ClockThứ Sáu, 29/11/2019 16:55

Hồng Thủy, 10 năm sau cơn bão lịch sử

TTH.VN - Cơn bão số 9 năm 2009 đi qua đã tàn phá nặng nề cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng của xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, gây vô vàn khó khăn cho người dân nơi đây. Riêng địa bàn thôn 1 bị sạt lở nghiêm trọng phải di dời toàn bộ người dân trong thôn. Sau 10 năm với sự đồng lòng quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, Hồng Thủy đã hồi sinh mãnh liệt.

Cơ sở trường học ở Hồng Thủy được đầu tư khang trang trở lại

Nỗ lực của các cấp, ngành

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hồng Thủy A Kơ Tiến nhớ như in những khó khăn, mất mát mà địa phương đã trải qua sau cơn bão lịch sử năm 2009. Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện A Lưới trong cơn bão số 9, cơ sở hạ tầng của Hồng Thủy sau bao năm kiến thiết xây dựng đã bị tàn phá. Bão đã làm hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới và 3 công trình nước tự chảy phục vụ cho 7 thôn bị thiệt hại nặng. Gần 10km đường liên thôn và 2 ngầm tràn bị phá hỏng hoàn toàn. Địa bàn có 2 cây cầu Pa Ay nối từ thôn 6 đi thôn 7 và cầu treo nối đường Hồ Chí Minh đến trung tâm xã bị lũ cuốn trôi. Tổng diện tích cây trồng thiệt hại hơn 360ha; đàn gia súc, gia cầm thiệt hại hơn 750 con. Bão và lũ quét đã làm 5 nhà sập, 33 căn nhà tốc mái. Riêng  ở thôn 1, gần 70 hộ dân có nguy cơ bị vùi lấp do sạt lở phải di dời toàn bộ...

Sau khi bão qua, Hồng Thủy bị chia cắt, UBND huyện A Lưới khẩn trương huy động lực lượng bộ đội địa phương và dân quân tổ chức vận chuyển bộ 5 tấn gạo của tỉnh cứu trợ cho xã để cấp phát trực tiếp cho các hộ dân. Lực lượng bộ đội, biên phòng, công an được huy động tổng lực giúp bà con khắc phục sửa chữa nhà bị siêu vẹo, tốc mái, hệ thống điện, nước sinh hoạt...

Ngay sau khi bão số 9 đi qua, Báo Hà Nội Mới thông qua Báo Thừa Thiên Huế đã ủng hộ cho đồng bào ở Hồng Thủy 50 triệu đồng

Cùng 70 hộ dân ở thôn 1, rất nhiều hộ dân khác sống dọc sông Đakrông của xã nghèo này cũng nằm trong diện nguy cơ bị sạt lở, khiến số hộ cần phải di dời tổng cộng là 105 hộ. Trước những khó khăn chất chồng của người dân địa phương, Dự án khu tái định cư Par Ay xã Hồng Thủy nhằm ổn định đời sống cho 105 hộ dân vùng sạt lở, với tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng đã ra đời. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương VN tài trợ gần 5 tỷ đồng, số tiền còn lại từ nguồn ngân sách đầu tư.

Ông A Kơ Tiến cho hay, khu tái định cư thôn Par Ay là dự án được xác định rất quan trọng của huyện tại thời điểm này. Tất cả các hạng mục nhà ở của dân, đường giao thông, lưới điện hạ thế, nước sinh hoạt, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng… được gấp rút thi công. Vì vậy, không chỉ các đơn vị chức năng của huyện, địa phương phải tích cực kiểm tra, đốc thúc các đơn vị thi công để hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra.

Sức sống mới từ Par Ay

Trưởng thôn Par Ay - Hồ Văn Đức không giấu được vui mừng: “Nhà nước đã cho nhà ở, bắc điện, làm đường bê tông, xây trường học, rồi cấp đất vườn để bà con canh tác, giờ dân bản chỉ lo làm ăn thôi...”. Thôn Par Ay bây giờ đã có nhiều hàng quán tạp hóa mọc lên. Nhiều hộ ở đây nhờ cơ sở hạ tầng thuận lợi về làm ăn buôn bán, sản xuất, nay đã sắm được tivi, xe máy, tủ lạnh, lát bê tông sân nhà…

Gia đình chị Hồ Thị Liệt đến định cư ở thôn Par Ay từ năm 2010, diện di dời sạt lở sau cơn bão lịch sử, nay đã có cuộc sống khá đầy đủ. Có điều kiện làm ăn, chị mở thêm cửa hàng kinh doanh buôn bán. Hôm đến thăm, quầy tạp hóa của gia đình chị rất đông người ra vào, chị bán đủ thứ nhu yếu phẩm cho bà con trong thôn...

Hồi tưởng lại những thiệt hại mà gia đình đã trải qua sau cơn bão số 9 lịch sử, chị Liệt kể: Sau khi di dời tránh bão trở về thì ngôi nhà mà bao nhiêu năm tích luỹ, vay mượn vợ chồng mới xây dựng được chỉ còn là đống xà bần và phế liệu, cột, kèo trộn lẫn những tấm tôn rách nát. Toàn bộ giường chiếu chỏng chơ trên đống hoang tàn. Cái tủ đựng đồ dùng và 2 chiếc xe đạp cũ là tài sản lớn nhất của gia đình cũng bị nhà sập đè bẹp, tất cả áo quần và thóc gạo đều ướt nhoẹt… Ở địa phương lúc đó, hoàn cảnh như chị Liệt đếm không xuể. Không chỉ là nỗi đau vì thành quả lao động mất mát, vì cái đói phải đối mặt, mà nỗi lo lúc này của bà con là vốn vay mượn làm nhà, sản xuất không biết bao giờ trả nổi.

Sau 10 năm đến định cư ở thôn Par Ay, gia đình chị Hồ Thị Liệt đã có cuộc sống khá đầy đủ

Khó có ai tưởng tượng được muôn vàn khó khăn từ sau cơn bão lịch sử năm 2009, sau 10 năm Hồng Thủy đã hồi sinh mãnh liệt. Con đường bê tông uốn lượn dưới chân núi từ thôn 1 về thôn 7, với san sát những ngôi nhà khang trang mọc lên, các quầy hàng tạp hóa, quán cà phê, xưởng mộc,... đã minh chứng về sự đổi thay rõ nét trong đời sống đồng bào nơi đây. Căn nhà rộng rãi khang trang lát gạch men ở thôn 5 mà chúng tôi có dịp dừng chân, chủ nhân là anh Hồ Văn Mau đã đầu tư mở quầy hàng bán đủ thứ từ quần áo, giày dép, đồ uống, đến xăng, dầu... Người nhà anh cho biết còn có ý định mở thêm quán karaoke, dịch vụ xay xát phục vụ cho bà con trong thôn và các thôn lân cận.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy - Trương Công Duẩn vừa đi vừa tâm sự, cuộc sống của bà con ở Hồng Thủy được cải thiện như hôm nay chính nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành đã đầu tư khắc phục hệ thống điện, nước để phát triển sản xuất, hoàn thiện hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu giao thương cho bà con. Hệ thống điện, đường, trường, trạm của xã Hồng Thủy nay đã được đầu tư khang trang trở lại, toàn xã đã có 8 nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng theo kiểu nhà Rông; hơn 5 cơ sở trường mầm non, tiểu học và cấp 2 khang trang đang hoạt động…

Đến Hồng Thủy thời điểm này không khó bắt gặp hình ảnh người dân tất bật mua bán, sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Tiếng máy xay ngô, xay nếp vang vọng, cùng khung cảnh tấp nập người qua kẻ lại, tạo nên nhịp sống phơi phới trên vùng đất biên cương.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính phủ xin bố trí gần 100.000 tỷ đồng chống hạn hán

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho chủ trương bố trí gần 100.000 tỷ đồng đầu tư các công trình thuỷ lợi. Trong đó, các công trình cần đầu tư trước mắt, có thể hoàn thành trong năm 2016 cần số vốn khoảng 3.773 tỷ đồng.

Chính phủ xin bố trí gần 100 000 tỷ đồng chống hạn hán
Return to top