ClockThứ Hai, 18/12/2017 14:16

Hội tụ & rung cảm

TTH - Với sự chọn lựa cẩn thận của Hội đồng nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật truyền thống năm nay hội đủ sắc thái đặc trưng của mỹ thuật Huế, mang lại những rung cảm thẩm mỹ trong cảm xúc người xem.

Trưng bày tác phẩm, chuẩn bị cho việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuậtTriển lãm 40 tác phẩm mỹ thuật về Bác HồĐào tạo mỹ thuật ứng dụng: Hướng đến nhu cầu của doanh nghiệpDạy mỹ thuật không thể theo kiểu “hàn lâm”Khởi động bước đầu cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Mỗi năm, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức một triển lãm truyền thống nhân Ngày Mỹ thuật Việt Nam (10/12). Đây được xem là triển lãm lớn nhất, quan trọng nhất của hội trong năm, là ngày hội của các nghệ sĩ tạo hình. Họa sĩ Lê Bá Cang tâm sự: “Triển lãm thường niên là triển lãm quy mô, mang tính chuyên nghiệp cao của Hội Mỹ thuật trong năm, quy tụ nhiều họa sĩ các thế hệ tham gia. Vì thế, chúng tôi muốn mang đến phòng tranh những tác phẩm mới nhất, đẹp nhất để giới thiệu đến công chúng”.

Trong không gian trưng bày tại Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, phòng tranh giới thiệu đến công chúng 44 tác phẩm của 44 tác giả thuộc nhiều thế hệ nghệ sĩ. Các tác phẩm gồm nhiều thể loại sáng tác, như hội họa, đồ họa, điêu khắc... trên tất cả các chất liệu như acrylic, sơn dầu, sơn mài, đồ họa in ấn, thủy ấn họa, ghép hoa lá, trúc chỉ, video art, gỗ, đá, thạch cao... Không chỉ phong phú về chất liệu và kỹ thuật tạo hình, phòng tranh còn thể hiện sự phong phú về phong cách biểu hiện, từ trừu tượng, bán trừu tượng đến lập thể, ấn tượng, tả thực và cả ngôn ngữ của design bên cạnh nghệ thuật điêu khắc sắp đặt.

Triển lãm năm nay không còn là phong trào mà chú trọng đến chất lượng nghệ thuật khi có nhiều tác phẩm không mới, không đẹp bị loại. 44 tác phẩm trưng bày trong triển lãm được Hội đồng Nghệ thuật chọn lựa khá kỹ. Với sự chọn lựa cẩn thận này, phòng tranh hội đủ sắc thái đặc trưng của mỹ thuật Huế, mang lại những rung cảm thẩm mỹ trong cảm xúc người xem. Ở đó, cái đẹp, cái sâu lắng của thế giới nội tâm được ẩn dụ, khắc tả qua cấu tứ của ngôn ngữ tạo hình và kỹ thuật chất liệu đa dạng, làm ẩn hiện những thông điệp bộc lộ sự khát khao tìm kiếm lý tưởng chân - thiện - mỹ cho nghệ thuật và cho cuộc sống đời thường.

Những tác phẩm được Hội đồng Nghệ thuật lựa chọn trao giải thưởng thường niên của Hội Mỹ thuật tỉnh và giới thiệu tham dự giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT phải vượt qua được đỉnh cao của chính bản thân người nghệ sĩ. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cho hay: “Những tác phẩm đạt giải năm nay khá ấn tượng, với những gương mặt mới, một số là tên tuổi cũ nhưng biết cách làm mới tác phẩm. Ngôn ngữ thể hiện của những tác phẩm này cũng thể hiện sự tìm tòi - điều mà nghệ thuật luôn cần. Nếu người xem tinh tế có thể nhận thấy, có những bức tranh đẹp, chất lượng tốt nhưng không mới so với những tác phẩm trước đó của chính tác giả ấy vẫn không được Hội đồng Nghệ thuật chọn trao giải. Chính tiêu chí này làm cho những tác phẩm đạt giải trở nên hấp dẫn”.

Tác phẩm “Xuân - Hạ - Thu - Đông” của Võ Quang Phát đánh dấu sự thay đổi phong cách của anh. Sử dụng kỹ thuật thủy ấn họa, Võ Quang Phát thể hiện sự đột phá, tìm tòi trong hành trình sáng tạo khi biết tận dụng các kỹ thuật cũ tạo nên một phong cách mới. Sắc màu của các mùa được tác giả tạo màu một cách ngẫu hứng, gần với ngôn ngữ của hội họa nhưng đầy phá cách mang lại trải nghiệm nghệ thuật thú vị cho người thưởng lãm.

“Di sản” của Nguyễn Thanh Hải biểu lộ cảm xúc của người nghệ sĩ về việc giữ gìn, bảo tồn di sản vật thể, cụ thể là tháp Chăm. Chất liệu sơn mài truyền thống giúp tác giả thể hiện bức tranh trong sáng, mạch lạc nhưng lại đa chiều về ý nghĩa, mang tính khái quát cao. Gam màu đặc trưng của sơn mài, trầm, ấm, thô mộc gần gũi với văn hóa truyền thống của người Việt, phù hợp với chủ đề về di sản, tạo cảm giác hoài cổ. Với bức tranh này, hẳn người xem sẽ cảm nhận được màu sắc của quá khứ qua gam màu trầm, buồn.

Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Lê Bá Cang là gương mặt từng đoạt nhiều giải thưởng. Lắng một thời gian, anh ra mắt công chúng tác phẩm với phong cách hoàn toàn mới. “Vọng âm” là tác phẩm trong seri tranh sáng tác về đề tài văn hóa Huế, được Lê Bá Cang vẽ theo góc nhìn mang tính ẩn dụ, với những tín hiệu hoa văn, họa tiết của văn hóa vật thể và phi vật thể. Lấy hình ảnh cô gái thổi sáo trong tranh dân gian làng Sình làm trọng tâm, bức tranh gửi đến người xem thông điệp, rằng nhiều giá trị văn hóa Huế vẫn còn tiềm ẩn, lẩn khuất xung quanh cuộc sống, chúng ta cần tinh tế hơn, lắng tâm cảm nhận để gìn giữ truyền thống văn hóa. Với tác phẩm này, Lê Bá Cang đã mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt cho người dân sống trên vùng đất di sản.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế, nhận xét: “Chất lượng nghệ thuật của tác phẩm năm nay rất tốt, mới lạ và vượt hẳn mọi năm. Nếu tác giả trẻ chứng tỏ sự cố công định hình phong cách và tìm ra hướng đi mới, hướng đến chất lượng nghệ thuật thì những hội viên lớn tuổi đã định hình được phong cách vẫn giữ được phong độ, thể hiện sự đào sâu trong tác phẩm. Những tác phẩm đẹp, có giá trị trong năm nay của mỹ thuật Huế cùng hội tụ đến đây, cùng mang đến sự rung cảm về cái đẹp cho công chúng”.

Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Nặng lòng với nghiệp diễn

Với nhiều nghệ sĩ, việc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật và với nghệ sĩ trẻ danh hiệu ấy trở nên cao quý, thiêng liêng hơn trong hành trình chinh phục, cống hiến, tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nặng lòng với nghiệp diễn
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Return to top