ClockThứ Bảy, 26/09/2015 15:50

Hồng Bắc hạnh phúc

TTH - Chồng chia sẻ “việc vặt” trong nhà, vợ chồng cùng nhau chăm sóc con cái, không còn “lăn tăn” cố sinh cho kỳ được con trai… đã trở thành “chuyện thường ngày” ở xã Hồng Bắc (huyện A Lưới). Đó chính là kết quả của 3 năm thực hiện mô hình hỗ trợ tư vấn về bình đẳng giới.

Người dân xã Hồng Bắc đến nghe một gia đình điển hình chia sẻ về thực hiện bình đẳng giới

Thay đổi từ gốc

Trong ngôi nhà đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ giữa thôn Lê Lộc 1, chị Lê Thị Xuân lẹ tay nhặt mớ rau, vừa để mắt trông chừng đứa con gái thứ hai mới bốn tháng tuổi đang ngủ. Chồng chị là anh Trần Văn Nam bận giúp một gia đình trong thôn làm nhà. Nói đến chồng, giọng người phụ nữ trẻ thật ấm áp. Chị Xuân nhớ lại, mấy năm trước tuổi đời còn rất “non” nhưng chị và anh Nam lỡ thích nhau “sâu đậm” nên hai bên gia đình tổ chức lễ cưới. Phần do tuổi đời không đủ độ chín chắn, phần theo tục lệ, nên cũng như những người đàn ông ở địa phương ngoài thời gian vào rừng, lên rẫy, anh Nam chẳng mó tay đến công việc nhà. Người “vợ trẻ con” vác bụng bầu vượt mặt lại còn phải một mình xoay như chong chóng với “mớ” công việc không tên thường ngày. Sau khi sinh, vừa lóng ngóng chăm con vừa phải tự mình giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa nên rất mệt mỏi. Nhiều lúc mệt đứt hơi, cực đến phát khóc nhưng cũng không nghĩ đến việc nhờ chồng giúp. Bởi cũng như bà, như mẹ và những người phụ nữ địa phương, chị Xuân mặc định việc nhà việc cửa, con cái… là “phần” của đàn bà, con gái. “Bây giờ thì như có phép màu, từ rừng, từ rẫy về anh Nam còn đỡ đần em nhiều lắm. Nhất là từ lúc em mang thai và sinh con thứ hai, anh giành công việc bếp núc về mình nhiều hơn” - chị Xuân vui vẻ “khoe”.

Còn chị Hồ Thị Nhượng (25 tuổi, thôn Lê Lộc 2) và chồng là anh Trần Văn Nhượng (27 tuổi) lại thay đổi hoàn toàn trong quan niệm về con trai, con gái. Ngày trước, vợ chồng chị “đổ bê tông” trong đầu rằng, nếu chưa đẻ được con trai thì cứ đẻ thêm, đẻ nữa, đến lúc nào có con trai để nối dõi tông đường mới thôi. Bây giờ đã “thông”, con trai hay con gái gì cũng đều là con mình, là núm ruột của mình. Sinh con ra thì phải chăm sóc, yêu thương, nuôi dưỡng con thật tốt. Con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, bất kể trai hay gái sau này sẽ hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Nếu cứ bảo thủ vì để có con trai mà cố đẻ thật nhiều, hệ lụy sẽ là người mẹ suy kiệt sức khỏe, con không đủ no đủ ấm, gia đình rơi vào cảnh nghèo khó lạc hậu triền miên. 

Mưa dầm thấm lâu

Cũng như chị Xuân và vợ chồng anh Nhượng, các cặp vợ chồng khác ở Hồng Bắc đều hồ hởi khi nói về những thay đổi trong nhận thức về việc vợ chồng phải biết cùng nhau chia sẻ việc nhà, nuôi dạy, chăm sóc con cái, biết tôn trọng, không đánh chửi nhau, đặc biệt tẩy chay tư tưởng “trọng nam khinh nữ”… Hỏi nguyên nhân từ đâu dẫn đến “phép màu” này, ai cũng vui vẻ trả lời đó là do được nghe tuyên tuyền trên hệ thống loa truyền thanh, trong các cuộc họp dân, trên tờ rơi, nhất là từ những lời “thủ thỉ” của các tư vấn viên về bình đẳng giới.

Triển khai theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc trên cơ sở căn cứ các nội dung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Ban Dân tộc tỉnh xây dựng mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới. Sau 3 năm triển khai mô hình, Ban chỉ đạo tiến hành khảo sát, điều tra, phỏng vấn các hộ gia đình trước đây chưa có sự tiến bộ. Kết quả, các gia đình đã có sự chuyển biến tốt về nhận thức và hành động.

Anh Phan Văn Hấu - chồng chị Phan Thị Liên (thôn Lê Nin) vỡ nhẽ khái niệm bình đẳng giới chẳng phải điều gì “xa vời” qua giải thích của tư vấn viên Lê Thị Phương (Chủ tịch Hội LHPN xã). Đó là những điều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Ví như nếu chồng say sưa bia rượu, đánh chửi vợ con là không yêu thương gia đình, trở thành tấm gương xấu, gia đình không hạnh phúc. Hay nếu san sẻ với vợ những công việc “vụn vặt” như rửa bát, giặt giũ, quét nhà… không những không “mất hình tượng” người đàn ông, mà đó là hình ảnh của người chồng, người cha thân yêu gần gũi, khiến tình cảm gia đình càng keo sơn gắn bó. Cũng như nhiều người khác, bây giờ vợ chồng anh hiểu thế nào là tảo hôn, hôn nhân cận huyết và những tác hại nghiêm trọng về sức khỏe… Chị Liên ngồi cạnh nhìn chồng bằng ánh mắt trìu mến. Anh có nghề sửa xe nên chị cũng không nề hà đảm trách việc nương rẫy. Còn anh Hấu vừa sửa xe vừa giữ con và lo việc bếp núc. Tuy chỉ đủ ăn đủ mặc, chưa dư dả gì nhưng gia đình đầm ấm hạnh phúc.

Chị Lê Thị Phương tủm tỉm với vẻ mãn nguyện. Chị chia sẻ, sau ba năm những tư vấn viên như chị “mòn đường chết cỏ” đến nhà người dân để “rỉ rả”, hầu hết các gia đình trong xã đã hiểu thế nào là bình đẳng giới, có chuyển biến tích cực về suy nghĩ và hành động. Tư vấn viên Hồ Văn Tùng, Lê Thị Hạ Phiên cho biết, ban ngày khó mà gặp được đầy đủ cả vợ lẫn chồng nên các anh chị phải tìm đến nhà dân vào các buổi tối để kiên nhẫn giải thích. Sau ròng rã ba năm “mưa dầm”, từ chỗ hoàn toàn mù mờ, bây giờ không những đã thông suốt mà hầu hết những cặp vợ chồng đều nhiệt tình chia sẻ hiểu biết và hành động của mình về bình đẳng giới với bạn bè, người thân để có một Hồng Bắc hạnh phúc, cộng đồng xã hội ngày càng ấm no, văn minh, tiến bộ.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Return to top