó Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết: “Festival cận kề, ai cũng hỏi tôi câu này. Đây là câu hỏi khó nhưng với lễ hội lần này hầu như không có chương trình và đoàn nghệ thuật nào lặp lại. Dẫu có giữ tên gọi cũ, “chất” của mỗi chương trình, lễ hội trong Festival năm nay cũng đều mới”.

Chương trình nghệ thuật mở màn đêm khai mạc Festival 2012. Ảnh: Trang Hiền

Đổi mới nội dung và hình thức trình diễn, điểm nhấn đầu tiên của Festival năm nay là lễ khai mạc được tổ chức ở quảng trường Ngọ Môn, xoay sang hướng Kỳ Đài. Bám theo chủ đề, lễ khai mạc kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với hiện đại theo tiêu chí giữ cốt cách truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới. Ông Huỳnh Tiến Đạt giới thiệu: “Nếu lễ khai mạc các kỳ Festival trước, chúng ta thường đưa vào chương trình những chất liệu truyền thống nguyên bản, thì lần này, những tiết tấu, vũ đạo hiện đại sẽ được đưa vào trên nền những loại hình di sản văn hóa đã được thế giới công nhận. Nhưng, dù hiện đại thì cuối cùng tính văn hóa truyền thống, di sản, nét văn hóa của Huế vẫn nổi lên, tạo hình ảnh mới hấp dẫn, thu hút”.

Sôi động Lễ hội đường phố. Ảnh: Trang Hiền

Với mong mỏi giới thiệu bản sắc độc đáo riêng có của Huế đến du khách, lần đầu tiên,chương trình nghệ thuật tôn vinh ca Huếđược tổ chức. NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế cho biết, chương trình tôn vinh ca Huế sẽ được tổ chức ở bến thuyền Tòa Khâm – bến truyền thống của ca Huế. Là loại hình âm nhạc bác học có hình thức diễn xướng thính phòng, tri âm tri kỷ, chương trình sẽ đi từ bản chất, hồn của ca Huế. Không như các chương trình khác được tổ chức ở một điểm, phần 1 của chương trình tôn vinh ca Huế diễn ra ở sân khấu trên bờ. Bên cạnh những tiết mục do các nghệ nhân tiền bối Thanh Tâm, Khánh Vân... biểu diễn còn có nhiều tiết mục ca Huế đặc sắc với sự trình diễn của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên. 

Trong không gian của dòng Hương, phần 2 của chương trình sẽ diễn ra trên 25 thuyền rồng. Mỗi thuyền có một đội biểu diễn phục vụ quan khách bằng những bài bản Huế “rin”. “Ca Huế là đặc sản riêng có của Huế nhưng để thể hiện hết cái hay của nó với công chúng không phải dễ. Là loại hình tri âm tri kỷ, một nhóm người ngồi trong một không gian nhỏ để cùng rung động qua lời ca tiếng hát tâm tình, giờ đưa ca Huế ra quảng đại, trở thành lễ hội nên đòi hỏi phải tổ chức sao cho có chiều sâu, đi vào lòng người”, ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế chia sẻ.

Đêm thu đông. Ảnh: Đặng Văn Trân

Nếu Festival 2012, đường Đoàn Thị Điểm đã được đoàn nghệ thuật Carabosse (Pháp) trang trí lung linh bằng nghệ thuật ánh sáng thì Festival 2014, chương trình nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse sẽ thắp sáng cầu Trường Tiền bằng nghệ thuật sắp đặt lửa. Sử dụng các chậu nến lớn, kết cấu cầu Trường Tiền sẽ được tạo hiệu ứng ánh sáng mới lạ. Ngoài sắp đặt lửa, trên cầu Trường Tiền còn có triển lãm ảnh nghệ thuật 54 dân tộc Việt Nam của nghệ sĩ Sebastienne Laval. Với hình thức tổ chức và phong cách biểu diễn mới lạ, đây sẽ là chương trình tổng hợp lớn Việt - Pháp, điểm nhấn độc đáo gắn với sông Hương - cầu Trường Tiền - Chợ Đông Ba nhân 115 năm hình thành.

Tiếp tục là một hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á – Mỹ La tinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng, Festival 2014 chú trọng đầu tư cho lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa”. Theo đó, lễ hội đường phố sẽ được mở rộng quy mô và tăng thêm thời gian, trở thành một hoạt động sôi động, đặc sắc của các đoàn nghệ thuật đường phố đến từ các nước Đông Á - Mỹ La tinh và một số đoàn quốc tế, như: đoàn cà kheo của Bỉ, dàn kèn đồng của Ba Lan, nhóm nhạc đường phố của Pháp… Cùng một số chương trình cộng đồng, lễ hội đường phố sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra Festival, thu hút khách du lịch và công chúng.

Năm nay, Lễ hội Áo dài, Đêm phương Đông, Âm sắc Việt... vốn đã thành công ở các kỳ Festival trước tiếp tục góp mặt. Dẫu vẫn giữ tên cũ nhưng sẽ có nhiều điểm mới và chất lượng được nâng cao. Đêm Hoàng Cung sẽ thu hút hơn, đặc sắc hơn với việc nâng chất Dạ nhạc tiệc cung đình trở thành một nghệ thuật văn hóa ẩm thực cao cấp phục vụ du khách. Một điểm nhấn mới trong Festival năm nay là tổ chức các dịch vụ ban đêm tại các trục đường quanh Hoàng thành – Đại Nội: 23/8, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê Huân… trở thành chuỗi hoạt động bổ trợ cho Đại Nội.

Lễ bế mạc với chương trình nghệ thuật sâu lắng được tổ chức tại khu bãi bồi của công viên đường Trịnh Công Sơn, kết hợp với phần hậu cảnh là nghệ thuật sắp đặt lửa cầu Trường Tiền sẽ tôn vinh vẻ đẹp của dòng sông, vẻ đẹp của cầu Trường Tiền. Chương trình khai mạc, bế mạc đều gắn với nội dung kỷ niệm 115 năm chợ Đông Ba – cầu Trường Tiền. Trên cầu, người đi bộ xem tranh 54 dân tộc trong tiếng nhạc và những tà áo dài, hiện lên hình ảnh Huế xưa.

Khẳng định thương hiệu Festival Huế

Festival Huế 2014 sẽ quy tụ các chương trình nghệ thuật tiêu biểu, đặc trưng cho những vùng văn hóa và các thành phố cố đô của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế; là nơi gặp gỡ đặc sắc của nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao mang dấu ấn của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: “Với Việt Nam, chỉ có Festival Huế. Festival Huế không chỉ của Thừa Thiên Huế mà là của Việt Nam, vì vậy, tất cả các đơn vị chức năng của Bộ phải cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị thật tốt”.

Đến thời điểm này, đã có 43 đoàn nghệ thuật đến từ 34 quốc gia ở 5 châu lục chính thức đăng ký tham gia lễ hội. Trong đó có các quốc gia lần đầu tiên tham dự, như: Slovakia, Palestin, Conggo, Mali,...Sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật có đẳng cấp quốc tế, như: Đoàn nghệ thuật trống Bati-holic đến từ thành phố cố đô lịch sử Kyoto (Nhật Bản), nhóm vũ nhạc Tararam của Israel, ban nhạc Sururu na Roda của Braxin, dàn nhạc OSP Nadarzyn - một trong những ban nhạc nổi bật nhất của đất nước Ba Lan… sẽ giúp Festival năm nay thu hút, sôi động hơn. Đặc biệt, chương trình xiếc “Làng tôi”, sau trên 300 xuất diễn thành công lớn ở Pháp và châu Âu sẽ lần đầu tiên có mặt tại Festival Huế.

Ông Huỳnh Tiến Đạt nhấn mạnh: Festival năm nay cũng đặt ra mục tiêu chú trọng những chương trình “tinh” hơn, nâng dần chất lượng chứ không dàn trải. Số lượng sân khấu sẽ giảm để tránh xung đột âm thanh, tính chất sân khấu hóa lễ hội cũng giảm đi. Không như các năm trước, tất cả các đoàn đều tham gia từ đầu đến cuối, năm nay, sẽ phân bổ các đoàn đều các tour. Mỗi đoàn đến 2-3 ngày, biểu diễn xong thì đoàn khác đến.

Ngay khi Festival Huế 2012 kết thúc, công tác chuẩn bị cho Festival Huế 2014 được triển khai một cách đồng bộ và mang tầm quốc gia. Công tác tuyên truyền, quảng bá cũng được thực hiện sớm hơn, tập trung hơn, cả trong và ngoài nước. Thông qua kênh của Bộ Ngoại giao, Ban Tổ chức đã gửi tài liệu cho hơn 100 đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá. Ban Tổ chức cũng đã đề nghị các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đặt đường link, banner về Festival Huế trong website của mình.

Với vị trí của người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Thanh tâm sự: “Chúng tôi luôn trăn trở tổ chức sao để nâng cao vị trí văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đối với quốc tế, tiếp tục khẳng định thương hiệu Festival Huế với những đặc trưng đã được tạo dựng và đánh giá cao qua các kỳ Festival gần đây”.

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top