ClockThứ Hai, 17/10/2011 13:52

Hơn 18 tỷ đồng đã được chi trả

TTH - Đến nay việc chi trả học phí cho các đối tượng học sinh, sinh viên theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn có những nơi, chậm tiến độ mà lý do lại rất “giản dị” như ít “đối tượng” quá nên... chờ làm một thể...

Cơ bản hoàn thành việc chi trả

Với 93.061 đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, tính đến ngày 10/9/2011, tỷ lệ chi trả chung cho các đối tượng quy định tại Nghị định 49/2010 đạt 31,85%. Trong đó, nhóm đối tượng được miễn học phí gần 57% do các phòng tập trung giải quyết trước để giảm khó khăn cho người học. Nhóm đối tượng được giảm đạt 26% vì việc giảm 50% hay 70% còn thẩm định lại hồ sơ nên chi trả chậm. Nhóm đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập đạt gần 30% do kinh phí cấp chưa đủ để chi trả; thời gian chi trả đúng vào dịp học sinh nghỉ hè nên nhiều địa phương chưa phối hợp được với các trường nơi các em học để tổ chức chi trả.
 
Đến ngày 10-9, tổng kinh phí cấp cho ngành lao động TB&XH là trên 22.800.000.000 đồng, trong khi đó số kinh phí đã chi trả trên 18.130.000.000 đồng. Số kinh phí đang chi trả trên 4.670.000.000 đồng. Riêng 6 đơn vị Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới đề nghị cấp kinh phí là trên 29.574.000.000 đồng. Do năm đầu mới thực hiện nên công tác dự báo, thống kê đối tượng chưa chính xác, kinh phí cấp cho các đối tượng có nơi thừa, nơi thiếu. Cụ thể, huyện Nam Đông kinh phí còn thừa trên 1.275.000 đồng đã chuyển để chi trả cho năm học 2011-2012.
 

Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Theo báo cáo của các huyện, sau khi chi trả đợt 1 khối lượng hồ sơ, công việc trong quá trình thực hiện miễn, giảm học phí quá lớn, nhiều nơi không có phương tiện để lưu trữ. Nhiều hồ sơ phải đi thẩm định, công tác giám sát, kiểm tra in ấn, tổ chức chi trả tại cơ sở chiếm khá nhiều thời gian và kinh phí. Hầu hết các Phòng Lao động- TB &XH phải làm việc ngoài giờ nhưng vẫn không kịp tiến độ chi trả học phí. Hiện nay, theo phản ánh từ các địa phương, còn khoảng 20 vấn đề vướng mắc trong việc xác định đối tượng, thủ tục hồ sơ và chi trả chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập nhưng chưa được các bộ liên quan trả lời để thực hiện.
 
Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH kiến nghị: Các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương tổ chức hội nghị, tập huấn, hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố để thống nhất thực hiện trong cả nước. Đồng thời, sửa đổi những điều chưa được Nghị định và Thông tư điều chỉnh như ý kiến đề nghị của các địa phương và liên bộ, cụ thể: Hệ thống giáo dục quốc dân gồm các cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập, nhưng Nghị định mới điều chỉnh việc miễn, giảm học phí ở cơ sở đào tạo công lập. Bổ sung nhóm đối tượng được miễn, giảm học phí là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo ở nông thôn, thành thị và miền núi. Bộ Giáo dục- Đào tạo có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo ngoài công lập không xác nhận vào đơn xin miễn, giảm học phí theo tinh thần NĐ49/2010/NĐ-CP để tránh trường hợp nhầm lẫn khi thực hiện chế độ tại các địa phương.
 
Sau khi Sở Lao động TB&XH đề nghị UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí bổ sung cho các đơn vị hoàn thành việc chi trả chế độ cho các đối tượng năm học 2010-2011, UBND tỉnh đã trích ngân sách 21.400.000.000 đồng để ứng trước cho UBND các huyện nhằm thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí theo nghị định của Chính phủ. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã trích ngân sách 300 triệu đồng để bổ sung kinh phí tổ chức thực hiện chính sách này. 
 
Ý nghĩa lớn nhưng vẫn chưa giúp phụ huynh bớt “nặng”
 
Đây là một chính sách lớn, cơ chế thực hiện thay đổi nhiều so với chính sách cũ nhưng không được các Bộ, ngành tổ chức hội nghị, hướng dẫn trực tiếp cho các địa phương nên gặp khó khăn khi thực hiện.
 
Theo ông Đinh Mẫn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - Bảo vệ trẻ em (Sở Lao động TB&XH).
Theo quy định, đối tượng được miễn giảm 100% học phí là người có công và thân nhân của người có công với cách mạng; trẻ em học mẫu giáo và HS, SV mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có kinh tế khó khăn; trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại mất tích; trẻ có cha, mẹ hoặc cả hai đang bị tù giam, không người nuôi dưỡng; người chưa thành niên đủ 16 đến dưới 18 tuổi đang trong thời gian đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên; trẻ học mẫu giáo và HS phổ thông có cha mẹ thuộc hộ nghèo, có thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/năm trở xuống được miễn giảm học phí đến thành viên thứ hai đang đi học; nằm trong chuẩn nghèo (TW) thì miễn cho tất cả các thành viên đi học. HS-SV tại các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ thu nhập bằng 150% hộ nghèo. Đối tượng được giảm 70% học phí là HS-SV chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số ngành nghề độc hại, nặng nhọc. Giảm 50% đối với trẻ học mẫu giáo, HS-SV là con em CBCNVC bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo, HSPT thuộc hộ nghèo thành phố có thu nhập bình quân dưới 10 triệu đồng/ năm... và HS tốt nghiệp THCS đi học nghề...
 
Trẻ em mẫu giáo, HSPT mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa hoặc bị khuyết tật, có kinh tế khó khăn; thuộc gia đình có thu nhập dưới 10 triệu đồng/người/ năm trở xuống được hỗ trợ chi phí học tập 100%. Những hộ nghèo theo chuẩn T.Ư thì chỉ xét đến thành viên thứ hai; trường hợp còn lại được xét hỗ trợ 50%. Mức hỗ trợ cho trẻ mầm non và HSPT là 70.000đồng/ tháng/HS hưởng theo thời gian học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm.
 
100% học sinh trong diện đã được các cơ sở giáo dục lập danh sách chuyển lên phòng GD&ĐT để chuyển sang phòng Lao động Thương binh - Xã hội làm chính sách để các em hưởng ưu đãi kịp thời”.
 
Ông Phan Nam, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Huế
Quy định miễn giảm này được áp dụng tại các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục. Để được miễn giảm, trong 30 ngày từ khi bắt đầu năm học, đối tượng phải có đơn đề nghị theo mẫu và được xác nhận bởi cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng, kèm bản sao có chứng thực các giấy tờ liên quan.
 
Ông Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học cho biết, không chỉ thực hiện theo quy định của Chính phủ, nhà trường còn tạo điều kiện đến trường cho rất nhiều em có hoàn cảnh “chưa” đạt ngưỡng khó khăn nhưng thuộc diện khó khăn thông qua miễn giảm cho học sinh. Về tiến độ, cô Đông Hà, một giáo viên chủ nhiệm cho biết, ngay khi có thông báo về chi trả học phí, cô đã lập danh sách để các em được tiếp nhận sự quan tâm của xã hội một cách nhanh nhất. Cô còn cho biết, lớp cô chủ nhiệm còn đề nghị trường miễn giảm thêm 7 suất cận nghèo để giúp các em yên tâm về tiền bạc, tập trung học tập. Về phía người nhận hỗ trợ, có thể nói, Nghị định 49 thực sự phát huy ý nghĩa nhân văn của nó, nhất là đối với đội ngũ sinh viên. Nhiều em sinh viên thực sự nhẹ nhõm, yên tâm học tập.
 
Tuy nhiên, có những vấn đề cần quan tâm như tâm sự của phụ huynh trực tiếp nhận hỗ trợ: “Các con tôi đã được miễn giảm theo đúng quy định của trên, các thầy cô giáo cũng như địa phương tạo điều kiện nên cũng nhanh. Chúng tôi mừng lắm. Nhưng mức hỗ trợ ấy quá nhỏ so với các khoản phải đóng đầu năm nên gánh nặng phí học hành của các con vẫn làm gia đình tôi vất vả…”. Đây cũng là tâm trạng của khá nhiều phụ huynh. Đáng lưu ý là, khoản đóng góp kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, cho đến nay chưa có địa phương nào quy định mức thu cụ thể đã dẫn đến nhiều khoản đóng góp đầu năm rất cao so với các mức thu trong quy định. Vậy nên, sức nặng từ các khoản đóng góp đầu năm vẫn đè nặng lên phụ huynh học sinh. Tình trạng nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học; mua sắm điều hòa, quạt, bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo... một cách vô tội vạ từ phía ban giám hiệu và “hội phụ huynh”, mới là khoản tiền khiến phụ huynh lo lắng.
 
 
Bài và ảnh: Thu Huế-Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học
Return to top