ClockThứ Sáu, 28/04/2017 21:59

Hội tụ tinh hoa nghề ba miền

TTH.VN - Công viên Tứ Tượng và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên dòng sông Hương của TP. Huế đã trở thành không gian hội tụ tinh hoa nghề Việt tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống của Festival Nghề truyền thống Huế 2017.

Không gian làng nghề mây tre đan Bao La thu hút khách tham quan

Trong tiết trời mưa phùn, đông đảo nghệ nhân đến từ các làng nghề trên cả nước, du khách đã cùng tham dự lễ khai mạc không gian hội tụ tinh hoa nghề Việt chiều 28/4.

Quy tụ nhiều làng nghề nổi tiếng

Đây là không gian chính của Festival nghề truyền thống Huế với sự tham gia của hơn 320 nghệ nhân đến từ 58 đơn vị thuộc 40 cơ sở, làng nghề truyền thống nổi tiếng trên cả nước. Các sản phẩm được giới thiệu tập trung nhóm nghề như dệt, thêu, gốm, mộc mỹ nghệ, mây tre, nón lá, kim hoàn, tranh dân gian, hoa giấy...

Các làng nghề và nghệ nhân mang đến cho du khách những sản phẩm vô cùng độc đáo. Ngoài việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm truyền thống, chính các nghệ nhân còn trình diễn cho người xem quy trình tạo ra sản phẩm để giới thiệu về kỹ thuật, trực tiếp làm nên các sản phẩm thủ công truyền thống. Đặc biệt, nhiều du khách cũng đã cùng tạo ra các sản phẩm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Tái hiện lại quy trình ươm tơ dệt lụa tại không gian hội tụ tinh hoa nghề Việt 

Nghệ nhân Sùng Thị Dính (làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang) đến với Festival Nghề truyền thống Huế năm nay là lần thứ ba. Chị Dính cho biết, làng nghề của chị đem đến lễ hội 21 sản phẩm truyền thống bao gồm túi xách, ví, khăn trải bàn, rèm cửa… để vừa giới thiệu, vừa bán cho du khách. “Không gian này thật tuyệt vời, nó không những tạo ra điểm đến quy tụ các làng nghề mà còn tôn vinh chúng tôi, những người dân tộc thiểu số với nghề dệt truyền thống có từ xa xưa. Đến đây chúng tôi vừa giới thiệu được nét đẹp văn hóa của vùng đất mình, cũng vừa có dịp trao đổi với các làng nghề khác trên cả nước”, chị Dính hào hứng.

Trong khi đó, ở không gian Làng lụa Hội An (Quảng Nam) thu hút người đến xem quy trình nuôi tằm, đóng kén, ươm tơ, xe sợi... Người xem còn được mua ngay những chiếc khăn, cà vạt, túi ví chất lượng được bán ngay ở không gian này. Các làng nghề như gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), làng nghề gốm Mỹ Thiện (Quảng Ngãi), hoa đất sét (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng nghề mây tre đan Bao La, gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, nón lá (Thừa Thiên Huế)… cũng đem đến với không gian làng nghề năm nay nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo.

Tôn vinh làng nghề, nghệ nhân

Nhiều người đến thưởng lãm không gian này đã không khỏi bất ngờ khi chứng kiến được “câu chuyện” của từng sản phẩm. Tất cả được trình diễn một cách tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn khó khăn trước khi cho ra thị trường. Anh Nguyễn Văn Nhân (du khách Đà Nẵng) một trong những người đến khá sớm để tham quan các không gian trưng bày làng nghề. Một trong những làng nghề anh ấn tượng nhất đó là làng nghề mây tre đan Bao La. Nhìn chăm chú các nghệ nhân trình diễn các khâu như chẻ tre, vót tre, đan khung, nứt… anh mới hiểu được để có được một sản phẩm trang trí ở các nhà hàng, khách sạn không hề đơn giản.

“Qua đôi bàn tay của họ tôi thấy quý thêm các sản phẩm trang trí như chiếc thuyền, cây đèn… Tất cả rất điệu nghệ, và đẳng cấp khi chính những người nông dân làm nên sản phẩm đó”, anh Nhân khen ngợi. Nhiều du khách quốc tế cũng dừng lại ở không gian này để trải nghiệm thực tế, chọn mua làm quà lưu niệm. 

Những bông hoa được được các bàn tay tài hoa tạo ra bằng chất liệu từ đất hút hồn du khách

Nghệ nhân Võ Chức có hơn 30 năm gắn bó với nghề mây tre đan Bao La đã không khỏi xúc động khi nhận được sự quan tâm. Với ông, từ khi làng nghề được tôn vinh công việc sản xuất của người dân đã sôi động trở làng, các sản phẩm được đưa đi xa, tạo nên một nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Đã 7 kỳ festival nghề, chưa khi nào ông vắng mặt. “Trước khi nhận được sự tôn vinh của mọi người mình phải biết trân quý, nâng niu những giá trị do chính mình làm ra. Không chỉ dừng lại ở không gian lễ hội, hy vọng rằng các làng nghề sẽ đi xa hơn, như một cách gìn giữ nét đẹp văn hóa quê hương”, ông Chức xúc động.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, Phó Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho rằng, không gian này là điểm nhấn của festival nghề năm nay. “Ở đây, những làng nghề, nghệ nhân xứng đáng được tôn vinh bởi mục tiêu xuyên suốt là khôi phục và gìn giữ phát huy các làng nghề. Không dừng lại đó, thông qua không gian này, các làng nghề và nghệ nhân có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, học tập, trao đổi và giao dịch thương mại’, ông Thạnh nhấn mạnh.

Một số hình ảnh tại không tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:

Ban tổ chức cùng đại diện khách mời, nghệ nhân cắt băng khai mạc không gian hội tụ tinh hoa nghề Việt tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống

Một nghệ nhân nghề gốm trình diễn quy trình làm gốm

Mặt hàng mỹ nghệ cũng chiếm số lượng lớn tại không gian tôn vinh, trưng bày

Dệt của đồng bào dân tộc Mông đến từ Hà Giang

Khách nước ngoài thích thú chụp hình tại không gian làng nghề mây tre đan Bao La

Trong khi đó, hai du khách nữ nước ngoài chăm chú chọn mua cho mình món đồ trang sức ở không gian làng nghề

Không gian thổ cẩm làng Teng (Ba Tơ, Quảng Ngãi)

Trải nghiệm quay tơ, dệt lụa

Nhiều người chọn mua cho mình các sản phẩm để làm quà ở các gian hàng

Đông đảo du khách, người dân tham quan không gian  tinh hoa nghề Việt bên dòng sông Hương

Clip không gian hội tụ tinh hoa nghề Việt tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống của Festival Nghề truyền thống Huế 2017

Bài, ảnh, clip: PHAN THÀNH

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp "tinh hoa" của đất nước

Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo với chủ đề: "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng".

Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp tinh hoa của đất nước
Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Cùng lan tỏa tinh hoa vốn cổ

Huế là một trong những miền di sản đặc sắc của cả nước, con người và thiên nhiên hài hòa giữa vẻ đẹp phô phang và tiềm ẩn. Văn hóa di sản tỏa hơi ấm từ lịch sử vương triều và lịch sử của ngay chính nghệ thuật mà tự nhiên đã tạo nên như những tinh hoa của thời gian.

Cùng lan tỏa tinh hoa vốn cổ
Tiếp thu tinh hoa để xây dựng văn minh đô thị

Phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai xây dựng với 5 tiêu chuẩn công nhận làng văn hóa: Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; có môi trường cảnh quan sạch, đẹp; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Tiếp thu tinh hoa để xây dựng văn minh đô thị
Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

Thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh chiều 2/1 cho biết, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai sẽ diễn ra đến hết ngày 20/3/2024.

Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

TIN MỚI

Return to top