ClockThứ Hai, 19/07/2010 17:57

Hồng nhung, một loài cây cảnh đẹp

TTH - Hồng nhung là một loài cây gỗ thường xanh thuộc họ Thị, với tên khoa học là Diospyros philippensis. Tên khoa học đã thể hiện xuất xứ, và từ đó nhiều người Việt chúng ta cũng gọi là Thị Philippines.

Đây là loài đặc hữu của Philippines,  phân bố tự nhiên ở các khu rừng nguyên sinh ở vùng thấp của các đảo với tên gọi bản địa phổ biến là Batobankilang. Sau này, khi người dân bản xứ phát hiện quả ăn được, đã trồng làm cây ăn quả nhiều nơi trên quần đảo với tên gọi là Mabolo. Từ đó, tên tiếng Anh của loài cây này là Malobo hoặc Malobo tree. Gỗ của nó rất tốt, gần giống gỗ mun, được người Philippines gọi là kamagang và cũng vì tính chất này, một số người Việt chúng ta gọi nó là mun Philippines. Hiện nay, cây được trồng rộng rãi làm cây cảnh quan từ nhiều nước châu Á, bao gồm Indonesia, Malaysia lên Việt Nam, Nam Trung Quốc, Đài Loan sang đến vùng nhiệt đới châu Mỹ .

Cây mang hoa đơn tính cùng gốc: hoa đực mọc thành cụm xim hay chùm 3 – 7 hoa, có mùi thơm, phủ đầy lông, cánh hoa màu trắng, phủ nhiều lông sáng, có nhiều nhị (24); hoa cái mọc đơn độc, hình thái gần giống hoa đực. Quả mọng có đài đồng trưởng.
 
Đặc điểm độc đáo của cây là hình thái quả. Quả dạng hình trứng tròn, vỏ quả có lớp lông bao phủ, khi quả non, lớp lông có màu xanh, lúc quả trưởng thành lớp lông này chuyển sang màu vàng, rồi vàng cam và đỏ nâu khi quả chín. Do vậy, mặc dù ăn không mấy ngon miệng, nhưng các nhà vườn có trồng Hồng nhung thường dùng quả của nó để thờ cúng. Lớp lông nhung trên vỏ quả là một đặc điểm gây ấn tượng cho nhiều người, không riêng gì ở Việt Nam, mà còn cho cả nhiều cộng đồng trên thế giới. Vì thế, tên gọi phổ thông của cây đã được nhiều nơi gọi theo đặc điểm này. Chẳng hạn như, Việt Nam  gọi là Hồng nhung (Hồng có lông nhung), Trung Quốc gọi Dị sắc thị (Thị đổi màu), Đài Loan gọi Mao thị (Thị lông), nhiều nước nói tiếng Anh gọi Velvet persimmon (Hồng nhung) hay Velvet apple (Táo nhung) và nhiều nước nói tiếng Pháp gọi Pommier velours (Táo nhung)…
 

Cây và quả Hồng nhung
 
Ở Việt Nam, không rõ cây được du nhập từ thời nào, nhưng ở Huế thì chúng tôi đã bắt gặp từ những năm 50 của thế kỷ vừa qua. Cây thường được trồng ở các vườn cổ, tu viện, thánh đường thiên chúa giáo, các vườn chùa và ở một vài lăng tẩm Triều Nguyễn.
 
Cây có thể cao đến 20 m, có dáng đẹp, với vòm lá hình tháp, lá bóng láng, nên việc chọn trồng làm cây bóng mát và tôn tạo cảnh quan như Huế đã làm là điều tất yếu. Hiện nay, Hồng nhung được phát tán rộng rãi, nhiều nhà vườn tân tạo, công sở… cũng đã trồng nó để vừa tạo bóng, vừa tôn tạo cảnh quan. Cây cũng đã được cơ cấu vào hệ thống cây xanh đô thị Huế hàng chục năm nay. Bóng dáng Hồng nhung đã hiển hiện và định hình ở một vài công viên Huế.
 
Qua theo dõi, chúng tôi thấy Hồng nhung chống chịu được gió bão, ít đổ ngã khi gặp gió lớn. Cây có vòm tán gọn, dễ thiết kế trồng ở nhiều loại hình không gian khác nhau. Có thể dùng cây làm vật liệu tôn tạo cảnh quan cho các khu du lịch sinh thái, các công trình kiến trúc đô thị, các điểm văn hóa và cả cho một vài điểm xanh nhỏ như điểm xanh tam giác nằm ở điểm giao lưu ba đường phố Điện Biên Phủ, Nguyễn Huệ, Lê Lợi chẳng hạn.
 
Có người cũng đưa ý kiến rằng, nên đưa trồng ở một vài vỉa hè đường phố để tạo ra một hàng xanh thẳng tắp vừa đẹp mắt vừa hoành tráng. Nhưng xét kỹ, theo thiển ý của chúng tôi là không nên, vì khi quả chín, rơi rụng sẽ gây ô nhiễm môi trường, đó là chưa nói chuyện trẻ con leo trèo hái quả có thể xảy ra tai nạn.
 
Đỗ Xuân Cẩm
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top